Thời trang

Người mẫu Việt 'tìm đường' sải bước trên sàn diễn Quốc tế: Được và mất gì?

Lê Châm
Chia sẻ

Trong những năm gần đây xu hướng người mẫu "xuất ngoại" ngày càng nhiều. Bởi lẽ chỉ cần có được vài ba show diễn ở nước ngoài, danh tiếng, cát-xê sẽ khác. Tuy vậy, chỉ có người trong cuộc mới rõ những gì họ đã trải qua khi sải bước trên sàn diễn quốc tế.

Người mẫu Việt không chỉ sải bước trên sàn diễn trong nước mà nhiều người đã tự mở rộng đường, tìm đến các sàn diễn quốc tế. Việc các người mẫu Việt Nam xuất hiện trên các tạp chí danh tiếng của nước ngoài và nhất là sải bước trong show thời trang của các nhà thiết kế danh tiếng thế giới tại các tuần lễ thời trang như: Milan, New York hay London Fashion Week,… là niềm hãnh diện không nhỏ cũng như tín hiệu vui cho ngành công nghiệp người mẫu - thời trang nói chung và của chính bản thân họ nói riêng.

Nhắc đến đây không thể không kể đến những cái tên xuất sắc đã từng sải bước trên các sàn diễn quốc tế danh giá như: Trang Khiếu, Trang Phạm, Tuyết Lan, Hoàng Thùy, Võ Hoàng Yến, Lê Thúy, Kha Mỹ Vân, Mâu Thủy, Đỗ Hà, Thùy Trang, Chà Mi,…

Trang Khiếu là một trong những người mẫu Việt đầu tiên đặt chân lên sàn runway quốc tế.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, người ta vẫn thường băn khoăn vì sao các người mẫu có tiếng ở Việt Nam thường có xu hướng “bon chen” xuất ngoại, bởi các sân chơi quốc tế chưa bao giờ là “dễ sải bước”. Có nhiều quan điểm cho rằng người mẫu muốn thể hiện đẳng cấp vượt trội thì cần phải “có mặt” ở khắp mọi nơi, ở những sàn diễn danh giá tầm cỡ quốc tế, nơi mà ở đó các tiêu chí tuyển chọn “chân dài” rất khắt khe từ hình thể đến kĩ năng catwalk, chuyên môn trong nghề.

Cũng đúng thôi, dường như ở bất kì lĩnh vực nào cũng vậy, nếu những sản phẩm nghệ thuật cũng như những hoạt động, thành tích được thế giới công nhận thì chắc chắn những nỗ lực của họ là điều đáng được công nhận, trân trọng và đáng tự hào. Như Sơn Tùng chẳng hạn, thành tích đáng nể của anh trong những ngày gần đây khiến cả làng âm nhạc Việt Nam phải trầm trồ khi chỉ sau 24h phát hành, MV mới ra mắt của anh đã vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng video được xem nhiều nhất thế giới. Sơn Tùng đã vươn ra thế giới theo cách của anh ấy. Còn các người mẫu có khác biệt đôi chút khi họ phải có mặt để làm việc trên đất khách khi muốn “có gì đó” trong sự nghiệp của mình.

Vậy “có gì đó” là có gì, người mẫu sẽ được gì khi tham gia trình diễn trên các sàn diễn quốc tế?

Nguyễn Oanh - Quán quân Vietnam's Next Top Model 2014 từng có khoảng thời gian làm mẫu ở Dubai, cô cho biết môi trường quốc tế khắc nghiệt nhưng tiền nhận được xứng đáng với công sức bỏ ra: “Ở Việt Nam, một ngày làm việc không cực khổ lắm thì cát-xê thấp. Ở quốc tế, mỗi ngày đều gần như bị vắt kiệt sức, từ 7-23h. Người mẫu chỉ có thời gian nghỉ ngơi, chứ không được nhởn nhơ”. Nhưng bù lại, cô nói thêm: “Sau khi trừ chi phí vé máy bay, đi lại, ăn ở, mình vẫn có một khoản tiền để mang về, chi tiêu trong những tháng tiếp theo”.

Nguyễn Oanh từng hoạt động tại Dubai và có được show diễn trong khuôn khổ Fashion Forward Dubai hồi cuối năm 2017.

Cũng như những lĩnh vực giải trí khác, người mẫu nhận được những mức cát-xê khác nhau, phụ thuộc vào độ nổi tiếng, kinh nghiệm và sự phủ sóng của họ. Tuy nhiên có một thực tế là hễ người mẫu đã từng trình diễn tại các sàn diễn quốc tế khi trở về nước, họ sẽ được trả cát-xê tốt hơn bởi cái “mác” quốc tế.

Bên cạnh mức cát-xê có phần nhỉnh hơn đồng nghiệp, tên tuổi, danh tiếng của các người mẫu Việt từng trình diễn ở nước ngoài cũng được “nâng tầm” đáng kể. Hầu hết những chân dài có show diễn tại thị trường thời trang thế giới đều được giới báo chí truyền thông trong nước quan tâm, chú ý nhiều hơn. Họ được khen ngợi, ca tụng và được chào đón “nồng nhiệt” sau khi trở về nước.

Nếu trước đây Minh Tú chỉ là một người mẫu bình thường ít người biết đến với dăm ba cuộc thi người mẫu trong nước và cũng như những người mẫu cùng thời thì sau đó, sức hút của cô bỗng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết khi đi diễn ở Singapore, New York. Minh Triệu sau một vài show tại New York cũng được báo chí quan tâm, săn đón nhiều hơn là thành tích giải Đồng Siêu mẫu Việt Nam 2008.

Minh Tú sau khi trình diễn một vài show ở nước ngoài, tên tuổi của cô cũng được biết đến nhiều hơn trước. Tất nhiên, cùng với đó là những cố gắng của cô trong cả một quá trình.

Tuy nhiên, bước đường vươn mình ra thế giới “chinh chiến” chưa bao giờ trải đầy hoa hồng. Bên cạnh những “gì đó” họ nhận được có không ít những “cái gai” mà chỉ người trong cuộc “giẫm” phải mới hiểu thấu.

Chân dài Hà Kino, từng tham gia Milan Fashion Week, chia sẻ nhiều lần cô trúng show diễn nhưng sau đó bị hủy ngang vì họ tìm được người khác thay thế. Theo cô, sự ưu tiên đối với những người mẫu bản xứ luôn tồn tại ở các tuần lễ thời trang. Người mẫu châu Á muốn trúng show phải đi casting nhiều hơn gấp 5 lần.

Khi trúng show, trình diễn một cách suôn sẻ, người mẫu sẽ nhận được mức cát-xê có phần nhỉnh hơn so với Việt Nam, tuy nhiên chi phí ăn ở, đi lại,… cho những lần xuất ngoại là không hề nhỏ và hàng loạt những khoản chi phí vô danh khác.

Cũng chính bởi sự cạnh tranh cao, hậu trường fashion week luôn có những câu chuyện gây sốc, những thực tế xấu xí. Đầu năm 2017, làng mốt xôn xao khi James Scully, một chuyên gia tuyển chọn người mẫu tiết lộ sự việc 150 chân dài bị bỏ đói ở hậu trường Paris Fashion Week.

Nạn lạm dụng tình dục cũng như những lời gạ tình hay thậm chí là dọa dẫm cũng là một trong những vấn đề nhức nhối nhưng rất khó nói luôn tồn tại trong ngành công nghiệp thời trang.

Tất cả những điều trên chỉ là một phần ghi nhận của báo chí, truyền thông từ những chia sẻ ít ỏi của một vài người mẫu từng “vươn mình” trên sàn diễn quốc tế. Vẫn còn rất nhiều những “góc khuất” trong nghề người mẫu mà trước nay chưa từng được thổ lộ.

Chia sẻ

Bài viết

Lê Châm

Tin mới nhất