Dân tộc Chăm phân bổ theo những nhóm địa phương khác nhau. Chủ yếu họ sống tập trung ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Một số nơi khác như An Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh cũng có một phần dân cư là người Chăm.
Trang phục dân tộc Chăm có lối tạo dáng và trang trí riêng khó lẫn lộn với các tộc người trong nhóm ngôn ngữ hoặc khu vực.
Thật ra người Chăm hiện nay còn gìn giữ lưu truyền trang phục tộc người riêng biệt cho cả đàn ông lẫn phụ nữ, bởi họ có một truyền thống trồng bông, dệt vải lâu đời và phát triển ở một trình độ cao mà ngày nay chúng ta còn nhận biết các làng dệt thổ cẩm nổi tiếng: Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ. Vì thế đàn ông có cả trang phục đầy đủ dành cho lao động, đi lễ hội, trang phục riêng biệt của chức sắc Bà la môn, chức sắc Hồi giáo, thầy cúng lễ.v..v
Bộ trang phục phụ nữ có nhiều loại từ khăn thổ cẩm đội đầu, trang sức đeo tai, cổ, vòng tay, nhẫn mưta (nhẫn mắt), áo ngắn, váy, chăn… nhưng đặc sắc nhất vẫn là chiếc áo dài lễ hội.
Chỉ cần chứng kiến một thanh nữ mặc áo dài múa trong lễ nghi cúng tháp nhân ngày hội Kate, chúng ta không khỏi trầm trồ bởi dáng uyển chuyển, thành thục khi múa những động tác độc đáo, lại gọn gàng. Tất cả những gì đẹp nhất, mềm mại nhất của vũ công e ấp kín đáo trọn vẹn trong chiếc áo dài muôn thuở đẹp đến vô cùng.
Một điều bắt buộc, áo dài được may sát sao theo dáng người, cổ tròn, kín, tay may vừa sát cổ tay, không rộng như áo dài Việt, phụ nữ trẻ thì chọn màu xanh nhạt, hồng, trắng, phụ nữ lớn tuổi chọn màu tối sẩm hơn.
Về cơ bản, phụ nữ các nhóm Chăm thường đội khăn. Họ thường phủ trên mái tóc hoặc quấn gọn trên đầu, hoặc quấn theo lối chữ nhân, hoặc với loại khăn to quàng từ đầu rồi phủ kín vai. Khăn đội đầu chủ yếu là màu trắng, có loại được trang trí hoa văn theo lối viền các mép khăn (khăn to), nhóm Chăm Hroi thì đội khăn màu chàm.
Lễ phục thường có chiếc khăn vắt vai ngoài chiếc áo dài màu trắng. Đó là chiếc khăn dài tới 2-3m vắt qua vai chéo xuống hông, được dệt thêu hoa văn cẩn thận với các màu đỏ, trắng, vàng của các mô tuýp trong bố cục của dải băng.
Vào dịp hội hè hay các dịp lễ, trai gái Chăm còn trang sức bằng các thắt lưng do người Chăm tự dệt. Hầu như phần lớn các sản phẩm vải của người Chăm không thể thiếu các loại hoa văn trang trí, nhất là trên các y phục cổ truyền của các thiếu nữ.
Trang phục nam của dân tộc Chăm vùng Thuận Hải, đàn ông lớn tuổi thường để tóc dài, quấn khăn. Đó là loại khăn màu trắng có dệt thêu hoa văn ở các mép và hai đầu khăn cũng như các tua vải. Khăn đội theo lối chữ nhân, hai đầu thả ra hai mang tai.
Nhóm Chăm Hroi đội khăn trắng quấn gọn trên đầu. Nam mặc áo cánh xẻ ngực màu sáng hoặc tối. Đó là loại áo cổ tròn cài cúc. Có người mặc áo ngắn, xẻ ngực, cộc tay. Các đường viền ở cổ sườn, hai thân trước và gấu được trang trí và đính các miếng kim loại hình tròn, có nhóm mặc lễ phục là loại áo dài xẻ nách trắng hoặc đỏ. Trang phục cổ truyền là chiếc váy và quần.
Trong cộng đồng dân tộc Chăm, có một bộ phận chức sắc đảm nhiệm phục vụ các nghi lễ, tín ngưỡng cộng đồng, điều đó được phản ánh sinh động qua các trang phục, sắc phục. Trang phục truyền thống dân tộc Chăm luôn gắn liền với các lễ hội.
Đặc biệt trong lễ hội Kate của người Chăm, ta có thể muôn vàn sắc màu trong các xiêm y đặc trưng của người Chăm.
Lịch sử sáng tạo kết hợp giao lưu văn hóa. Cho đến hôm nay, trang phục dân tộc - áo dài của người Chăm hay áo dài của phụ nữ Việt vẫn là một dạng bản sắc văn hóa quý giá trên đất nước Việt Nam ta.