Từ việc phát minh ra máy may cho đến việc tiếp thu sự phát triển của thương mại điện tử, ngành thời trang không bao giờ chùn chân trước sự đổi mới. Thời trang là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất, phát triển nhanh nhất trên thế giới và được dự đoán sẽ đạt giá trị lên tới 3,3 nghìn tỷ đô la vào năm 2030.
Trong cuộc sống hiện đại, công nghệ khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm. Đặt hàng qua các ứng dụng truyền thông xã hội, sàn thương mại điện tử hay thực tế tăng cường (AR) không còn là điều lạ lẫm với chúng ta. Công nghệ nắm bắt mọi thứ trong ngành: từ dự báo xu hướng, hình dáng thiết kế đến khâu sản xuất và phân phối. Thậm chí thời trang kỹ thuật số lên ngôi mạnh mẽ đến mức được dự đoán là sẽ mở ra một chương mới cho toàn ngành công nghiệp. Công nghệ nhân tạo dần thay thế cho quy trình sản xuất may và cắt vải truyền thống.
Công nghệ khiến ngành thời trang phải thay đổi nhanh chóng để kịp thích ứng với thời đại mới. Dưới đây là những xu hướng công nghệ khiến không gian thời trang buộc phải biến đổi, tự động hóa và cá nhân hóa mạnh mẽ hơn.
1. Trải nghiệm kỹ thuật số
Đại dịch COVID-19 khiến người tiêu dùng thay đổi hoàn toàn thói quen mua sắm. Họ trở nên thoải mái và tin tưởng việc mua sắm trực tuyến. Chỉ với một chiếc điện thoại, họ có thể đặt hàng, so sánh sản phẩm và nhận lời khuyên từ các chuyên gia thời trang trên nhiều trang web mua sắm khác nhau ngay tại nhà. Theo báo cáo của Statista, ngành thời trang trực tuyến sẽ đạt giá trị 1 nghìn tỷ đô la với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 7,18% vào năm 2025. Xu hướng mua sắm của khách hàng thay đổi buộc các nhà bán lẻ cũng phải thay đổi theo. Họ phải thoát khỏi hình thức mua sắm truyền thống để phát triển thêm trải nghiệm sống động, thu hút khách hàng hơn. Những gã khổng lồ thời trang nhanh (như H&M) đã bước vào thế giới đang thay đổi này bằng cách mở các cửa hàng Metaverse. Ngoài ra, khách hàng ngày nay cũng đang có xu hướng chuyển từ quan sát thụ động sang chủ động kiểm soát. Họ muốn bản thân có hình ảnh giống như thương hiệu mà họ đang tương tác, bị ảnh hưởng và mua hàng. Khách hàng cũng có nhu cầu tìm hiểu thật kỹ về sản phẩm trước, trong và sau khi mua hàng thông qua các kênh kỹ thuật số. Để phục vụ đối tượng này, các công ty thời trang kỹ thuật số hiện đã mở rộng các tính năng của họ. Họ tổ chức các buổi trưng bày ảo, cho phép khách hàng lựa chọn các mặt hàng mẫu, thử đồ kỹ thuật số. Cách làm này cũng giúp các công ty thời trang giảm chi phí sản xuất và lượng khí thải carbon.
2. Trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo góp phần cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng bằng cách phân tích dữ liệu, hỗ trợ tăng doanh số bán hàng, dự đoán xu hướng và cung cấp hướng dẫn liên quan đến hàng tồn kho. Hầu hết các trang web thời trang hiện nay đều sử dụng chatbot để phục vụ khách hàng nhanh hơn. Công nghệ đằng sau AI chính là các thuật toán theo dõi hành trình, thói quen của khách hàng rồi tổng hợp kết quả và đưa sản phẩm phù hợp đến cho khách hàng. AI cũng giúp các thương hiệu quản lý chuỗi cung ứng, các công cụ dịch vụ khách hàng và dự báo xu hướng. Ví dụ: một công ty thương mại có thể tiết kiệm thời gian, hợp lý hóa việc quản lý và vận hành kho bằng hệ thống theo dõi hàng tồn kho theo thời gian thực dựa trên AI. Các công nghệ hỗ trợ AI như thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) cũng giúp thu hẹp khoảng cách giữa trải nghiệm mua sắm trực tuyến với mua sắm trực tiếp. Không những thế, đại dịch COVID-19 còn giúp đẩy nhanh thói quen mua sắm trực tuyến của chúng ta sớm hơn 5 năm. AI cũng cung cấp các tính năng tìm kiếm trực quan như tìm kiếm dựa trên văn bản, quét và nhận dạng ảnh do người dùng nhập rồi trả về kết quả tìm kiếm phù hợp nhất. Khách hàng có thể tìm kiếm các sản phẩm họ muốn mà không cần phải giải thích bất cứ một lời nào, việc mua sắm trực tuyến trở nên tiện lợi hơn bao giờ hết.
3. In 3D
Hiện tại, quần áo in 3D mới chỉ giới hạn trong mảng thời trang cao cấp, nhưng một khi công nghệ này được chấp nhận rộng rãi, nó sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh các xu hướng thời trang. In 3D cho phép các nhà thiết kế tạo ra các sản phẩm phức tạp một cách dễ dàng. Từ phụ kiện, giày dép đến quần áo, máy in 3D có thể tạo ra mọi thứ. Bạn sẽ sớm được chứng kiến sự lên ngôi của các thiết kế thời trang hoàn toàn tự do về mặt hình học. Ngoài ra, in 3D còn cho phép các thương hiệu sản xuất các lô hàng có kích thước nhỏ hơn và dễ dàng chỉnh sửa hàng hóa cá nhân hơn nên phần nào sẽ giúp ngành thời trang giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Ngành thời trang không ngừng phát triển và cách thức hoạt động thương mại điện tử trong thời trang cũng không ngừng thay đổi. Đối mặt với làn sóng công nghệ mới, thị trường mới (ở cả cấp độ địa lý và kinh tế), các thương hiệu thời trang ngày nay cần học cách thích nghi và đưa ra các chiến lược hấp dẫn để thu hút người tiêu dùng mới, nếu không họ sẽ nhanh chóng bị tụt lại phía sau.
Xem thêm: Ca Sỹ Thanh Hà: "Yêu Bản Thân Hơn Vì Yêu Một Người...".