Mang đẳng cấp đến từ danh tiếng tạo dựng thuở vừa “lọt lòng”, từ một xưởng nhỏ chuyên sản xuất rương đựng hành lý cho đến danh hiệu thời trang xa xỉ hàng đầu thế giới, Louis Vuitton sau hơn 150 năm “tung hoành” giờ đây đã đứng trên đỉnh vinh quang chói lọi.
Nhắc đến những chiếc túi xách mang họa tiết Monogram có hình dáng của những bông hoa bốn cánh độc quyền, người ta sẽ bật ra ngay những từ khóa: bền, đẹp và giá bán cao ngất ngưỡng không dưới 4 con số. Đặc biệt nhất, nếu như Gucci hay Dior luôn tung ra đợt giảm giá theo mùa trong năm, thì với LV điều này là không tưởng. Chính sự cao ngạo bất chấp này đã làm nên tính thương hiệu kiên định của “lão làng” khi không chạy theo số đông mà chỉ hướng vào diện khách hàng lắm tiền nhiều của hay muốn phô trương sự giàu sang của mình.
Thế nhưng ít ai biết được, để “đến hồi thái lai”, không ít lần nhà mốt lâu đời phải trải qua “cơn bĩ cực”, “ngậm đắng nuốt cay” trước sự vượt mặt của loạt thương hiệu cùng đẳng cấp. Đã có lúc những chiếc túi xách mang logo bốn cánh hoa rơi vào cảnh “thất sủng” trước loạt thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản,… Thậm chí, từng có thời kì Louis Vuitton trở thành thương hiệu thời trang bị làm giả nhiều nhất trong lịch sử cũng khiến cho giá trị của thương hiệu giảm sút đi rất nhiều. Bằng chứng rõ rệt nhất là năm 2015, trong vòng 5 năm, Louis Vuitton giảm từ vị trí 16 xuống thứ 20 trong bảng xếp hạng những thương hiệu đắt giá nhất hành tinh. Cộng hưởng vào đó, những thay đổi trong thị hiếu khách hàng cũng là nguyên nhân đẩy LV rơi vào hoàn cảnh túng quẫn, lao đao.
Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao mốc son huy hoàng của Louis Vuitton vốn đã từng làm nên lịch sử giờ đây chỉ còn là giấc mơ? Công bằng mà nói, với sức cạnh tranh mạnh mẽ từ các thương hiệu tầm trung như H&M, Zara, Samsonite,… cũng khiến tương lai của Louis Vuitton trở nên khó khăn hơn nhiều. Từ năm 2015 trở đi, sự sa sút trong cuộc đua thương hiệu là điều giới mộ điệu cảm nhận được ở ông lớn ngành hàng xa xỉ. Liên tiếp nhiều năm trôi qua, dù vẫn duy trì ở top 20 những thương hiệu xa xỉ nhất thế giới nhưng tính “háo chiến” không còn bền bỉ đã kéo theo khoảng thời gian LV “trôi lênh đênh” giữa các trận chiến.
Như một “giọt nước tràn ly”, Louis Vuitton đứng trước “đầu sóng ngọn gió” và lệch khỏi quỹ đạo của hãng do hệ quả từ chính chiến lược sản phẩm và sự ham muốn nổi tiếng quá mức nhưng chẳng tới đâu. Do đó, chỉ có con đường “thay máu” mới có thể vực dậy tầm ảnh hưởng của thương hiệu.
Trong bối cảnh hiện đại, “song kiếm hợp bích” trở thành phương thức “thần thánh” để làm mới bản thân và thúc đẩy doanh số, do đó hàng ngàn thương hiệu chạy theo cuộc chiến “bắt tay” với hi vọng đổi đời. Nhưng không phải ai cũng “biết mình biết ta” để “trăm trận trăm thắng” ở cái sân chơi vốn dĩ hiểm họa cũng rình rập từng phút giây.
Trước hết, hãy nói về lý do mà nhà nhà “điên cuồng” tìm kiếm một người “bạn đồng hành” để bắt tay. Một, mở rộng tiếp xúc với thương hiệu. Nếu như các nhà bán lẻ coi đây là “miếng mồi” béo bở để truyền bá hình ảnh mạnh mẽ khi có cơ hội để bán quần áo hoặc các phụ kiện mang nhãn hiệu nổi tiếng xa hoa trong cửa hàng của mình, thì từ quan điểm của nhãn hàng sang trọng, tiếng vang thương hiệu sẽ được tiếp cận những thị trường mới, vùng đất mới và đối tượng tiềm năng mới. Hai, mở rộng sản phẩm theo chiều dọc lẫn chiều ngang. Lẽ dĩ nhiên “một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”, khi sự phối trộn đa dạng hàng hóa mẫu mã được tung ra, thị hiếu của người tiêu dùng cũng được “tăng mùi tăng vị”, thậm chí cả “khẩu phần” cung ứng lớn sẽ đáp ứng được nguồn cầu khổng lồ. Ba, tiếp cận công nghệ mới. Một lý do hợp lý khác để trào lưu “hợp tác cùng phát triển” lên ngôi là vì bất kì nhãn hàng nào cũng không thể đạt được lợi thế khi cạnh tranh một mình. Một thương hiệu lớn có tiền của sẽ phải tìm đến sự hợp tác của các đối tác nhỏ hơn để tiết kiệm thời gian và sự rủi ro. Cũng như vậy, một thương hiệu nhỏ chưa đủ sức để công phá thị trường có thể tranh thủ cơ hội này thu về lợi nhuận. Cuối cùng, collaboration giúp phát triển mô hình kinh doanh mới. Từ những gì chúng ta nhìn thấy trong thị trường cao cấp trong vài năm trở lại đây, điều kiện để thu hút khách hàng luôn nằm ở yếu tố gây chú ý và ngạc nhiên bằng sự đổi mới và độc đáo. Do đó, các loại quan hệ đối tác sẽ ngày một diễn ra thường xuyên hơn để thương hiệu “thay máu” cho loạt “con cưng” của mình.
Một minh chứng hùng hồn cho thời đại hợp tác cùng phát triển này đó là H&M - thương hiệu thời trang “mì ăn liền” đã từng thực hiện 12 “cú bắt tay” với loạt “ông trùm” làng mốt xa xỉ như Balmain Paris, Versace,… Dù đình đám và “làm mưa làm gió” khắp địa cầu cũng như việc gia nhập lực lượng này đã thúc đẩy cả hai phát triển là thế, nhưng “ngày vui chóng tàn”, sức ảnh hưởng của H&M cũng như “cạ cứng” trong mối quan hệ hợp tác vẫn chưa đủ sức tạo nên cú nổ lớn nhớ đời.
Có thể nói màn “song kiếm hợp bích” của Louis Vuitton và Supreme khiến dân tình nuôi “tham vọng” rất lớn, săn đón bằng được cho mình. Bởi lẽ, ngoài cái mác sang chảnh thì xu thế hợp tác cùng phát triển giữa một thương hiệu bình dân được săn đón nhất nhì thế giới và nhà mốt lâu đời thì sức nóng ngày một dâng cao, hoàn toàn dễ hiểu.
Vậy mới nói, hợp tác là câu chuyện dễ dàng có thể thực hiện một sớm một chiều nhưng để giải mã bài toán kinh doanh “khó nhằn” này thì điều kiện cần và đủ là điều bắt buộc. Một mặt, Louis Vuitton thật sự nhận ra được điểm hạn chế khó tiến xa của mình khi những sản phẩm ra đời đều có phần đơn điệu. Lâu dần, Louis Vuitton nhận về nhiều định ý kiến mang tính độc quyền, một phần khách hàng cho rằng LV đã quá trung thành với những gam màu nâu đậm, trắng cùng loạt họa tiết LV gây rối mắt. Do đó, việc tìm kiếm một lối đi mới để “thay da đổi thịt” trong tình hình nguy cấp như bấy giờ là yêu cầu cấp thiết.
Mặt khác, việc chọn Supreme để “gửi vàng” - cái tên ăn sâu vào tận gốc rễ của làng mốt đường phố của LV là bước đi thông minh, đầy tính toán. Bởi với bản sắc đậm đà khó trộn lẫn của văn hóa trẻ trung, nổi loạn nơi đường phố cùng ranh giới mong manh giữa bình dân và cao cấp của Supreme đã tạo nên một thị trường tiềm năng.
Và chẳng lấy làm ngạc nhiên khi sau màn “song kiếm hợp bích” mang tính thế kỷ, Louis Vuitton quay trở lại đường đua thương hiệu với vị trí thứ 4 trong Bảng xếp hạng doanh thu của các thương hiệu thời trang. Cụ thể, Louis Vuitton đã đạt doanh thu 22,9 tỷ đô la), tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận cũng tăng gấp đôi lên 23% - một con số khổng lồ mà bất cứ nhãn hiệu nào cũng mơ ước đạt được. Những người mộ đạo Supreme quan tâm đến tay của họ trên một bộ sưu tập đồ trang sức của Vuitton (toàn bộ bộ sưu tập được sản xuất bởi nhà thời trang Pháp), trong khi đó đám đông Louis Vuitton giàu có có thể mua vào sự hấp dẫn về văn hoá đối phương.
Câu chuyện về bài toán cộng sinh giữa một ông hoàng có tuổi đời hơn 150 năm và gã khổng lồ ngang tàng của khía cạnh đường phố muốn nâng tầm đế chế của mình đã châm ngòi cho làn sóng “hypebeast” vô cùng mạnh mẽ. Không ngoa khi nói rằng dù gập ghềnh trước nhiều sóng gió thời cuộc thì Louis Vuitton vẫn tuân thủ chặt chẽ những nguyên tắc kinh doanh cùng “chiêu trò” ở cái đầu đại tài để tiến hành “trẻ hóa”, nhập cuộc cùng hơi thở của làng mốt bụi phủi.
Dù chỉ là bước khởi đầu cho những màn collab tiếp theo nhưng khó thể phủ nhận, Louis Vuitton trong năm nay đã rất xuất sắc trong việc chinh phục “giấc mộng” của hàng vạn khách hàng, giấc mộng mang màu đỏ thế kỷ, giấc mộng của sự “thay máu” tính đơn điệu và hơn hết, Louis Vuitton đã dần mở rộng thị trường, thay vì gói gọn vào nhóm khách hàng nhất định. Tưởng đâu Louis Vuitton đã chìm nghỉm trong ngôi vàng lạc lõng mà giờ đây, chỉ với màn làm thân bất ngờ, nhà mốt lâu đời một bước thâu tóm doanh thu toàn thế giới. Thế mới biết, một khi “lão đại” chen chân và vẩy lên mình sự đa sắc, đó là lúc bảng vàng phải ghi dấu kẻ thống lĩnh mang sức hút toàn cầu.