Thời trang

Fast Beauty liệu có thành công như Fast Fashion?

Hany
Chia sẻ

Khi đã tạo dựng được cho mình một đế chế High Street hùng mạnh với lợi nhuận khổng lồ, H&M, Zara, Forever21, hay Topshop không chỉ dừng lại ở thời trang mà đã quyết định lấn sân sang mỹ phẩm - một thị trường (có vẻ) đầy tiềm năng với hy vọng có thể đạt được lợi nhuận cao.

Các nhãn thời trang danh tiếng trên thế giới như Chanel, Dior, Givenchy, YSL… đều có bán các sản phẩm nước hoa và mỹ phẩm. Cú đá chéo sân này được gọi hoa mỹ là bán ước mơ cho giới trung lưu, khi những người phụ nữ do dự trước những chiếc túi xách hàng chục triệu hay những chiếc váy đầm haute couture hàng trăm triệu sẽ hào phóng vung tiền cho những thỏi son chỉ hơn 1 triệu đồng hay một chai nước hoa khoảng 2 triệu đồng, để sở hữu một chút gì đó của Chanel hay Dior,…

Thế nhưng, bản chất thực sự của phi vụ này cũng chỉ là lợi nhuận khi các nhà mốt danh tiếng cố tìm một thứ gì đó để có thể mở rộng thị trường và bán một thứ gì đó cho giới trung lưu mà không phải giảm giá các sản phẩm cao cấp của mình. Còn với các nhãn High Street, chẳng có sứ mệnh cao cả gì ở đây cả mà tất cả những gì các nhãn hàng nhắm tới chỉ là tiền sau khi nhìn thấy được lợi nhuận khổng lồ mà mỹ phẩm đem lại cho các nhãn High End. Lấy ví dụ cụ thể, dòng hàng nước hoa và mỹ phẩm đang đem lại doanh thu cao nhất cho Chanel.

Phát súng đầu tiên từ Topshop Beauty

Tháng 3/2010, Topshop thông báo sẽ cho ra mắt bộ sưu tập mỹ phẩm đầu tiên của hãng. Tất cả đều tò mò không biết dòng mỹ phẩm riêng của một thương hiệu Fast Fashion sẽ được “đạo nhái” từ sản phẩm của tên tuổi High End nào? Thậm chí, họ còn chẳng buồn quan tâm đến chất lượng của sản phẩm sẽ ra sao.

Tháng 5/2010 Topshop chính thức đặt những bước chân đầu tiên vào thế giới mỹ phẩm với bộ sưu tập son và trang điểm cơ bản cho mắt. Khác xa dự đoán trước đó về thiết kế, những sản phẩm này có vẻ ngoài đơn giản với hai màu đen trắng cùng họa tiết kẻ sọc hoặc chấm bi. Và điều làm cho công chúng ngạc nhiên hơn cả là những sản phẩm này có chất lượng không hề tồi chút nào, thậm chí nó còn được sánh ngang với một vài hãng mỹ phẩm Drugstore nổi tiếng. Thỏi son Rio Rio khi đó đã trở thành một trong những cây son không thể thiếu của mọi cô gái nước Anh. Rio Rio cũng là màu son gắn liền với hình ảnh Fashionista nổi tiếng Alexa Chung lúc bấy giờ.

mypham-1

Nối tiếp thành công, bộ sưu tập được mở rộng ra với các sản phẩm phấn má, kem nền, kem lót và sơn móng, số lượng sản phẩm lên tới 97 với giá chỉ từ $8 đến $20. Đến thời điểm hiện tại, Topshop Beauty đã đạt được cho mình những thành công nhất định với việc mở rộng chuỗi cửa hàng tại Châu Âu, Mỹ, Hong Kong, Australia… và cho ra đời bộ sưu tập kết hợp cùng nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Louise Gray.

mypham-4

Khi những tên tuổi lớn của Fast fashion nhảy vào cuộc chơi Beauty

5 năm sau cú chào sân đầy ngoạn mục của Topshop, H&M cũng chính thức cho ra mắt H&M Beauty. Số lượng sản phẩm trong bộ sưu tập này lên tới con số 700 với mức giá từ $1 đến $20 được bán online cũng như trực tiếp tại 900 cửa hàng H&M trên toàn thế giới. Sự đổ bộ này của H&M làm cho các tín đồ mỹ phẩm không khỏi choáng ngợp. Chỉ trong một tuần kể từ ngày ra mắt tại Anh, bảng màu 9 ô và những cây son creamy đã cháy hàng ở khắp các store, thậm chí người ta chẳng thể đạt được nó dù là qua mạng. Các Beauty Blogger và những tạp chí làm đẹp danh tiếng cũng dành hết lời ca ngợi cho H&M Beauty.

mypham-3

Một vài sản phẩm của H&M Beauty.

Không chỉ có Topshop và H&M, Forever21 và Inditex (tập đoàn sở hữu thương hiệu Zara, Pull&Bear) cũng có cho mình những dòng mỹ phẩm riêng. Việc có sẵn một lượng lớn cửa hàng trước đó giúp cho các sản phẩm làm đẹp đến từ những thương hiệu Fast Fashion dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn. Những vị khách chăm chỉ đến store hay truy cập vào website của hãng thường xuyên hơn việc họ đi siêu thị. Điều này chính là một mối đe dọa lớn cho những sản phẩm của các hãng drugstore như Maybelline, L’Oreal Paris, hay Rimmel…

Miếng bánh Fast beauty thực sự có “dễ ăn” như fast fashion?

Thị trường mỹ phẩm được xem như một miếng bánh lớn đầy hấp dẫn khi tổng giá trị thương mại của nó lên tới $465 tỷ với tốc độ phát triển khoảng 5.3% mỗi năm (theo báo cáo của Euromonitor). Vậy nên chẳng có gì lấy làm ngạc nhiên khi những thương hiệu Fast Fashion đua nhau tiến vào tranh giành miếng bánh này. Tuy nhiên, việc có làm nên chuyện tại đây không lại là vấn đề khác.

mypham-1

Các tín đồ làm đẹp có thể dễ dàng nhận thấy hình bóng của thỏi son vỏ kim loại vàng óng Charlotte Tilbury hay cây mascara của YSL cùng rất nhiều sản phẩm High End khác trong bộ sưu tập của H&M. Cách bắt chước thiết kế này chẳng có gì xa lạ đối với nhãn hàng và nó đã rất thành công khi đánh trúng tâm lý thích đồ High End của khách hàng. Tuy nhiên, mỹ phẩm không giống như quần áo, việc có một vỏ ngoài High End chưa chắc đã đi kèm với chất lượng sản phẩm bên trong nó cũng như vậy. Bạn sẽ chẳng thể nào sở hữu một lọ kem nền với giá $8 nhưng lại có độ che phủ, mỏng nhẹ hay bám màu tốt như một lọ kem $80 cả.

Ngoài hai tên tuổi có vẻ ăn nên làm ra với dòng mỹ phẩm của riêng mình là H&M và Topshop thì những thương hiệu khác dường như không có duyên với thị trường này. Nước hoa của Zara không để lại nhiều ấn tượng đối với khách hàng, các sản phẩm của F21 thường xuyên bị chê về chất lượng cũng như sự lỏng lẻo đến từ thiết kế bao bì. Thậm chí, có nhiều dòng mỹ phẩm đã phải ngừng sản xuất do lợi nhuận đem lại quá thấp.

Những khó khăn mà các hãng Fast Beauty phải đối mặt đó là các sản phẩm của họ cần được sản xuất liên tục theo mỗi mùa, chúng thường có vòng đời ngắn và giá thành thấp nhưng vẫn phải đảm bảo có một chất lượng nhất định. Tuy nhiên, xu hướng làm đẹp lại thường không thay đổi nhanh như xu hướng thời trang và phải mất rất lâu thì người ta mới sử dụng hết một loại mỹ phẩm. Ngoài ra, áp lực đến từ các hãng mỹ phẩm drugstore cũng làm cho các hãng Fast Beauty chẳng thể coi thường. Vậy nên, miếng bánh lớn Fast beauty nhìn tưởng chừng thơm ngon nhưng để có thể ăn trọn lại chẳng hề dễ dàng gì.

mypham-1

Nội dung hợp tác cùng tạp chí 2!

Chia sẻ

Bài viết

Hany

Tin mới nhất