Đã từ rất lâu, nói họa tiết trong thời trang, người ta nghĩ ngay đến nhà mốt Dolce&Gabbana với những họa tiết mang âm hưởng gothic và hội họa. Mặc dù không có nhiều sự cách tân về phom dáng nhưng thương hiệu này vẫn cực kì thành công là bởi giám đốc sáng tạo của họ là những nghệ sĩ sáng tạo họa tiết hàng đầu. Khi Alessandro Michelle vực dậy nàng ”công chúa ngủ quên” Gucci, anh cũng đã sử dụng rất nhiều họa tiết để làm mới lại những sản phẩm vốn đã lạc mốt của nhãn hàng Ý và tạo ra cơn sốt toàn cầu. Họ chính là những anh hùng thật sự trên mặt trận mang họa tiết vẽ tay trở thành thế mạnh của thương hiệu.
Trở về với thời trang Việt Nam, chúng ta có rất nhiều BST có sự hiện diện của họa tiết vẽ tay mà thành công nhất tính đến thời điểm hiện tại chính là thương hiệu Thủy Design House - một nhãn hàng tập trung kết hợp thời trang và văn hóa. Người ta bàn tán rằng những chiếc áo dài ”Lúng Liếng” nhìn cũng thường thường thôi, in họa tiết lên rồi bán quá mắc. Vậy, giá trị thật sự của chiếc áo dài nằm ở đâu? Đó chính là tính dân tộc, là quá trình nghiên cứu, sáng tạo tỉ mỉ của người vẽ họa tiết, của nhà thiết kế để mang đến thứ áo quần không chỉ để mặc mà còn để ngắm, để ngẫm.
Bên cạnh hội họa, nhiều nhà mốt Việt cũng ứng dụng mạnh mẽ Typography (Front chữ) vào các thiết kế qua slogan hoặc các đường nét tỉ mỉ nhằm truyền tải thông điệp của riêng mình. Công Trí, Võ Công Khanh từng khá thành công với concept này.
Họa tiết thì rất nhiều và đa dạng nhưng để trở thành một bậc thầy trong cuộc chơi họa tiết không phải là điều dễ. Khi bạn có một tấm vải đẹp với hoa văn hoàn hảo, bạn sẽ rơi vào trạng thái phân vân nhiều hơn. Một là bạn sẽ lựa chọn những phom dáng đơn giản làm tôn họa tiết, hai là tạo ra sự trung hòa giữa hai yếu tố này hoặc cuối cùng thì chỉ có thể là thảm họa.