Điện ảnh luôn được biết đến như một cái nôi tuyệt vời của những giấc mơ và khát khao, một nhà máy sản xuất ra những trải nghiệm độc đáo mà thực tế không thể đạt được. Thời trang cũng kỳ diệu như vậy. Thời trang nắm giữ vai trò đánh dấu sự khởi đầu và kết thúc của các kỷ nguyên trong lịch sử, cho phép các nhà lãnh đạo truyền tải tâm trạng, tư tưởng và thể hiện văn hóa của các dân tộc theo thời gian.
Hai thế giới điện ảnh và thời trang đã gắn bó chặt chẽ với nhau trong một thời gian dài: nếu ví thế giới thứ nhất là linh hồn, thì thế giới thứ hai là thể xác và các khía cạnh bên ngoài. Chúng ta không thể nói về điện ảnh mà không nhắc đến những nhà thiết kế trang phục vĩ đại và những diva huyền thoại - những người trực tiếp khoác lên mình những bộ cánh quý giá.
Sự hợp tác giữa điện ảnh và thời trang được củng cố mạnh mẽ vào những năm 30. Vào thời kỳ đó, nữ diễn viên Marlene Dietrich với những chiếc quần trousers đã mang đến định nghĩa nữ tính mới mẻ chưa từng có cho phái đẹp. Thời điểm đó cũng chứng kiến sự ra đời của nylon, chất liệu mang tính cách mạng mà sau này được sử dụng để làm ra những chiếc quần bó. Cũng trong những năm đó, Adrian, một trong những nhà thiết kế trang phục điện ảnh nổi tiếng nhất trong lịch sử, đã tạo dựng tên tuổi thành công nhờ những sáng tạo cho các minh tinh như Greta Garbo và Joan Crawford.
Trước đây, thời trang chỉ được nhắc đến gián tiếp thông qua các tác phẩm mà Givenchy thiết kế cho Audrey Hepburn hay Yves Saint Laurent cho Catherine Deneuve. Còn bây giờ, thời trang có thể trở thành là yếu tố nền tảng của cốt truyện hoặc các nhà thiết kế chính là nhân vật chính trực tiếp của bộ phim, ví dụ như "The devil wear Prada" và "Zoolander". Sau đó, các thương hiệu thời trang như Armani, Chanel, Ferragamo, Gucci, Prada, Valentino…bắt đầu xâm chiếm màn ảnh rộng như một đội quân thực sự.
Các nhà mốt không chỉ tạo ra trang phục mà còn truyền tải tính thẩm mỹ thị giác cho một tác phẩm điện ảnh. Ví dụ điển hình cho trường hợp này là bộ phim "The Great Gatsby". Năm 2013, sau rất nhiều sự mong đợi của giới mộ điệu, bộ phim “The Great Gatsby” (tựa Việt: Đại gia Gatsby) của đạo diễn Baz Luhrmann, đã chính thức được ra mắt. “The Great Gatsby” đặt trong bối cảnh của vùng Long Island ở Hoa Kỳ trong mùa hè năm 1922, như kể lại thời kỳ sống của chính tác giả. Sau cú sốc và hỗn loạn của Chiến tranh thế giới thứ nhất, nước Mỹ bước vào thời kỳ thịnh vượng chưa từng thấy trong những năm 1920 do sự cất cánh của nền kinh tế. Với tư cách là dự án chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết kinh điển của nhà văn F. Scott Fitzgerald, có sự đầu tư “khủng” nhất từ trước đến nay, với mức kinh phí 105 triệu đô la Mỹ, cùng sự góp mặt của dàn sao hạng A gồm Leonardo DiCaprio, Carey Mulligan, Tobey Maguire, “The Great Gatsby” dễ dàng trở thành tâm điểm trong lĩnh vực văn hoá giải trí ở thời điểm đó. Bên cạnh việc là một bộ phim đáng xem, và được yêu thích bởi đông đảo những khán giả yêu điện ảnh, bộ phim “The Great Gatsby” còn là một tác phẩm cực kỳ mãn nhãn đối với những ai yêu mến thời trang và cái đẹp. Dưới sự dẫn dắt của một ekip đầy tiếng tăm, dẫn đầu bởi Catherine Martin - cái tên tài năng trong lĩnh vực thiết kế phục trang tại Hollywood (đồng thời cũng là vợ của đạo diễn Baz Luhrmann) cùng với sự giúp sức của nhà thiết kế danh tiếng Miuccia Prada - đầu tàu của nhà mốt Prada, phần phục trang trong phim “The Great Gatsby” đã đem đến một sự thoả mãn thị giác thật sự dành cho bất kì tín đồ thời trang nào.
Trong thế giới điện ảnh hiện đại, nhà thiết kế trang phục được trao quyền để tạo ra những sản phẩm đúng theo tầm nhìn, cá tính riêng, thay vì chỉ thuận theo yêu cầu của diễn viên hoặc đạo diễn. Họ thậm chí còn trực tiếp tham gia sản xuất, đạo diễn phim thay vì chỉ chuẩn bị trang phục. Tom Ford là một trong những nhà thiết kế tài năng nhất, có khả năng xây dựng hình ảnh mang tính biểu tượng vượt thời gian cho dự án mà anh tham dự. Năm 2008, anh trở thành người phụ trách chính thức cho phong cách James Bond - một biểu tượng về thời trang quý ông được công nhận trên toàn cầu. Sau đó, Tom Ford lần đầu tiên trở thành đạo diễn với bộ phim "A Single Man". Bộ phim ngay lập tức trở thành một viên ngọc thẩm mỹ thực sự, nơi trang phục, màu sắc và các chi tiết được chăm chút đến từng chi tiết nhỏ nhất, thể hiện tài năng kể chuyện thiên tài của nhà thiết kế Tom Ford.
Vừa là nhà thiết kế thời trang vừa là đạo diễn phim, Tom Ford có góc nhìn độc đáo về cách cả hai thế giới giao nhau. Trong cuộc trò chuyện với AnOther về kinh nghiệm làm việc với nhà thiết kế trang phục Arianne Phillips trong lần đầu làm đạo diễn cho “A Single Man”, Ford cho biết: “Điều hành bộ phận trang phục cho một bộ phim hoàn toàn khác với thiết kế quần áo cho sàn catwalk và tôi nghĩ rằng Arianne đã làm một công việc xuất sắc”.
Từ sự quyến rũ cổ điển đến những bộ trang phục mang tính biểu tượng, điện ảnh luôn đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa đại chúng. Cho dù bạn có nhận thức được điều đó hay không, thì mọi “vẻ ngoài” hoặc trang phục mà chúng ta kết hợp với nhau đều bị ảnh hưởng bởi một điều gì đó lớn lao hơn. Mọi thứ bạn nhìn thấy và quan sát trên màn ảnh rộng đều vô tình tác động đến lựa chọn thời trang của bạn.
Ví dụ như bộ phim "The Hidden Thread" của đạo diễn Paul Thomas Anderson với cốt truyện kể về một người thợ may không ngừng tìm kiếm sự hoàn hảo tuyệt đối nhưng lại phụ thuộc vào một tình yêu không hoàn hảo. Phim được đặt trong bối cảnh London những năm 50 chắc chắn là một bài học về phong cách vô cùng quý giá cho giới mộ điệu. Bạn có thể tìm thấy sự hoàn hảo mà nhân vật chính hướng tới thông qua quá trình hiện thực hóa các bộ trang phục và chi tiết như đôi tất màu đỏ của Daniel Day Lewis (diễn viên chính của phim) đến từ xưởng may lịch sử Gammarelli của Rome.
Bộ phim “Breakfast At Tiffany’s” chính là một quyển sách dạy về thời trang không bao giờ lỗi mốt. Cốt truyện của phim không được khán giả ghi nhớ nhiều bằng chính tính thẩm mỹ tinh túy của nó. Ngọc trai, váy đen nhỏ, kính râm…vai trò của Hepburn (trong vai Holly Golightly) là đưa những chi tiết thời trang vốn cực kỳ hào nhoáng, cường điệu này vào thị trường phổ thông. Hình ảnh thu nhỏ về sự quyến rũ của Hollywood được tạo ra thông qua Hepburn đã mang đến rất nhiều cảm hứng cho những tín đồ yêu thời trang.
Bộ phim “Clueless” đã giúp nâng tầm thời trang của nữ sinh thành một thứ gì đó sang trọng hơn nhiều. Siêu phẩm đến từ năm 1995 đã mở đường cho những bộ đồ kẻ sọc, tất cao đến đầu gối, mũ đội đầu phổ biến vào thế kỷ 21. Năm 2022, thời trang Y2K đã có một màn trở lại vô cùng ngoạn mục. Xu hướng váy micro-mini lần đầu tiên được Miu Miu trình diễn trên sàn catwalk S/S22 rồi sau đó một loạt các nhà thiết kế khác đã làm theo.
Khi nghĩ về thời trang và ngành công nghiệp điện ảnh, tâm trí của bạn có thể tự động nghĩ đến những nữ diễn viên xinh đẹp mặc những bộ cánh xa hoa siêu thực bước đi thành hàng dài trên thảm đỏ. Trên thực tế, mối quan hệ giữa thời trang và điện ảnh sâu sắc hơn thế. Hai khía cạnh này “nương tựa” vào nhau, hỗ trợ lẫn nhau truyền tải các thông điệp tích cực, tiêu cực đến với đại chúng. Nếu hợp tác khéo léo, cả bộ phim và thương hiệu thời trang đều có thể gặt hái được nhiều lợi ích lâu dài về sau.
Xem thêm: Khí Chất Đỉnh Cao Của Minh Hằng Trong Chị Chị Em Em Hóa Ra Bắt Nguồn Từ Điều Này.