Thể thao

Vụ Quang Hải phản ánh sự thiếu chuyên nghiệp, hay đội của bầu Hiển toan tính thất bại?

Văn Nhân
Chia sẻ

Điều gì khiến cho câu chuyện hợp đồng của Quang Hải và Hà Nội FC bỗng dưng ồn ào như hiện tại?

Không ít ý kiến cho rằng Quang Hải và bầu Hiển có sự hành xử đẹp sau trận Hà Nội thắng Thanh Hoá. Hải “con” nói chuyện, bắt tay bầu Hiển và có hành động thay lời cảm ơn. Nhưng khoảnh khắc đó báo hiệu một cuộc chia tay, và trường hợp Quang Hải có “quay xe” cũng không giấu hết nhiều vấn đề của Hà Nội FC.

Trước Quang Hải, Hà Nội FC mất Đình Trọng khi không thể đàm phán thành công. Đội bóng Thủ đô thông báo chia tay trước một ngày chốt hạn đăng ký nội binh cho mùa bóng 2022. Đình Trọng đã ký hợp đồng với Bình Định FC.

Hà Nội FC không rút ra bài học từ chuyện để mất Đình Trọng. Đội bóng của bầu Hiển tiếp tục rơi vào cảnh có nguy cơ lớn mất Quang Hải. Sự thật là Hải “con” đang muốn ra đi, không còn khao khát thi đấu cho đội bóng Thủ đô.

Sự ồn ào về hợp đồng Quang Hải kéo dài liên tục trong 1 tuần qua. Nhưng đây là đỉnh điểm khi hai bên chỉ còn thời hạn 1 tháng. Sự việc đã rộ tin kể từ trước Tết Nguyên Đán 2022, lãnh đạo đội bóng Thủ đô nói để cho Quang Hải tập trung cho trận Việt Nam gặp Trung Quốc, sau đó hai bên ngồi lại đàm phán.

Vụ Quang Hải phản ánh sự thiếu chuyên nghiệp, hay đội của bầu Hiển toan tính thất bại? Ảnh 1
Vụ Quang Hải phản ánh sự thiếu chuyên nghiệp, hay đội của bầu Hiển toan tính thất bại?

Lãnh đạo Hà Nội FC chắc chắn biết rằng, cầu thủ có quyền đàm phán với bất kỳ đội bóng nào khác ở 6 tháng cuối hợp đồng. Quang Hải cũng được quyền như thế. Nhưng họ chỉ nói về hợp đồng mới với Quang Hải ở tháng 2, trong khi hợp đồng cũ hết hiệu lực vào ngày 12/4.

Tại sao Hà Nội FC đăng ký Quang Hải cho mùa bóng 2022 mà hợp đồng giữa hai bên chỉ còn chưa đến 2 tháng?

Phải chăng đội bóng Thủ đô có sự toan tính trong việc ký hợp đồng với Quang Hải?

Sự lý giải cho câu hỏi trên như sau. Hà Nội FC có thể cầm “cán” để đàm phán với Quang Hải. Vì trường hợp anh không ký lại với đội bóng Thủ đô cũng đồng nghĩa ngồi chơi xơi nước hết lượt đi nếu muốn thi đấu cho một đội khác ở V.League, trong khi giải đấu đá 4 vòng đầu thì nghỉ đến 4 tháng.

Quang Hải có ba sự lựa chọn khi phải đàm phán với Hà Nội FC trong cảnh nói trên. Thứ nhất, Quang Hải không thể đòi hỏi quá cao nếu muốn ở lại Hà Nội FC. Thứ hai, Quang Hải chấp nhận ngồi chơi hết lượt đi, sau đó tới một đội khác ở V.League. Thứ ba, Quang Hải xuất ngoại khi thị trường chuyển nhượng mùa Hè mở cửa.

Hai trường đầu tiên có thể thấy Quang Hải lựa chọn như thế nào cũng đều thua thiệt. Nhưng lãnh đạo đội bóng Thủ đô không ngờ được Quang Hải chọn phương án thứ ba là xuất ngoại. Anh còn đặt ngược lại vấn đề là ký với mức phí kỷ lục và xuất ngoại trong năm 2022.

Sự lựa chọn của Quang Hải đã khiến cho Hà Nội FC phải bị động vì chọn cách chậm đàm phán hợp đồng mới. Vấn đề này còn có thể hiểu Hà Nội FC thiếu chuyên nghiệp, bởi trường hợp không có sự toan tính thì họ đã đi ngược xu thế chung về việc giữ chân cầu thủ.

Thị trường chuyển nhượng quốc tế đều phản ánh bức tranh chung là gia hạn hợp đồng với cầu thủ khi còn 1 năm, thậm chí là 2 năm. Họ phải chủ động để xác định cầu thủ có muốn tiếp tục gắn bó hay không, ngược lại sẽ bán để kiếm tiền.

Tất nhiên, bóng đá Việt Nam không chuyển dịch được như vấn đề nêu trên. Hầu hết chỉ có chuyện ký hợp đồng khi cầu thủ tự do. Các CLB V.League cũng không biết thu về sao cho hợp lý khi bán cầu thủ, thậm chí thường xuất hiện tranh cãi.

Với Hà Nội FC, họ mất Đình Trọng nhìn theo góc độ không hợp lý thì chia tay, nhưng rõ ràng mất trắng trung vệ này mà không thu được gì. Trường hợp của Quang Hải nếu chia tay thì không chỉ mất trắng mà còn là bài học, là cái giá phải trả cho sự thiếu chuyên nghiệp, cũng không loại trừ do sự toan tính bất thành.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất