Hàng năm, các bãi biển thuộc quần đảo Cape Verde đều phải hứng chịu hàng trăm tấn rác thải do dòng hải lưu của Đại Tây Dương và Canaries mang đến. Để hạn chế sự ô nhiễm, hai doanh nhân Helena Moscoso và Debora Roberto đã chọn giải pháp biến rác thành túi xách và các phụ kiện thời trang.
Trên bãi cát mịn của các hòn đảo ở Cape Verde lúc nào cũng tràn ngập chai nhựa, rác thải đủ màu sắc. Cảnh tượng đáng buồn này đã thúc đẩy Helena Moscoso và Debora Roberto bắt tay vào hành động từ năm 2019. Họ quyết tâm tái chế tất cả những mảnh rác thu thập được để hạn chế tình trạng lãng phí, sản xuất dư thừa và ô nhiễm đất, biển.
Helena Moscoso và Debora Roberto thành lập một thương hiệu thời trang để mọi người dễ nhận biết. Thông qua đó, họ sẽ quảng bá thông điệp tái chế, chuyên môn và nghề thủ công của địa phương. Rác thải trên biển chính là nguyên liệu thô, sau này chúng sẽ được các thợ may biến thành phụ kiện thời trang như túi xách, ví, hộp đựng và vòng đeo tay.
Mặc dù sáng kiến này của họ không thể sản xuất với quy mô lớn nhưng nó vẫn góp phần làm trong sạch các bãi biển, đồng thời nâng cao nhận thức về các vấn đề xung quanh ô nhiễm biển.
"Cuối tuần qua, chúng tôi đã bắt đầu thu thập nguyên liệu thô để khởi động quá trình sản xuất. Có một sự thật đáng buồn là Đại Tây Dương cung cấp rất nhiều nguyên liệu. Chúng tôi muốn mang đến cuộc sống mới cho những nguyên liệu đang đe dọa các loài sinh vật biển này. Tất nhiên chúng tôi không mong đợi sẽ thu được nhiều nguyên liệu thô. Nhưng dù thế nào thì chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục kế hoạch của mình. Mục tiêu của chúng tôi là làm giảm sự ô nhiễm, dù chỉ trên quy mô rất nhỏ”, hai nhà sáng lập cho biết.
Helena Moscoso và Debora Roberto thường phải làm việc với các tình nguyện viên nên họ cũng cùng tham gia các chiến dịch dọn dẹp trên các hòn đảo (như Santa Luzia, São Vicente). Các chiến dịch này được tổ chức bởi các hiệp hội và tổ chức như NGO Biosfera - tổ chức hoạt động bảo vệ tài nguyên biển và ven biển. trong quần đảo. Có thể nói đây là một nhiệm vụ không bao giờ kết thúc vì trên bãi biển có quá nhiều rác thải, chưa kể rác nằm sâu bên dưới cát.
"Ở Santa Luzia có nhiều tấm lưới bị chôn vùi hoặc mắc vào đá đến nỗi chúng đã trở thành một phần của cảnh quan. Đây là thực tế đáng buồn trên các bãi biển của Cape Verde", một bài đăng trên trang Instagram của thương hiệu viết.
Ba năm sau khi khởi động dự án, các thợ may của Salamanca (một ngôi làng ở phía bắc São Vicente) đã cho ra đời hàng chục, hàng trăm chiếc túi tái chế. Theo báo cáo của tạp chí Jeune Afrique, nhờ được đào tạo thành thợ may mà các phụ nữ trên đảo đã kiếm được việc làm trong xưởng của Helena Moscoso và Debora Roberto. Mỗi ngày họ đều chăm chỉ biến những lưới đánh cá thành túi, hộp đựng, vòng đeo tay…Sản phẩm sau đó sẽ được bán cho người dân Cape Verde và khách du lịch để thúc đẩy vòng tuần hoàn kinh tế và nâng cao nhận thức về ô nhiễm đại dương.
Xem thêm: Ca Sỹ Thanh Hà: "Tôi như được tái sinh trong tình yêu này."