Trong lịch sử các cuộc thi sắc đẹp, đại diện của Việt Nam từ trước đến nay đã có rất nhiều những bộ trang phục dân tộc được vinh danh và ghi nhớ. Nhưng có những trang phục tuy đẹp, tuy hoành tráng nhưng lại bị khán giả phản đối vì không hợp với sở thích của khán giả lúc bấy giờ.
Tại cuộc thi Miss Universe - Hoa hậu Hoàn vũ 2011, Á hậu Hoàng My sử dụng áo tứ thân cách tân. Tuy nhiên bộ cánh được “mổ xẻ” gợi cảm làm biến tướng chiếc áo truyền thống. Chưa dừng lại ở đó, trang phục này cũng bị cho là quá rườm rà, cầu kỳ và không tương đồng về các họa tiết, bố cục trên thiết kế.
Một năm sau, tại kỳ Hoa hậu Thế giới 2012, Á hậu Hoàng My tạo nên nhiều luồng dư luận trái chiều xung quanh bộ trang phục dân tộc của mỹ nhân này. Đại đa số đều cho rằng bộ cánh này dù đẹp nhưng có phần đi ngược với truyền thống văn hóa mặc của phụ nữ Việt.
Được lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống nhiều ý kiến cho rằng trang phục dự thi của Hoàng My rất gợi cảm. Với nhiều khoảng hở, đường cắt xẻ táo bạo dù khá tôn vóc dáng của người đẹp nhưng vô tình lại đi ngược với truyền thống văn hóa ăn mặc kín đáo, thanh nhã mà phụ nữ Việt đã giữ gìn bao đời nay.
Ở cuộc thi Nữ hoàng Du lịch Quốc tế 20011, Á khôi Thúy Ngân sử dụng bộ trang phục dân tộc do nhà thiết kế Long Dũng thực hiện với chủ đề “Lửa thiêng Cao nguyên”.
Bộ trang phục được lấy cảm hứng hình ảnh ngọn lửa đỏ rực, hừng hực sức nóng đang bập bùng cháy trong tiếng cồng chiêng rộn rã giữa núi rừng Tây Nguyên. Tuy nhiên, Thúy Ngân lại bị “ném đá” vì khoe vòng một quá đà, khiến trang phục trở nên phản cảm.
Tại kỳ Miss International - Hoa hậu Quốc tế 2011, Hoa hậu Trúc Diễm cũng vô tình bị chỉ trích vì bộ trang phục dân tộc như trong các tướng game.
Bộ trang phục quá to vừa, cồng kềnh lại nặng nề làm lộ rõ thân mình mỏng manh của Á hậu Trúc Diễm. Thiết kế bị nhiều khán giả ví như trang phục của các nhân vật nữ trong những trò chơi game online.
Hoa hậu Thúy Vy từng bị chê không tiếc lời với bộ áo dài lòe xòe, cầu kì và khá rối mắt này khi mang đến đấu trường Miss World - Hoa hậu Thế giới 2011. Được biết nhà thiết đã dùng 2 màu đỏ và vàng - màu của lá cờ Việt Nam làm màu chủ đạo cho chiếc áo dài truyền thống.
Bộ cánh được làm bằng tay với gần 5.000 chiếc lông công dính trên thân áo. Loài chim công được ví như biểu tượng sắc đẹp, từ thời xa xưa các Hoàng hậu trong cung cũng thường dùng lông công để trang trí các vật dụng như một biểu tượng sang trọng nhất.
Thiết kế bị chê màu mè, đồng bóng. Nhiều người còn đặt câu hỏi tại sao người đẹp có thể mặc bộ trang phục lông công trong khi thế giới đang kêu gọi bảo vệ động vật. Dù là lông công giả thì Thúy Vy cũng dễ bị mất điểm với bộ đồ này.
Bộ cánh kể lại sự tích mẹ Âu Cơ sinh được trăm trứng của Hoa hậu Phan Thị Mơ không nặng nề nhưng bị nhận xét là thiếu tinh tế, thiếu nghệ thuật. Trang phục của Hoa hậu Phan Thị Mơ được nhiều khán giả mô tả khá giống với trang phục của vũ công múa bụng.
Trong số các trang phục dân tộc bị ném đá, bộ Sen Vàng của Khả Trang ở kỳ Miss Supranational - Hoa hậu Siêu quốc gia 2015 là một trường hợp hy hữu khi đoạt giải trang phục dân tộc đẹp nhất.
Trước đó, khi những hình ảnh đầu tiên về trang phục dân tộc của Khả Trang được đăng tải, nhiều khán giả trong nước chê thiết kế rườm rà, nặng nề.
Vấp phải nhiều ý kiến tranh luận từ khán giả, bộ trang phục mang tên Sen vàng Việt Nam nặng 45 kg của nhà thiết kế Lê Long Dũng đã giúp đại diện Việt Nam giành giải Trang phục dân tộc đẹp nhất.