Ngày nay, với việc các nhãn hàng thời trang thế giới đang du nhập, cùng chuyện nhập hàng, bán sản phẩm từ các shop online quá dễ dàng và thuận tiện, các thương hiệu thời trang trong nước - local brand cũng đang từ đấy tìm kiếm lối đi để phát triển bản thân.
Không phủ nhận việc các local brand đang chuyển mình nhanh chóng, vượt bậc nhưng chính việc phát triển mọi thứ quá nhanh, vô hình chung tạo nên động thái phát triển song song: giữa tích cực và tiêu cực, giữa việc làm nghề chân chính, cập nhật nhanh nhạy xu hướng thế giới cùng câu chuyện kiếm cách chèn đầy túi.
Local Brand cùng câu chuyện cập nhật xu hướng
Không thể phủ nhận, bên cạnh các NTK lớn, làng thời trang Việt còn là “mảnh đất” của những thương hiệu thời trang, cửa hàng nội địa. Dạo quanh những “zone” - khu vực mua sắm của những shop thời trang Việt theo cách gọi của các bạn trẻ có thể thấy cơ man nào là thương hiệu cập nhật thường xuyên những xu hướng, outfit mới trên thế giới.
Số lượng giới hạn, không đại trà, bắt trend nhanh, cập nhật tốt kiểu dáng và được thiết kế phù hợp với vóc dáng người Việt, mức giá ổn là những mặt tích cực đưa các sản phẩm này đến gần với công chúng.
Ăn cắp ý tưởng, thiết kế
Khi mà giới trẻ Việt Nam đang bị cuốn theo trào lưu print on print, các local brand thiên về streetwear đã không ngần ngại “tìm kiếm” những bản thiết kế đẹp mắt để đáp ứng nhu cầu cho khách hàng mình, không không quan tâm đến bản quyền cũng như tìm hiểu nguồn gốc tác phẩm, cứ thế mà in lên sản phẩm và tung ra thị trường.
“Parody” sản phẩm của những thương hiệu lớn trên thế giới
Chắc hẳn ngày nay, các bạn có thể dễ dàng tìm kiếm những bộ phim hài hước, giễu nhại lại một tác phẩm kinh điển trên mạng internet. Không chỉ trong lĩnh vực điện ảnh, trào lưu “parody” còn đang dần nhen nhóm trong thị trường thời trang Việt Nam qua việc các thương hiệu trong nước sử dụng nó như một cách “ăn theo” trang phục của các thương hiệu lớn.
Tuy nhiên, Một sản phẩm chỉ được đánh giá là parody khi sản phẩm đó sử dụng những yếu tố cơ bản của tác phẩm gốc như: font chữ, biểu tượng, lối thiết kế hay phong cách… dưới góc nhìn hài hước, châm biếm,… Tuy nhiên, lằn ranh giữa parody và đạo nhái (bootleg), ăn cắp ý tưởng luôn rất mong manh. Song, mọi hành vi sử dụng tên thương hiệu, logo nguyên bản hay “sao chép” y nguyên thiết kế đều có thể bị xem là hành động đạo nhái.
Vì vậy, việc lợi dụng mác “Parody” để kinh doanh những sản phẩm ăn theo hiện nay vẫn là một hiện trạng nhức nhối trong cộng đồng thời trang.
Dù ngành công nghiệp thời trang ở Việt Nam đang có những bước tiến thực sự rõ rệt nhưng bên cạnh đó vẫn còn những mặt tối mà không ai mong muốn thấy được. Và con đường phát triển có trong sạch hay không đều là ở cái tâm làm nghề của những người đứng đầu, hy vọng những vấn đề tiêu cực chỉ nhằm vào lợi nhuận sẽ được giảm bớt đáng kể trong thời gian tới.