Thể thao

Xin Modric đừng 'giá như' giống Suker

Theo Bongdacuocsong
Chia sẻ

Stade de France, ngày 8/7, Pháp gặp Croatia trong trận bán kết World Cup 1998. Phút 46, Asanovic có bóng từ giữa sân. Ngoặt bóng về kèo trái thuận, Asanovic biết rằng Davor Suker sẽ chạy lên bên cánh phải.

Chưa đến 2 giây sau, Croatia ghi bàn thật, vươn lên dẫn trước chủ nhà Pháp. “Chúng tôi đã tập tình huống ấy rất nhiều lần rồi, bàn thắng đó nằm trong toan tính”, Blazevic nói với Sasa, nữ cán bộ truyền thông đi theo đội.

Suốt nửa đầu trận đấu trước đó, Pháp không tài nào tìm thấy một khe hở từ hệ thống của Croatia. Blazevic biết rằng Aime Jacquet đã đánh giá thấp đội tuyển non trẻ này, và khi Suker khai thông thế bế tắc, ông tin chắc trận đấu đã an bài. “Xong”, Blazevic hút nốt điếu thuốc rồi nói với Sasa.

Nhưng phần còn lại, mãi mãi là lịch sử. Croatia đã không thể vào tới trận đấu cuối cùng ở nước Pháp, còn thế hệ vàng của Suker để lại sứ mệnh “vĩ đại” cho thế hệ đi sau. Và có lẽ, chính Suker - khi ngồi trên các khán đài ở Nizhny Novgorod và Sochi - cũng không thể tin rằng lớp hậu bối của ông, sau đúng 20 năm, đã tái hiện kỳ tích lịch sử của bóng đá Croatia qua 2 loạt luân lưu định mệnh.

Bóng đá Croatia đã phải đợi 20 năm cho cuộc cách mạng 2.0, nhưng rốt cuộc, chuyện gì đã xảy ra với thế hệ vàng của quốc gia nhỏ bé chỉ 4 triệu dân này? Nhất là khi, đến HLV trưởng của họ đã chắc mẩm, mình sẽ đi tiếp.

SỰ RA ĐỜI CỦA MỘT “CƯỜNG QUỐC”

Mùa thu năm 1990, Nam Tư chìm trong biển hỗn loạn. 10 năm sau ngày mất của vị lãnh tụ cộng sản Josip Broz Tito, các lãnh đạo “đặc khu” trong Nam Tư vẫn loay hoay đi tìm tiếng nói chung. Có quá nhiều tổ hợp xung đột tồn tại trong những mối quan hệ đa phương giữa Bosnia, Serbia, Croatia, Macedonia và Slovenia.

Sự tan rã của khối liên bang đã ở rất gần, sau khi nó được thông báo trên chính SVĐ quốc gia. Khi ngôi sao quốc dân Zvonimir Boban bị khai trừ khỏi thành phần dự World Cup 1990 (Boban tấn công một sĩ quan cảnh sát vì anh này hành hung một CĐV Dinamo Zagreb trước trận gặp Sao Đỏ Belgrad), ngày chia ly chỉ còn là vấn đề thời gian.

Người Croatia, trong bối cảnh ấy, khao khát được đánh hồi chuông báo hiệu độc lập. Họ muốn thế giới biết tới tiếng nói và nỗi lòng của mình. Franjo Tudjman, chính trị gia có tầm ảnh hưởng rộng lớn - người sau này trở thành tổng thống cộng hòa Croatia, sớm nhận thức vai trò đặc biệt của bóng đá trong công cuộc giành quyền tự chủ.

Năm 1990, ĐT Croatia có trận đấu chính thức đầu tiên, giao hữu với ĐT Mỹ, mở đường cho việc tuyên bố độc lập của quốc gia Croatia.

Vì vậy, sau Italia 1990, Tudjman đã đứng ra dàn xếp một trận giao hữu giúp Croatia gặp Mỹ để khơi gợi lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Tuy nhiên, trận đấu này sẽ bị hủy ngay tức khắc nếu không có cái gật đầu từ LĐBĐ Nam Tư. May mắn, khi tổng thư ký Anto Petrovic lại là người Croatia. Petrovic đã giấu nhẹm thông tin, bí mật giáp lai con dấu, cho phép Croatia được thi đấu dưới tư cách của quốc gia độc lập. Nhận văn bản, FIFA đồng ý cho bóng lăn.

Lúc Nam Tư biết chuyện thì sự đã rồi. Họ buộc phải dùng tới các biện pháp trừng phạt, đe dọa tước quyền ra sân tại giải vô địch liên bang của bất kỳ cầu thủ nào dám tham gia trận đấu đó. Do đó, trong đợt tập trung đầu tiên, Croatia gồm toàn các “công dân” đang sinh sống bên ngoài lãnh thổ Nam Tư.

Aljosa Asanovic (người kiến tạo cho Suker ghi vào lưới Pháp năm 1998) đi vào lịch sử bóng đá Croatia với tư cách người mở khóa tài sản ngân hàng bóng đá Croatia. Ông ghi bàn mở tỷ số trong chiến thắng chung cuộc 2-1 cho Croatia. Hôm đấy, đội tuyển quốc gia Croatia chính thức ra đời.

“CẠ” TENNIS CỦA NHÀ ĐỘC TÀI

Ít tháng sau, Croatia giành độc lập, nhưng sự kiện ấy kỳ thực đã mở ra… cuộc nội chiến đẫm máu. Hệ quả là Nam Tư bị tước quyền tham dự EURO 1992 (Đan Mạch thế chỗ và cuối giải lên ngôi vô địch), còn các đội tuyển thuộc khối Nam Tư cũ không kịp đăng ký tham dự vòng loại World Cup 1994.

Tudjman đã nắm quyền vào năm 1992, là tổng thống đầu tiên của nước độc lập Croatia. Ông ta nhanh chóng tỏ rõ bản chất của nhà độc tài và không mất nhiều thời gian biến bóng đá thành công cụ tuyên truyền. Thể theo nguyện vọng của Tudjman, Dinamo Zagreb - đội bóng giàu truyền thống phải đổi tên, lần lượt khoác lên mình những danh xưng xa lạ như HASK Gradjanski và NK Croatia Zagreb.

Quan điểm bóng đá của Tudjman sẽ lý giải cho sự hiện diện của của Blazevic ở France 98 trên ghế HLV trưởng Croatia. Xuất phát điểm của Blazevic chỉ là một tiền vệ tầm thường ở Dinamo, FK Sarajevo và NK Rijeka trong thập niên 60-70 thế kỷ 20, trước khi ông khởi nghiệp nghề huấn luyện tại Thụy Sỹ.

Năm 1980, Blazevic quay về Nam Tư, nhận ghế nóng của Dinamo và gây dựng danh tiếng từ đây. Trong hai năm ngắn ngủi, Blazevic giúp Dinamo giải cơn khát danh hiệu suốt 24 năm.

Blazevic là người ủng hộ tuyệt đối Tổng thống đầu tiên của Croatia, Franjo Tudjman (trái), và ông đương nhiên thành HLV trưởng ĐT Croatia.

Thường được gọi bằng cái tên thân mật Ciro, Blazevic không nổi tiếng ở sự nhạy cảm chiến thuật, nhưng lại sở hữu bí kíp “ngoa ngôn” giúp ông vực dậy nền bóng đá Nam Tư cũ luôn khép mình trước thế giới ngoài kia. Tài hùng biện và kỹ năng thuyết trình thiên bẩm giúp Blazevic tạo cho cầu thủ của ông cảm giác “Chúng ta là những người giỏi nhất thế giới”. Ông thường nhấn mạnh vào điểm yếu của đối thủ, nhai đi nhai lại những ý tưởng đó trong đầu học trò và luôn giải đáp mọi thắc mắc của công chúng.

Tudjman, với bộ tính cách tương đồng như Blazevic, sớm nhìn thấy “đệ tử”. Họ sớm “bắt sóng” và là bạn tennis của nhau vào mỗi dịp cuối tuần. Blazevic từng tán dương “Tudjman là chính trị gia vĩ đại nhất nhân loại”.

Đổi lại, Blazevic nhận sự tin tưởng tuyệt đối của Tudjman. Blazevic là người của Đảng Liên Minh Dân Chủ (Tudjman cầm quyền), có ghế đại biểu quốc hội và thường xuyên xuất hiện trước báo giới để bảo vệ quan điểm chính trị của Tudjman. Năm 1994, không ngạc nhiên khi Blazevic được trao ấn kiếm, lĩnh xướng ĐTQG Croatia.

Nói về Blazevic, thì đó là con người đầy phức tạp. Cách đó vài năm, ông bị tòa án Pháp khởi tố vì scandal dàn xếp tỷ số chấn động. Các công tố viên Paris đã có đủ bằng chứng về việc Blazevic nhận hối lộ 500.000 francs từ Bernard Tapie, chủ tịch tai tiếng của Marseille khi ông còn dẫn dắt Nantes. Bằng cách nào đó, phút chót, nhân chứng trước tòa đứng ra chống lại Blazevic bất ngờ rút đơn kiện, khiến vụ án mãi mãi bị quên lãng.

Có điều, chính tính cách chuyên quyền của Blazevic lại là gia vị duy nhất ĐT Croatia - là tập hợp của những người trẻ mới thoát khỏi xiềng xích - còn thiếu. Họ cần một lãnh đạo mạnh mẽ, thậm chí là cực đoan để biến những sục sôi nung nấu bấy lâu nay thành chiến quả trên sân bóng.

Dù tuyên bố hùng hồn sẽ vô địch nhưng Croatia của Blazevic đã phài dừng bước ở tứ kết EURO 1996 trước ĐT Đức.

Trong tay Blazevic là lứa cầu thủ tài năng đã vô địch U20 World Cup 1987. Ông có Boban ghi bàn quyết định trong trận chung kết gặp Tây Đức; có Prosinecki - cầu thủ hay nhất giải; có Jarni, Stimac, Suker; có thủ môn Ladic và hậu vệ giàu tiềm năng Bilic. Những nhân vật này, chứ không phải ai khác, là tương lai, là bộ mặt của bóng đá Croatia.

Với dàn lính tinh nhuệ như thế, Blazevic tuyên thệ Croatia sẽ vô địch EURO 1996. Ở vòng loại, đội bóng này đã phần nào chứng minh tính xác thực trong lời hứa của ông HLV trưởng, với vị trí nhất bảng, đứng trên cả Italia hùng mạnh.

Sức mạnh này tiếp tục được thể hiện ở hai loạt trận đầu tiên bảng D EURO 1996. Croatia thắng Thổ Nhĩ Kỳ 1-0, đả bại ĐKVĐ Đan Mạch 3 bàn không gỡ. Ở loạt cuối, Blazevic chủ động cất tất cả quân bài quan trọng và “nhường” Bồ Đào Nha, vì muốn tránh CH Czech.

Croatia về nhì như ý nguyện và đối đầu người Đức. Vẫn là lối chơi đầy sức thuyết phục, nhưng cú sút penalty lạnh lùng của Klinsmann đã chấm dứt giấc mơ của Croatia.

Blazevic không bỏ cuộc sau tuyên bố “hớ hênh” hồi đầu giải. Ông nuôi dưỡng niềm tin ở CĐV với luận điểm: “Croatia bị cướp danh hiệu ở EURO 96, nhưng sẽ bước lên đỉnh cao nhất tại World Cup 1998”.

HÀNH TRÌNH KỲ LẠ

Croatia khởi đầu vòng loại World Cup với chiến thắng trước Bosnia, nhưng 3 trận sân nhà kế tiếp đội lại không thể thắng một trận trọn vẹn. Chuỗi kết quả này dẫn tới phong trào phản đối của CĐV trên khán đài. Đám đông muốn tống cổ gã ngạo mạn Blazevic. Phải nhờ pha lập công của Suker tại Thessaloniki, chiếc ghế của Blazevic mới “hạ nhiệt” một chút. Nhưng trước mắt Croatia vẫn còn một thử thách cực đại mang tên Ukraine, tại lượt play-off tranh vé vớt.

Sơ đồ 3-5-2 quen thuộc của Blazevic không còn tạo ra nhiều đột biến, nhưng Blazevic còn đó hàng tiền vệ đầy sáng tạo để bám víu. Hai bàn thắng của Slaven Bilic và Goran Vlaovic giúp Croatia chơi trận lượt về ở Kiev trong tâm lý thoải mái hơn. Trận lượt về kết thúc với tỉ số 1-1, một kịch bản “vừa xinh” để Croatia đoạt vé tới Pháp, còn Blazevic coi như bớt phần nào áp lực.

Một trong những nguyên nhân Blazevic ngày càng mất điểm trong mắt CĐV, là vì bản chất độc tài và chuyên quyền của ông ta ngày càng lộ rõ. NHM muốn Ladic rời xa khung gỗ, dù thủ môn này là huyền thoại ở Dinamo. Ladic thường xuyên mắc những sai lầm ngớ ngẩn trong các trận cầu lớn, điển hình là tình huống mắc lỗi ngay phút thứ 5 ở trận play-off lượt về tạo điều kiện để Shevchenko ghi bàn.

Vấn đề là: Blazevic bị ám ảnh với các lựa chọn của mình. Ông phát minh ra 3-5-2, ít nhiều tạo dấu ấn với nó nhưng khi chiến thuật ấy không còn phù hợp cần những điều chỉnh nhỏ, Blazevic lại nghĩ nó vẫn tốt.

Niềm tin của khán giả vào Blazevic giảm dần đều qua ngày tháng, nhưng chân mệnh của ông là làm HLV trưởng ĐTQG. Vì khi tất cả đều quay lưng, thì các cầu thủ luôn duy trì niềm tin tuyệt đối ở Blazevic. Bilic đã chia sẻ trên tờ L’Equipe trước ngày khai mạc World Cup 1998, rằng “Cả đội tin tưởng tuyệt đối vào Blazevic”.

Nhưng đến World Cup 1998, Croatia đã có màn trình diễn thuyết phục, qua vòng bảng, thắng Romania ở vòng 1/8 trước khi gặp lại người Đức ở tứ kết.

Oái ăm, là cứ cho rằng thu phục được niềm tin của học trò, Blazevic vẫn không bao giờ lường được các biến số bất định. Boksic chấn thương trong một buổi tập, chưa kể 3 ngôi sao đang vật lộn chạy đua với thời gian để hồi phục chấn thương trong mùa giải CLB là Boban, Prosinecki và Bilic.

Croatia nằm chung bảng với “đại bàng” Argentina, nhưng không phải quá lo lắng vì hai đối thủ còn lại đều là “tân binh” ở World Cup 2018, lại tới từ những nền bóng đá chưa phát triển là Jamaica và Nhật Bản. Các chiến thắng 3-1 và 1-0 ở hai loạt đầu đảm bảo cho chuyến tàu của Croatia qua trạm ga đầu tiên hanh thông.

Nhưng điểm nhấn của vòng bảng phải là buổi họp báo trước trận gặp Argentina của Croatia. Blazevic hùng hồn chắc nịch “Cho tôi 10 Batistuta đổi lấy Suker tôi cũng không thèm”. “Jebo Batistuta, dịch đi”, Blazevic hét vào mặt thông dịch viên. Câu ấy, nghĩa là “Batistuta là một đứa con gái ủy mị”.

Croatia thua Argentina như dự đoán, song Blazevic, giống lẽ thường, chẳng mảy may quan tâm. Ông đã quá quen với việc bị chế giễu là kẻ hứa hão và bỏ mặc ngoài tai tất cả, Blazevic hướng tới trận 1/8 gặp Romania - hiện tượng mới nổi.

Romania trình làng một diện mạo ở vòng đấu loại trực tiếp, nhưng không phải trên mặt trận chuyên môn. Họ ra sân với 11 cầu thủ cùng nhuộm đầu vàng hoe hơi ánh bạch kim, như một cách thể hiện phẩm chất của dân tộc Romania trước khán giả toàn cầu. Với Romania, màn trình diễn xuất sắc ở vòng bảng có lẽ không đủ để họ tự thỏa mãn chính mình.

Những cái đầu sặc sỡ kia rốt cuộc không hề đi đôi với phong cách tấn công bốc lửa thường thấy của Romania. Gặp Croatia chủ động chơi chậm, Romania cũng đá cứ như thể họ phía trước mặt họ luôn là một bức tường rào chắn. Tốc độ trận đấu chậm kinh khủng và sao chiếu mệnh ai, người đó thắng. Croatia hôm đó là người được chọn, với bàn thắng duy nhất trên chấm 11m của Suker.

MÀN TRẢ THÙ NGỌT NGÀO

Croatia đã ở tứ kết, và Blazevic vô tình tìm thấy “đường thoát thân”. Câu chuyện của Croatia tại tứ kết giống hệt vai trò của bóng đá tại quốc gia này, nghĩa là bóng đá chưa bao giờ chỉ là bóng đá.

Tại Lens, một cảnh sát Pháp bị nhóm hooligan Đức hành hạ dã man và suýt bỏ mạng tại cổng SVĐ. Blazevic vốn đã nuôi sẵn lòng hận thù ở EURO 96 vì bị Đức loại, đã tự biến mình thành người đàn ông tốt bụng nhất World Cup.

Và Croatia đã có màn trả thù ngọt ngào khi hạ gục ĐT Đức tới 3 bàn không gỡ.

Ở Lyon, Blazevic xuống xe buýt tiến vào sân với chiếc mũ cảnh sát Pháp trên đầu. “Nghĩa cử” ấy giúp ông trở thành “anh hùng” trong lòng giới quan sát nước chủ nhà. Croatia chưa đá tứ kết, đã là đội bóng được mến mộ nhất. Tổng thống Franjo Tudjman đã xuống tận đường pitch, tay trên tay với Blazevic và thì thầm vào tai cạ tennis: “Hãy đá để dân tộc này nở mày nở mặt”.

Đức là đội cửa trên, chơi lấn lướt nhưng bây giờ, biến số bất định chuyển từ Croatia sang họ. Christian Worns phạm lỗi với Suker ở phút 40, và trọng tài Rune Pedersen - thường được xem là thần may mắn của Croatia - không ngần ngại rút ra thẻ đỏ.

Mất người, nhưng có lẽ là đội “đàn anh” nên Đức tiếp tục lao lên tấn công, để rồi rơi vào cái bẫy phản công Blazevic ưa thích. Jarni khai nòng mở màn cho chiến thắng oanh liệt 3 sao của Croatia. Đó là bàn thắng duy nhất của anh cho ĐTQG, và trùng hợp là bàn thắng Blazevic chờ đợi nhất.

GIÁ NHƯ…

Phân cảnh Blazevic tự tin với chiến thắng sau pha lập công của Suker sẽ đi vào lịch sử, vì trong một thế trận tưởng như không có lỗ hổng ấy, Blazevic - một lần nữa - không thể lường trước cái vô thường của cuộc đời ập đến với mình.

Một phút sau bàn thắng của Suker, Boban - người Blazevic tin nhất - đã thực hiện cú xoay compa ngay bên phần sân nhà, rồi loạng choạng mất bóng mở toang cánh cửa tìm đến khung thành cho Thuram.

25 phút sau, Blazevic tiếp tục cảm nhận sự nghiệt ngã của trò đời. Cả sự nghiệp quốc tế, Thuram chỉ ghi 2 bàn và cả 2 bàn này, hệt như câu chuyện của Jarni trước người Đức, gói gọn trong 1 trận đấu, theo những cách không ai ngờ tới. Thuram từ cánh phải, ngoặt vào trong tung chân trái găm quả bóng bay về góc xa nhất, đưa Pháp vào chung kết. Bàn thắng cuối cùng của Thuram trong màu áo xanh lam, và chính là bàn thắng quan trọng nhất sự nghiệp của anh.

Nhưng giấc mơ vàng của Croatia đã phài chấm dứt trước ĐT Pháp sau 2 bàn thắng của hậu vệ Lilian Thuram (số 15).

Croatia dù chung cuộc giành HCĐ và cố gắng tự an ủi với châm ngôn “thắng tranh hạng Ba vẫn thắng, thua Chung kết vẫn là thua”, nhưng tất cả đều tiếc cho một thế hế vàng của bóng đá quốc gia nhỏ bé này.

Giá như Prosinecki được đá chính hoặc chí ít, là vào sân từ sớm chứ không phải là đợi tới phút 89 (Blazevic nói việc Prosinecki dự bị là do phong độ mờ nhạt ở vòng bảng)? Giá như Boban ngồi trên băng ghế dự bị? Và giá như, Blazevic đừng tự kiêu một chút đã thấy thừa?

Thế hệ của Modric, sau 20 năm tròn, đã đưa bóng đá Croatia trở lại nhóm 4 đội mạnh nhất. Nhưng sau 90 phút hoặc hơn thế với người Anh, sẽ là những nụ cười mãn nguyện hay lại là bài ca “Giá như” của bậc tiền bối Suker, có thể lại được định đoạt bởi thái độ tiếp cận trò chơi của Croatia. May cho họ, HLV Dalic “có vẻ” là một người khá khiêm nhường.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Bongdacuocsong

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất