Phát súng bắt đầu cuộc chiến cũng là H&M, và giờ đây “một mình một ngựa” trong chính cuộc chiến ấy cũng là H&M. Không ngoa khi nói “ông lớn” bình dân chẳng sợ một ai, thậm chí là cả ba “gà chiến” nhà Inditex.
Và mới đây, trong khi người người nhà nhà còn say giấc, H&M ung dung treo bảng hiệu, gần như hoàn tất thi công vượt thời hạn dự kiến.
Nhiều người đánh giá trong cuộc chiến giữa ba đối thủ ngang tài ngang sức này, kiểu gì H&M cũng dễ lao đao. Tương lai chưa biết như thế nào, nhưng trước mắt thái độ không khoan nhượng của “ông lớn” thật làm ta phải nể phục. Xét về nhiều khía cạnh, cuộc đổ bộ lần này của H&M bao vây tứ phía là “giặc”. Cứ tưởng một đấu một cùng Zara ở TTTM VinCom Đồng Khởi, ai ngờ một ngày “người anh em” này rủ rê tận hai đồng đội khác bên kia trời Tây về .
Vốn nổi tiếng với tiêu chuẩn khắt khe về vị trí và bề thế cửa hàng, ngay từ những ngày đầu hăm he “đổ bộ” về Việt Nam, Zara đã khẳng định diện tích flagship phải trên 1000 mét vuông. Nằm trọn một khoản trời phía đông dọc Lê Thánh Tôn, Zara trải dài từ sảnh G lên lầu 1 cứ ngỡ là oách nhất vùng rồi. Và rồi H&M về, leo hẳn lên tận tầng 3 khiến chủ nhà Zara có không muốn đi chăng nữa cũng phải chạy theo. Dẫu tính đến hiện tại, “đại bản doanh” hai bên đã ngang bằng nhau!
Chưa bàn cãi đến chất lượng ai lợi hại hơn, chỉ cần nhìn qua những hình ảnh đầu tiên được chụp từ trong chính store của H&M, ta dễ dàng rút ra kết luận: “Ngày xưa” của Zara làm sao bì nổi H&M bây giờ! Từ thiết kế quầy thu ngân, phòng thử đồ đến việc phân chia rạch ròi khu đồ nam nữ cũng được hãng rút kinh nghiệm từ “đàn anh” đi trước. Có thể thấy từng đường đi nước bước của “ông lớn” đều đã qua tính toán kĩ lưỡng.