Xuất hiện trong vòng chung kết một cuộc thi người mẫu, Cao Ngân làm khán giả phát hoảng bởi cơ thể gầy guộc đến trơ khấc xương. Và cô gái - trong lần trở lại thứ hai này, vẫn không thể giành giải Quán quân, nhưng giành được một thứ khác: sự chú ý đến… kỳ quặc của khán giả trước thân hình “nhìn hết hồn” của mình.
Bảo kỳ quặc là vì, sự chú ý này nổ ra tranh cãi - tranh cãi giữa nhiều người xa lạ về cơ thể của một người cũng… xa lạ nốt, đó là Cao Ngân. Khán giả giật mình trước thân hình “cò hương” khô khốc của Cao Ngân trong bộ trang phục “phá dáng” khi phô hết những khuyết điểm ngoại hình, họ bắt đầu buông những lời chê bai từ nhẹ nhàng đến cực kì nặng nề, mang đến cho cô gái nhiều cảm xúc tiêu cực.
Vậy lần này, khán giả cười cợt đúng hay sai?
Cười cợt người khác là sai, nhất là trên khuyết điểm mà “nạn nhân” rất khổ sở. Trong nhiều trường hợp, đó còn là sự bất nhân khi dồn người khác vào những bắt nạt nghiêm trọng mà đôi khi người trong cuộc gặp phải những chấn thương tâm lý: trầm cảm, rối loạn, thậm chí dẫn đến các phản ứng tiêu cực khác: tự cắt tay, cắt chân, làm đau bản thân hoặc đỉnh điểm là tự tử. Vì thể, body-shaming - cười cợt khuyết điểm ngoại hình của người khác, hoàn toàn là sai trái.
Nhưng những nhận định của khán giả với Cao Ngân, không phải hoàn toàn… vô lý. Họ có quyền bày tỏ sự quan ngại khi nhìn thấy trên truyền hình một cô người mẫu gầy rộc xương như thế. Nếu đó là Cao Ngân ngoài đời thường thì sẽ không vấn đề gì, mà ngược lại, những kẻ mỉa mai cô mới là… có vấn đề. Nhưng đây là Cao Ngân trên sân khấu, của sóng truyền hình quốc gia, mọi hình ảnh của cô được biết đến bởi công chúng cả nước - sự “còm nhom” này thật đáng sợ biết bao nếu để những đứa trẻ chưa nhận thức đầy đủ nhìn thấy và tin rằng: đây là cơ thể chuẩn để trở thành người mẫu, để được lên tivi, rồi chúng cũng bắt đầu ép cân để “cắt da cắt thịt” mình thành trơ xương như thế.
Hơn nữa, từ ồn ào về chuyện chỉ trích cơ thể của Cao Ngân, đó là câu chuyện dài kỳ về cách dư luận đánh tráo các khái niệm: nhân tiện bảo vệ Cao Ngân mà “té nước theo mưa” để “chửi đổng” những người khác quan điểm mình, nhân tiện bệnh tình của Cao Ngân mà “tung hỏa mù” về đam mê, về tài năng thực sự cô đang có.
Cô mòn mỏi tham gia cuộc thi tận hai lần, chỉ trở thành nhân tố triển vọng, hóm hỉnh chứ chưa thực sự bứt phá. Thế nhưng, người ta lại biết đến cô “nhanh như điện” sau đêm chung kết, và mới thật phát hiện ra: cô gầy thấy thương như thế. Quan tâm gì mà đến tận giờ mới biết? Quan tâm gì mà đến giờ mới hay bệnh tình của cô gái trẻ? Cái người ta thật quan tâm có chăng là quan điểm của họ, đang được ai tung hô, đang bị ai phản biện, trông mình có giống người đạo đức, uyên thâm chưa?
Sự thật vẫn ở đấy, nhưng sau đêm chung kết, nó được khoác lên nhiều lớp áo mang tên “đam mê”, mang tên “Cao Ngân đã cố gắng biết bao để đi thi với sức khỏe như thế!”. Cuộc đời trao cho chúng ta rất nhiều lựa chọn, và khi chấp nhận bước vào một lựa chọn nào đó sẽ đi kèm những thử thách và hậu quả không mong muốn. Ở trường hợp Cao Ngân, hậu quả không mong muốn của Cao Ngân là những lời chỉ trích vô lí đến cô.
Nhưng, có một hậu quả không mong muốn khác lớn hơn nữa là hình ảnh gầy gò của cô gái này kèm theo hàng tá tiếng vỗ tay tung hô trước hàng triệu cặp mắt dõi theo của khán giả truyền hình cả nước. Biết đâu đấy, có một cô nhóc nhỏ tuổi ở một vùng quê nào đó đang ngồi trước truyền hình và coi đó là tiêu chuẩn, là ước mơ của nghề người mẫu. Vậy thì, những tiếng kêu gào kia về thân hình gầy gò của Cao Ngân chưa chắc là đã sai hoàn toàn. Nó mang giá trị định hướng lại về hình mẫu những cô người mẫu nào và nó cần thiết cho những giá trị tích cực lâu dài về sức khỏe của giới làm nghề trên đường băng catwalk.
Lại nói về vấn đề gầy béo của người mẫu. Đã có lúc những người đứng trên quan điểm không ủng hộ người mẫu quá gầy phải “đuối lý” vì mọi nẻo sàn catwalk danh giá nhất trên hành tinh đều tôn sùng các người mẫu gầy vì khí chất thời trang cao cấp tỏa ra từ những cô gái này là không chối cãi. Nhưng giờ đây, với hàng loạt những sự cố đáng tiếc vì việc ép cân ép dáng của làng mẫu, mọi khuôn mẫu thời trang cho dù phá cách đến đâu đã phải đứng nép lại phía sau những tiêu chuẩn cao nhất của cuộc đời một con người: sức khỏe. Sàn diễn thời trang Việt Nam cũng như các đài truyền hình cũng đã đến lúc tạo ra một “cánh cửa kiểm duyệt” ngay từ trong nhận thức của những người mẫu hoặc những ai có giấc mộng lướt trên sàn catwalk.