Theo tạp chí Forbes, tổng biên tập Anna Wintour của Vogue là người phụ nữ quyền lực nhất trong lĩnh vực truyền thông và giải trí năm 2017. Bà nổi tiếng là một trong những nhà bình luận thời trang cứng rắn nhất và đáng gờm nhất.
Những bước chân đầu đời của “bà trùm” thời trang
Anna Wintour vốn có xuất thân từ một gia đình quý tộc. Bà là chắt gái của tiểu thuyết gia cuối thế kỷ 18, Lady Elizabeth Foster (sau này là Nữ công tước xứ Devonshire). Năm 1949, Anna chào đời ở London trong vòng tay yêu thương của cha (một biên tập viên báo chí) và mẹ (một nhà hoạt động xã hội).
Anna đã sớm thể hiện sự táo bạo trong thời trang từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường. Bà ghét mặc đồng phục. Mới 14 tuổi bà đã biết tự cắt váy ngắn và cắt tóc ngắn. Tuy ghét sự đơn điệu trong thời trang nhưng Anna lại trung thành với một kiểu tóc. Kiểu tóc bob uốn phồng đã theo bà trong suốt 58 năm. Cha của Anna rất hài lòng với định hướng theo đuổi ngành thời trang của con gái nên đã gửi Anna đến cửa hàng Biba khi mới 15 tuổi.
Sự nghiệp thời trang đầy biến động và huy hoàng
Năm 16 tuổi, bà đến làm việc cho các tạp chí thời trang thay vì vào đại học. Tuy trước đó cha mẹ rất ủng hộ đam mê thời trang của bà nhưng họ không muốn con gái bỏ học giữa chừng. Và Anna ở độ tuổi thiếu niên cũng cứng rắn hệt như Anna trong tương lai sau này. Bà bỏ qua việc học và đến làm việc cho một tòa soạn theo lời giới thiệu của một người bạn. Đây chính là bước chân đầu tiên, mở ra cánh cửa cho sự nghiệp thời trang đáng kinh ngạc của bà. Sau thời gian dài làm việc ở London, bà quyết định chuyển đến New York. Chỉ trong thời gian ngắn bà đã được chọn làm trợ lý biên tập tại Harper’s Bazaar. Anna lúc đi khỏi Harper’s Bazaar cũng nhanh như lúc bà mới đến. Bà bị sa thải chỉ sau 9 tháng vì tổng biên tập không đồng ý với một ý tưởng chụp ảnh của bà.
Anna không suy sụp vì bị “đá” khỏi công việc trợ lý đó vì lòng bà vốn luôn hướng về Vogue. Một đồng nghiệp cũ đã sắp xếp cho bà một cuộc phỏng vấn với tổng biên tập Vogue, Grace Mirabella. Vị giám đốc rất ấn tượng với thành tích làm việc trước đây của bà nên đã trao cho Anna vị trí giám đốc sáng tạo của tạp chí Vogue Mỹ. Anna là một trong những biên tập viên đầu tiên mời các ngôi sao điện ảnh lên bìa tạp chí. Bà nhận ra rằng cách làm đơn giản này giúp thúc đẩy doanh số bán hàng. Sau đó, xu hướng này được rất nhiều tạp chí khác đón nhận.
Anna cảm thấy cách làm việc của tạp chí đã quá lỗi thời. Các cuộc tranh luận nảy lửa khiến mối quan hệ giữa bà với biên tập viên trở nên căng thẳng. Để tránh xung đột nghiêm trọng, Anna được bổ nhiệm làm tổng biên tập tạp chí Vogue Anh. Vậy là bà trở về London. Khi nhận công việc mới, bà thay mới gần như toàn bộ nhân sự và xây dựng chế độ làm việc mới, đến mức bị đặt cho biệt danh là Nuclear Wintour.
Tiếp đó, bà trở thành tổng biên tập tạp chí Vogue Mỹ. Lúc đó Vogue bắt đầu có dấu hiệu yếu thế trước “anh bạn hàng xóm” Elle Mỹ nên Anna đã đưa ra một quyết định mang tính bước ngoặt. Ảnh bìa là điều đầu tiên khách hàng nhìn thấy trên một ấn phẩm nên bà muốn thay đổi “bộ mặt” đó theo hướng hoàn toàn mới. Trước đây, trang bìa luôn là hình ảnh một người mẫu mặc đồ đắt tiền chụp trong studio. Rõ ràng hình ảnh này rất hào nhoáng, lộng lẫy nhưng lại không phù hợp cho phần lớn phụ nữ trong đời thường. Vì thế, lần này bà đã mời một người mẫu không quá nổi tiếng, chụp ngoài trời, mặc trang phục kết hợp cả bình dân lẫn cao cấp. Trang bìa số đầu tiên do Wintour phụ trách giống như một cuộc cách mạng năm 1988. Nàng thơ trang bìa là Michaela Bercu, 19 tuổi. Cô được mặc một chiếc quần jean bạc màu (trị giá 50 USD) với một chiếc áo khoác nạm ngọc của Christian Lacroix (trị giá 10.000 USD). Đây là lần đầu tiên người mẫu trang bìa của Vogue mặc quần jean. Thực ra, kế hoạch ban đầu là người mẫu sẽ mặc váy. Nhưng cô có thai nên đã tăng cân một chút, chiếc váy không còn vừa vặn nữa.
Qua năm tháng, Anna Wintour dần trở thành một trong những người có ảnh hưởng nhất trong thế giới thời trang, tạo ra các xu hướng và khám phá những tên tuổi mới. Bà khuyên các công ty thời trang nên thuê các nhà thiết kế trẻ. Ví dụ, nhờ có bà mà John Galliano được làm việc cho Christian Dior. Bà thuyết phục Brooks Brothers thuê Thom Browne dù lúc này ông không có chút danh tiếng nào. The Guardian thậm chí còn gọi bà là “thị trưởng không chính thức” của thành phố New York. Năm 2005, bà được trả mức lương 2 triệu USD một năm. Bên cạnh đó, bà còn nhận được một số đặc quyền như được cấp một chiếc Mercedes S-Class có tài xế (cả ở New York và nước ngoài), trợ cấp mua sắm 200.000 USD và phòng Coco Chanel Suite tại khách sạn Ritz Paris khi tham dự các buổi trình diễn thời trang châu Âu. Bà cũng nhận được khoản vay 1,6 triệu USD không tính lãi để mua căn nhà phố của mình.
Phong cách quản lý của một “người đàn bà thép”
Anna nổi tiếng là một vị sếp khó tính và quy củ. Một khi đã đặt ra mục tiêu thì bà sẽ hoàn thành công việc theo cách này hay cách khác, đúng thời hạn, không lý do. Bà chính là hình tượng nguyên mẫu cho nhân vật “quản lý ác quỷ” Miranda Priestly (do Meryl Streep thủ vai) trong bộ phim “Devil wear Prada”.
Nếu bạn hỏi bí quyết để đưa ra những quyết định thời trang mang tính bước ngoặt của Anna là gì, câu trả lời bạn nhận được sẽ luôn là: “Hãy dứt khoát và tin tưởng vào bản năng của bạn”.
Tuy cách làm của Anna rất quyết liệt và cứng rắn (khiến cho nhân viên phải run sợ), nhưng sự thành công của Vogue là minh chứng rõ ràng cho thấy bà đang làm việc hiệu quả. Chúng ta không thể trách sự khó tính của Anna vì bà đang là người chịu trách nhiệm cao nhất cho một tạp chí thời trang uy tín phát hành hàng tháng với ngân sách lớn. Bà cần thúc đẩy một đội ngũ làm việc đồng nhất, gấp rút, hiệu quả.
Một lý do khác khiến bà trở thành một nhà quản lý tuyệt vời là bà biết cách giao phó trách nhiệm cho đúng người, đúng việc để loại bỏ sự hiểu lầm và căng thẳng trong nhóm. Anna tin các đồng đội của mình. Một khi nhiệm vụ đã được giao phó, bà tin nhân viên đó sẽ đủ năng lực để làm tốt nên sẽ không kiểm tra lại lần hai.
Một chi tiết quan trọng khác trong phong cách quản lý của bà là không để lộ sự bất an cho nhóm của mình. Bà không bao giờ thể hiện sự lo lắng vì không muốn làm tổn hại đến hiệu quả và nhịp điệu làm việc của mọi người. Với tư cách là một người đứng đầu có thẩm quyền, nhiệm vụ của Anna là tìm ra vấn đề mọi người đang gặp phải để giải quyết chứ không phải đem cảm xúc riêng của mình vào, khiến cho vấn đề càng nghiêm trọng hơn.
Cuối cùng, Anna coi thất bại là nguồn cảm hứng và cơ hội để suy nghĩ thấu đáo hơn về lập trường của mình. Những lời chỉ trích và thất bại có thể trở thành cơ hội tốt để một người tự nhìn lại bản thân và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Khi được hỏi về những phàn nàn về tính cách, bà nói: “Có rất nhiều người đã làm việc với tôi 15, 20 năm. Đôi khi người ta thấy tôi lạnh lùng và thô lỗ, với tôi, tôi chỉ đang phấn đấu cho những điều tốt nhất”. Karl Lagerfeld nhận xét về tổng biên tập Vogue: “Bà ấy rất thành thật. Bà ấy sẽ nói rõ với bạn những gì bà ấy nghĩ. Có là có và không là không”.
Cuộc sống cá nhân
Anna nghiêm khắc với nhân viên và với chính bản thân mình. Bà dậy trước 6 giờ sáng, đến văn phòng Vogue khi chưa đến giờ làm việc. Bà cũng có mặt ở các buổi trình diễn thời trang từ sớm, rất lâu trước khi họ bắt đầu. Theo bộ phim tài liệu Boss Woman của BBC, bà hiếm khi dự tiệc hơn 20 phút mỗi lần và đi ngủ lúc 10:15 PM mỗi đêm.
Có lẽ chỉ có Charles và Bee, hai người con của Anna, mới đủ sức làm sự quyết liệt của bà dịu lại. Bà từng chia sẻ rằng bà rất coi trọng sự nghiệp, nhưng khoảnh khắc khiến bà cảm thấy khó khăn nhất trong đời là khi rời nhà để đi công tác.
"Tôi muốn các con của tôi hiểu rằng phụ nữ cũng cần sự nghiệp riêng để có cuộc sống viên mãn và điều đó không đồng nghĩa với việc họ yêu các con ít hơn, hay quan tâm đến các con ít hơn", Anna nói với tờ Stella.
Cả hai người con của Anna hiện đều đã trưởng thành và có sự nghiệp thành công. Tuy mỗi người đều rất bận rộn nhưng họ vẫn dành thời gian cho nhau. Bee thậm chí còn kể những câu chuyện vui về mẹ của mình lên mạng xã hội.
Sau tất cả, dù bạn yêu hay ghét Anna Wintour thì bà vẫn là một trong những nhân vật được kính trọng nhất trong thế giới thời trang. Sự bền bỉ và gu thời trang nhạy bén là vũ khí bí mật giúp bà vun đắp sự nghiệp huy hoàng trên chiếc ghế tổng biên tập của Vogue hơn 3 thập kỷ.
Xem thêm: “Cô Gái Có Râu” cùng “chiến thần Hà Linh” song kiếm hợp bích “combat”chủ tiệm chè Chang Hi.