Quá trình chuẩn bị bài viết và bộ ảnh quảng bá cho các bộ sưu tập kéo dài trong khoảng 6 tháng, để khi tạp chí được phát hành thì cũng là lúc những thiết kế trên đã hoàn tất khâu sản xuất đại trà và được bán ở cửa hàng. Những gì trên tạp chí chính là hình ảnh đầu tiên mà những kẻ “ngoại đạo” có thể thấy được về các bộ sưu tập.
Câu chuyện thời trang hiện đại xoay quanh sự lỗi thời của hệ thống tuần lễ thời trang. Trong kỷ nguyên thông tin ngày nay, khi bất cứ ai đều có thể xem tất cả bộ sưu tập chỉ vài phút sau khi show diễn kết thúc thì việc trình diễn bộ sưu tập tận 6 tháng trước ngày bán trở nên lạc hậu một cách ngớ ngẩn. Không chỉ khiến niềm phấn khích chết đi, điều này còn tạo cơ hội cho vô số những thương hiệu thời trang tầm trung sao chép các thiết kế và bán sạch chúng từ lâu trước ngày những thiết kế gốc chính thức ra mắt. Chính vì thế, những thương hiệu lớn đã bắt đầu có những động thái để sắp xếp show diễn của mình hợp lý hơn, nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng và lấy từ hầu bao của họ nhiều hơn. Moschino dường như là kẻ tiên phong trong việc này, khi ngay từ những bộ sưu tập đầu tiên dưới trướng giám đốc sáng tạo Jeremy Scott, nhà mốt Ý đã bán một phần các thiết kế trong show diễn của mình - từ những ví, ba lô cho đến vỏ điện thoại, và đôi khi cả những chiếc áo len với các dòng logo thời thượng - ngay khi vừa kết thúc show.
Tuy vậy, người thực sự tận gốc thay đổi cơ chế “lạc hậu” này của ngành công nghiệp thời trang lại là một nhà mốt vô cùng truyền thống - Burberry. Cái tên Burberry chưa bao giờ gắn liền với những thay đổi mang tính đột phá. Thế nhưng, Christopher Bailey - Giám đốc Sáng tạo của hãng - đã đưa ra nhiều quyết định táo bạo chỉ trong vài tháng gần đây. Đầu tiên, ông gộp mọi dòng sản phẩm của nhà mốt lại. Không còn Prosum, London hay Brit, cũng như không còn bộ sưu tập dành riêng cho nam hay nữ, tất cả sẽ đều đứng chung dưới một thương hiệu Burberry để đảm bảo tính nhất quán trong chất lượng cũng như hình ảnh thương hiệu.
Dù các bộ sưu tập đơn-giới của Burberry từ lâu vẫn theo cùng một chủ đề nhất quán, và không ít lần, các show diễn đều có sự xuất hiện của cả người mẫu nam lẫn nữ, tuy nhiên, đây sẽ là lần đầu tiên nhà mốt giới thiệu một bộ sưu tập chung cho cả hai giới. Và thứ hai, một quyết định đầy tính lịch sử, nhà mốt của những chiếc trench coat và họa tiết kẻ sọc quyết định sẽ bán toàn bộ sản phẩm của mình ngay sau những show diễn, bắt đầu từ tháng Chín này.
Khi show diễn vừa kết thúc, toàn bộ các thiết kế - từ quần áo, giày dép cho đến phụ kiện - sẽ được đưa lên các hệ thống bán lẻ online cũng như các cửa hàng flag-ship của hãng, cùng lúc với những chiến dịch quảng cáo tương ứng cho bộ sưu tập ấy. Christopher Bailey chia sẻ: “Tức thời! Chúng tôi chưa bao giờ làm điều này trước đây cả. Nhưng mục tiêu chúng tôi đặt ra sẽ là tổ chức show diễn lúc 2 giờ chiều ngày thứ Ba, và ngay khi show diễn vừa kết thúc, cửa hàng sẽ được bày trí để phản ánh đúng tinh thần show diễn vừa diễn ra.”
Không chỉ vậy, những bộ sưu tập tương lai của Burberry sẽ không còn phân chia theo mùa, hay nói cách khác, nó được thiết kế để đáp ứng khách hàng ở mọi miền của thế giới. Thay cho Thu Đông hay Xuân Hè, chúng sẽ là “Tháng Hai” và “Tháng Chín”. Từ nay, những khách hàng ở Úc sẽ không còn phải lo lắng khi chỉ có thể tìm được những chiếc áo lông nặng trĩu giữa tháng Mười Hai - mùa hè ở Nam bán cầu.
Tại Tuần lễ thời trang London Thu Đông 2016 vừa qua, Tom Ford vắng mặt với lý do sẽ đẩy show diễn của mình đến tháng Chín. Cũng như Burberry, Tom Ford mong muốn những show diễn của mình trở nên phù hợp với môi trường thời trang đương đại hơn. Có thể dễ dàng nhận thấy làng mốt đang bắt đầu chuyển mình cho một sự thay đổi lớn trong tương lai rất gần.
Tuy vậy, với nhiều nhà thiết kế, đây chẳng phải một tín hiệu tốt lành. Một trong những người lớn tiếng phản đối lối tư duy này chính là Karl Lagerfeld. Hơn ai hết, ông hiểu rõ và đã chứng kiến những sự thay đổi lớn của thời trang với hơn 30 năm kinh nghiệm tại vị trí giám đốc sáng tạo của 4 thương hiệu lớn. “Tôi cần có thể trình diễn các bộ sưu tập của mình, có thời gian ra quyết định để làm những bộ sưu tập thật đẹp và để các biên tập viên có thể chụp ảnh chúng. Nếu không, đó là dấu chấm hết cho mọi thứ.” - Largerfeld trả lời trong một bài phỏng vấn với Business of Fashion, tỏ vẻ không hài lòng với cơ chế “nhìn thấy mua ngay” mà thời trang hiện đại đang hướng đến. “Những ai có tầm 300 cửa hàng như Fendi có thể làm điều đấy. Nhưng nếu thế, bạn vẫn sẽ phải làm những bộ sưu tập trước 6 tháng để giới thiệu đến các biên tập viên và đằng nào rồi ai đó cũng sẽ nhìn thấy chúng ngay sau đấy… Điều đấy hoàn toàn không tưởng. Và những ai không có cửa hàng bán lẻ của riêng mình, họ sẽ chẳng biết phải làm gì cả”. Thật vậy, với những nhà thiết kế mới, guồng quay được tăng tốc này sẽ tiêu diệt họ nhanh hơn; bởi họ không thể nào có đủ nguồn lực để làm việc gấp nhiều lần so với tốc độ hiện tại - vốn dĩ đã nhanh đến đáng sợ.
Nhưng Lagerfeld cũng không hoàn toàn phản đối cách tiếp cận “thực dụng” này của thời trang. Cần nhớ, đây chính là người đàn ông đã khai sinh cho hai bộ sưu tập trái mùa nhưng mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho những nhà mốt xa xỉ: Chớm Thu và Resort. Karl đã thực hiện một vài bộ sưu tập “ẩn danh” cho Chanel, được đi thẳng vào các cửa hàng bán lẻ mà không thông qua những buổi trình diễn trước để giới thiệu đến báo chí và các nhà kinh doanh bán lẻ khác. “Thế giới đang thay đổi, và không phải lúc nào cũng trở nên tốt hơn. Nhưng chúng ta phải thích ứng những thay đổi này, và luôn có cách để làm được điều đó, bạn biết không?”.