Thời trang

Cuộc đối thoại giữa thời trang và nữ quyền

Theo Happer's Bazaar
Chia sẻ

Từ thời đại của flapper, chiếc áo khoác Chanel vải tweed, đầm Dior New Look, bộ vest Le Smoking cho đến thời trang hiện đại ngày nay đều thể hiện cuộc đối thoại giữa thời trang và nữ quyền vẫn chưa bao giờ dứt

Khi tôi gõ những dòng này, mùa Couture Spring 2015 đã gần kết thúc. Tôi nhận ra bên cạnh những bộ cánh lộng lẫy được thêu đính công phu thường thấy ở mỗi mùa couture là sự nổi lên của bộ suit trong các show Giambattista Valli, Jean Paul Gaultier… Quay lại mùa xuân hè trước đó, một trong những xu hướng lớn nhất chính là thời trang lấy cảm hứng từ thập niên 1970 với những bộ pantsuit hay áo kiểu mặc cùng quần dài ống suôn, ống loe. Tất cả hiện lên trước mắt tôi một bức tranh của thời trang đương đại: phụ nữ đang ngày càng ưa chuộng trang phục vốn được xem là dành cho nam giới, huống chi là bộ suit hay tuxedo ngày xưa còn được tôn vinh là biểu tượng của đàn ông quý tộc.

nuquyen (4)

Từ trái sang: Các thiết kế pantsuit trong bộ sưu tập Xuân Hè 2015 của Emilio Pucci, Loewe, Paul &Joe

Tất nhiên chúng ta vẫn thích diện váy, đầm hay bất cứ thứ gì phô diễn nét đẹp gợi cảm của tính nữ, nhưng những bộ vest tay dài chỉn chu, thẳng thớm vẫn có một sức hút bí ẩn. Hễ có ngôi sao nữ nào mặc suit trên thảm đỏ chẳng phải luôn thu hút sự chú ý của truyền thông hơn bộ đầm đuôi cá thướt tha đó sao? Phải chăng vì chúng ngầm khẳng định rằng: cô gái trong bộ vest ấy cực kỳ bản lĩnh, có tố chất đặc biệt và tài năng chẳng kém đàn ông?

Quần áo đâu chỉ để giữ ấm

Virginia Woolf từng nhận định: “Quần áo có vai trò quan trọng hơn tính năng đơn thuần là giữ ấm. Chúng làm thay đổi cách chúng ta nhìn nhận thế giới và cách thế giới nhìn nhận chúng ta”. Những bộ vest mà tôi đề cập trên đây, cũng như xu hướng thời trang thập niên 1970 - thời đại mà người ta mặc bất cứ thứ gì miễn là thể hiện cá tính, phụ nữ mặc quần dài, đi bar hoặc chạy theo thời trang punk đinh tán và đồ da nổi loạn - đang rầm rộ quay lại đều phản ánh khát khao được tự do làm những điều mà phụ nữ thích.

nuquyen (6)

Phụ nữ cấp tiến thập niên 1970 mặc quần jeans cạp trễ, áo T-shirt để khẳng định bình đẳng giới

Nhìn về lịch sử, tôi đã được nhìn thấy huy hiệu của tổ chức WSPU do bà Emmeline Pankhurst lãnh đạo (WSPU - Women’s Social and Political Union - Hiệp hội Chính trị và Xã hội của phụ nữ được thành lập năm 1903) có 3 sắc màu tím, trắng và xanh lá, lần lượt tượng trưng cho lòng nhiệt huyết, sự trong sáng và hy vọng. Hàng nghìn hội viên thuộc WSPU đã đeo huy hiệu này cùng với những băng-rôn cùng màu khi tổ chức các cuộc biểu tình đòi công bằng, đòi quyền được bỏ phiếu bầu cử cho phụ nữ ở Anh.

Một thế kỷ sau, sau cuộc đấu tranh của WSPU, tôi lại được thấy cuộc “biểu tình” rầm rộ trong show thời trang Chanel xuân hè 2015. Cho đến tận hôm nay, phụ nữ ở nhiều nước vẫn không có quyền công dân và bị đối xử tệ bạc. Chính vì vậy, show diễn của Chanel không phải soi lại về quá khứ mà chính là tiếp tục cuộc đấu tranh đòi bình đẳng giới cho phụ nữ trong hiện tại.

Một khoảnh khắc đẹp của cuộc “biểu tình” trong show diễn Chanel Spring 2015

Một khoảnh khắc đẹp của cuộc “biểu tình” trong show diễn Chanel Spring 2015

If you’re sad, add more lipstick and attack

Coco Gabrielle Chanel là một trong những phụ nữ tiên phong sử dụng thời trang để kêu gọi giành lấy bình quyền cho phái đẹp. Còn nhớ chiếc túi 2.55 kinh điển của Chanel ra đời với mục đích giải phóng đôi tay cho nữ giới. Họ chỉ việc quàng chiếc túi qua vai và đôi tay sẽ tự do làm nhiều việc khác. Tôi rất thích câu nói này của Chanel: “If you’re sad, add more lipstick and attack” (Nếu buồn, bạn hãy tô thêm son và tiếp tục chiến đấu). Nếu có trở ngại nào, hãy tự hào mình là phụ nữ, tô son đi (và rất nên là màu son đỏ) để thêm động lực vượt qua khó khăn.

Thời trang mạnh mẽ, cá tính của Coco Chanel năm 1930

Thời trang mạnh mẽ, cá tính của Coco Chanel năm 1930

Ngay tại Việt Nam, cũng có người sử dụng thời trang để khẳng định vị thế của nữ giới. Đó là họa sĩ Nguyễn Cát Tường với kiểu áo dài Le Mur vào khoảng năm 1934. Ông cho giảm bớt các vạt con, chỉnh sửa chiếc quần mặc kèm dựa trên chiếc quần âu để gọn và đẹp hơn, sử dụng các màu tươi sáng thay cho màu nâu, đen. Mẫu áo dài Le Mur từng bị chỉ trích là “tây” quá, thắt lưng và bó hẹp eo là không đoan chính. Thế nhưng, chiếc áo vẫn được nhiều người nổi tiếng chọn mặc và trở thành hình mẫu cho áo dài hiện đại bây giờ.

Cô Nguyễn Thị Hậu, người đầu tiên mặc Le Mur (áo dài Phong Hóa)

Cô Nguyễn Thị Hậu, người đầu tiên mặc Le Mur (áo dài Phong Hóa)

Hòa cùng dòng chảy thời trang khẳng định bình quyền, trong số báo Powerful Women tháng Ba, tôi đưa ra ý tưởng cho bộ ảnh “Thời trang là nữ quyền” với những bộ suit, quần shorts ống rộng, quần da phối cùng jacket vải tweed v.v… với thông điệp muốn gửi gắm: bạn là phụ nữ, bạn có quyền đẹp và thời trang sản sinh ra là để phục vụ cho phụ nữ trước tiên.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Happer's Bazaar

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất