Theo một báo cáo, phân khúc đồng hồ cao cấp đã qua sử dụng sẽ tăng trưởng 75% vào cuối thập kỷ này, chiếm gần một nửa tổng thị trường. Con số này sẽ được đảm bảo nếu xu hướng người tiêu dùng trẻ tuổi sẵn sàng “xuống tiền” tiếp tục tăng.
Trong báo cáo khảo sát người tiêu dùng, công ty tư vấn Deloitte cho biết doanh số bán đồng hồ cũ hàng năm sẽ đạt 35 tỷ franc Thụy Sĩ, tương đương 35 tỷ USD vào năm 2030.
Sự bùng nổ của nhu cầu mua đồng hồ cao cấp đã qua sử dụng đã góp phần thúc đẩy các nhà sản xuất đồng hồ như Richmont mở rộng sang phân khúc này (họ đã thâu tóm lại Watchfinder). Deloitte hy vọng sẽ có thêm nhiều thương hiệu triển khai các kênh bán hàng riêng trên thị trường thứ cấp để giành thêm thị phần và mua lại cổ phiếu, đồng thời quản lý nguồn cung. Báo cáo của Deloitte cũng dự đoán rằng các nền tảng bán hàng cũ như Chrono24, Sabadial, Watchbox và Hodinkey sẽ tiếp tục được mở rộng. Karine Szegedi, người đứng đầu bộ phận tiêu dùng, thời trang và cao cấp tại Deloitte Thụy Sĩ, cho biết những người sở hữu đồng hồ cao cấp rồi bán lại sau này có thể sẽ nhận được khoản tiền lời tiềm năng rất lớn.
Nghiên cứu cũng báo trước sự gia tăng của các xu hướng hiện đang định hình ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ và thị trường đồng hồ cao cấp toàn cầu. Trong tương lai, số lượng đồng hồ bán trực tuyến sẽ nhiều hơn so đồng hồ ở các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Những người trẻ tuổi (thuộc thế hệ Gen Y, Gen Z) sẽ là tập khách hàng chính vì họ coi đồng hồ xa xỉ là một khoản đầu tư.
Khi đại dịch COVID-19 bùng nổ toàn cầu, người tiêu dùng có nhiều thời gian ở nhà, không tốn chi phí đi lại, liên tục lên mạng để làm việc và giải trí, đây chính là thời điểm vàng thúc đẩy họ tìm hiểu những thứ trước đây họ chưa từng hứng thú (như một chiếc đồng hồ cao cấp chẳng hạn). Giá của những chiếc đồng hồ Rolex, Patek Philippe, Audemars Piguet đã qua sử dụng chạm đến ngưỡng cao nhất mọi thời đại cho đến khi giá tiền điện tử và thị trường chứng khoán giảm mạnh vào tháng tư. Chỉ số Subdial50 theo dõi giá thị trường toàn cầu của 50 mẫu đồng hồ sang trọng được giao dịch nhiều nhất theo giá trị đã giảm 18% trong sáu tháng qua. Tuy nhiên, Deloitte cho biết giá giảm không có nghĩa là thị trường thứ cấp đang thu hẹp.
Theo báo cáo, những người thuộc thế hệ Gen Y (từ năm 1981 đến năm 1996) và Gen Z (từ năm 1997 đến năm 2012) thích mua đồ cũ hơn vì họ có thói quen mua hàng trực tuyến, mà hàng hóa trực tuyến thì luôn có sự so sánh giá cả, các món đồ giá rẻ hơn chắc chắn sẽ thu hút hơn. Gần một nửa những người Gen Y tham gia khảo sát cho biết họ sẽ mua một chiếc đồng hồ đã qua sử dụng trong năm tới, trong khi chỉ 12% những người sinh ra trong giai đoạn Baby Boomers (từ năm 1946 đến năm 1964) chấp nhận mua đồng hồ cũ.
“Đối tượng của chúng tôi rất khác so với người mua đồng hồ truyền thống. Họ còn rất trẻ. Họ liên tục mua rồi bán lại đồng hồ nên họ không quan tâm đến món hàng đó đã qua sử dụng hay chưa”, Ben Clymer, người sáng lập trang web bán lẻ và tin tức đồng hồ trực tuyến Hodinky, cho biết trong báo cáo.
Xem thêm: Ninh Dương Lan Ngọc: "Tôi biết ST Sơn Thạch sẽ không bao giờ buông tay mình".