Ai cũng biết ở Pháp nói riêng và châu Âu nói chung, những người châu Á như Hà Mi gặp khó khăn thế nào trên con đường tìm kiếm cơ hội việc làm. Đặc biệt trong ngành thời trang vốn đã nổi tiếng cạnh tranh cao thì cơ hội ấy càng mong manh. Chưa kể, cô chỉ học Thạc sỹ Quản trị kinh doanh và Tiếp thị chuyên ngành Thời trang tại đây trong 2 năm, ngôn ngữ vẫn còn là một rào cản lớn.
Tuy nhiên, nhờ thành tích học tập ấn tượng và một chút may mắn do ngôi trường mà Hà Mi theo học liên kết với Vogue nên cô cũng đã chạm tay đến giấc mơ mà biết bao tín đồ thời trang khác hằng mơ ước.
Nhớ lại những ngày đi thực tập tại toà soạn Vogue, cô kể: “Vào Vogue tôi thích lắm vì đó là ước mơ của tôi mà. Thời gian thực tập của tôi tại Vogue cũng hài hước và “chua chát” như phim “The devil wears Prada” vậy đó. Phỏng vấn xong, rời khỏi toà soạn chưa được bao lâu thì bà giám đốc gọi cho tôi báo tôi được nhận, lúc ấy tôi như chân sáo nhảy khắp phố Paris về nhà. Ngày đầu tiên đi làm, tim tôi đập thình thịch và cũng cố gắng ăn mặc “lồng lộn”, tự tin bước vào văn phòng với nhiều kỳ vọng. Bà giám đốc đón chào tôi tại sảnh rồi dẫn tôi lên lầu vào một phòng làm việc nhỏ nhưng rất đẹp, bà bảo tôi sẽ ngồi ở đây trong thời gian thực tập vì phòng này là phòng của trợ lý bà - cô ấy đang nghỉ thai sản khá lâu nên tôi sẽ tạm làm thay công việc của cô ấy.
Sau đó bà bảo tôi đi cùng bà xuống lầu, dẫn đến một căn phòng rất lớn, lúc ấy tôi tưởng tượng đến căn phòng ngập quần áo giày hiệu như trong phim. Cửa phòng mở ra và tôi như té từ trên mây xuống: đó là một kho tạp chí. Lúc ấy đang là số tháng 9, bạn cũng biết rồi đấy tháng 9 được xem như là số báo Xuân của thời trang nên được làm rất dày và đặc biệt. Tôi còn nhớ là bìa Vogue tháng 9 năm 2009 là bà phù thuỷ Charlie Theron trong “Công chúa Bạch Tuyết và thợ săn”. Nhiệm vụ của tôi là gói mỗi cuốn tạp chí vào hộp trắng rất đẹp và sang để gửi cho khách hàng quảng cáo làm quà tặng. Sau hơn 30 phút đóng tạp chí vào hộp, chân tôi đau nhức và tôi vứt hết áo khoác và giày sang một bên, chân không đứng xếp báo”.
Dù cảm thấy hụt hẫng, thất vọng, Hà Mi tử nhủ rằng Vogue là cái tên lớn, cơ hội này không phải ai cũng có nên phải kiên nhẫn chờ đợi. Nhưng hơn một tháng trôi qua, không bưng trà, pha cà phê, in tài liệu thì cũng lại xếp báo, đặt bàn ăn tối cho sếp, toàn những công việc lặt vặt chẳng liên quan gì đến thời trang. Ngày này qua ngày khác cứ thế, cô bắt đầu nản lòng và đã quyết định vào gặp giám đốc, mạnh dạn bày tỏ nguyện vọng: “Thưa bà, tôi không ngại bưng cà phê mỗi ngày nhưng tôi muốn bà hãy cho tôi cơ hội được học hỏi và được chứng minh cho bà thấy tôi làm được việc.” Bà giám đốc lúc ấy cũng xiêu lòng. Qua hôm sau, Hà Mi bắt đầu được giao cho nhiều tài liệu và làm nhiệm vụ thống kê con số quảng cáo của khách hàng lớn và những chương trình Marketing mà Vogue lên ý tưởng thực hiện cho họ.
Trong thời gian được tiếp xúc với những tài liệu của Vogue và học hỏi từ người sếp, cô không bao giờ ngờ rằng sẽ có ngày những kiến thức và trải nghiệm góp nhặt ở Vogue là hành trang quý báu cho sự nghiệp của mình về sau. Đó là khi cô trở về Việt Nam, làm marketing cho Gucci Vietnam vào năm 2010 và sau đó là giám đốc thương hiệu của tạp chí thời trang ELLE từ năm 2011 đến 2014. Dù chỉ có 4 năm ngắn ngủi với tạp chí thời trang nổi tiếng này, cô đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật. Trong đó không thể không kể đến 6 chương trình “Elle Fashion Show” mà cô lên ý tưởng thực hiện, tổ chức sản xuất và quảng bá, 4 chương trình ELLE Private Sale, ELLE Women in Music…. Thăng hoa trong mảnh đất Elle gần 5 năm, Hà Mi quyết định rời đi để tìm mới mình, bất chấp việc nhiều người “hù doạ” rằng khi ra khỏi đây, cô sẽ trở về con số 0.
Tin vào luật hấp dẫn, cô tâm sự “Từ bỏ một tình yêu lớn là quyết định khó khăn với tôi. Nhưng tôi không vì thế mà nghĩ mình đã mất tất cả mà đây chính là động lực để nỗ lực tìm kiếm một tình yêu, một đam mê khác, nên tôi luôn chọn cách nghĩ nhiều đến điều tích cực thì những điều tích cực sẽ tìm đến với mình. Và cô đã đúng.
Hiện tại Hà Mi cùng những người bạn thân đang sở hữu một công ty riêng chuyên thực hiện các ý tưởng marketing và tổ chức sự kiện liên quan đến thời trang. Gần đây nhất, cô đã rất thành công trong vai trò giám đốc sản xuất của “The Fashion Show 2016”, chương trình thời trang dành cho các nhà thiết kế trẻ.
Ít người biết được rằng để đến được nấc thang vẻ vang ngày hôm nay, Hà Mi cũng đã mất khá nhiều thời gian loay hoay đi tìm chính mình. Cô sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm về thời trang. Hà Mi có một người cô mở tiệm may nên từ nhỏ cô đã được tiếp xúc với nghề may, gu thời trang cũng có chút khác biệt so với bạn bè đồng trang lứa. Ngoài ra, cô còn có 3 người chú học và làm việc trong các ngành nghề khác nhau nhưng đều liên quan đến thời trang tại Mỹ. Đặc biệt trong đó có một người học thiết kế thời trang, mỗi khi làm đồ án xong đều gửi quần áo về cho cô mặc nên cô tự thú nhận “Từ nhỏ tôi đã ăn mặc khác thường rồi”.
Tuy gia đình có nhiều người theo thời trang nhưng điều này cũng không thay đổi được quan điểm của bố cô. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam ngày xưa, ông chỉ hiểu “học thời trang là học may quần áo trong khi học kinh doanh mới có thể làm sếp lớn, lương cao và cơ hội phát triển xa”. Chính vì thế, từ nhỏ đến khi qua Nhật học và 7 năm sau đó trên đất khách, cô chỉ biết chạy theo con đường quản trị kinh doanh với mong ước ra trường có một công việc ổn định theo nguyện vọng của bố.
Ra trường, cô được nhận vào làm sale trong ngành IT và chính vì không thuộc đam mê, Hà Mi nhanh chán nản vì công việc không mang đến nguồn cảm hứng nào. Đã có lúc cô mon men lên mạng tìm kiếm công việc liên quan đến thời trang và đều không có hồi đáp. Đến năm 2009 khi H&M mở chi nhánh đầu tiên ở Tokyo, cô nhận được một cuộc gọi từ công ty săn đầu người cho vị trí Visual Merchandiser nhưng rồi lại bị chối từ vì “không có kiến thức gì về ngành thời trang”. Chính vì sự thất bại đó, cô quyết tâm rời bỏ công việc ở Nhật, dồn hết tiền đi làm tích luỹ được sang kinh đô thời trang để học khoá đào tạo chuyên sâu về Marketing và kinh doanh thời trang.
Trong thời gian học ở đây, Hà Mi khám phá được nhiều điều ở bản thân mà bấy lâu nay cô đã vô tình lãng quên. Tự nhận mình không thuộc dạng “sâu chăm học” nhưng từ khi học ngành này, cô cảm thấy mình vui vẻ hơn, siêng đi học, chăm làm bài hơn và cũng toả sáng hơn ở lớp. Tại đây, cô lần đầu hiểu được thời trang mới chính là đam mê của mình.
Tuy con đường đến với thời trang có phần trúc trắc và muộn màng nhưng với những dấu ấn để lại trong làng thời trang Việt những năm qua, có thể thấy cô đã may mắn hơn rất nhiều người khi đã tìm được và theo đuổi đến cùng niềm đam mê của mình. Hà Mi chia sẻ: “Nếu bạn được làm công việc yêu thích thì bạn không phải làm gì cả. Với tôi, câu này rất đúng. Mỗi sáng thức dậy đi làm lại là một niềm vui mới. Và như thế, cứ mỗi ngày tôi lại chọn cho mình một niềm vui”.