Theo báo cáo mới của Bain & Company, thị trường hàng xa xỉ toàn cầu đã có một “bước nhảy vọt mạnh mẽ hơn” trong năm 2022, bất chấp điều kiện kinh tế có nhiều biến động.
Trong ấn bản thứ 21 của “Nghiên cứu về hàng xa xỉ” (được thực hiện cùng với nhà sản xuất hàng xa xỉ của Ý Altagamma), cơ quan tư vấn cho rằng lĩnh vực này đang “trong trạng thái sẵn sàng” để mở rộng hơn nữa vào năm tới và cả thập kỷ 2030.
Theo Bain, ngành hàng xa xỉ nói chung được dự đoán sẽ đạt giá trị thị trường 1,4 nghìn tỷ euro doanh thu bán hàng trong năm nay, tăng 21% so với năm 2021. Đặc biệt, lĩnh vực hàng xa xỉ cá nhân đã có bước tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ trong năm, với giá trị doanh thu có khả năng sẽ tăng vọt lên 353 tỷ euro. Nhu cầu chi tiêu xa xỉ cho cá nhân đang phục hồi với tốc độ đáng nể, bất chấp các vấn đề kinh tế vĩ mô.
Bain lưu ý rằng hiệu suất trong quý 4/2022 phụ thuộc rất nhiều vào việc dỡ bỏ các hạn chế về đại dịch ở Trung Quốc và xu hướng mua sắm của người tiêu dùng ở Châu Âu và Châu Mỹ (những nơi đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát và chi phí sinh hoạt gia tăng nghiêm trọng).
Phân tích cũng nói thêm rằng ngành công nghiệp xa xỉ vẫn sẽ bị tác động bởi nhiều yếu tố, nhưng cách tác động sẽ khác so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến 2009. Ngành này được trang bị các điều kiện tốt hơn, cụ thể là nhờ tập khách hàng lớn và tập trung hơn, nên có thể đối phó với bất ổn kinh tế tốt hơn. Hơn nữa, Bain lưu ý rằng sự phát triển của công nghệ và “xu hướng thế hệ mạnh mẽ” có thể thúc đẩy tăng trưởng thị trường hơn 60% trong những năm tới. Báo cáo cho thấy Gen Y và Gen Z gần như chiếm toàn bộ mức tăng trưởng của thị trường vào năm 2022. Gen Z và Gen Alpha sắp tới được dự đoán sẽ tăng mức chi tiêu nhanh gấp ba lần so với các thế hệ khác. Bain cho biết nguyên nhân dẫn đến kết quả này là do Gen Z bắt đầu mua sắm các mặt hàng xa xỉ sớm hơn Gen Y từ 3 đến 5 năm.
Báo cáo cũng nêu ra các xu hướng chính sẽ dẫn dắt ngành công nghiệp xa xỉ trong những năm tới, một trong số đó là sự lên ngôi bất ngờ của một số thị trường mới. Những khu vực đáng chú ý gồm Đông Nam Á và Hàn Quốc - cả hai đều có tốc độ tăng trưởng và tiềm năng rất tốt nhưng vẫn cần đầu tư thêm cơ sở hạ tầng để mở rộng tại địa phương. Số lượng người tiêu dùng sẽ “xuống tiền” cho hàng xa xỉ sẽ tăng lên, cụ thể, 400 triệu người tiêu dùng vào năm 2022 được dự đoán sẽ tăng lên 500 triệu vào năm 2030. Báo cáo được đưa ra khi người tiêu dùng bắt đầu điều chỉnh thói quen mua sắm của mình theo hướng có hiểu biết và mua hàng có chọn lọc hơn. Lòng trung thành với thương hiệu cũng là một yếu tố cạnh tranh quan trọng.
Các thương hiệu xa xỉ liên tục tăng giá lũy tiến qua mỗi năm để gây sự chú ý với khách hàng. Họ tập trung vào việc phát triển các giá trị cốt lõi, hình ảnh biểu tượng của thương hiệu nhưng cũng không quên bình thường hóa việc tăng trưởng bán lẻ và tung ra các sản phẩm sang trọng bình dân để phục vụ tập khách hàng trẻ.
Xem thêm: Ca Sỹ Thanh Hà: "Yêu Bản Thân Hơn Vì Yêu Một Người...".