Thể thao

VPF và bầu Đức, ai đúng?

Văn Nhân
Chia sẻ

V.League 2020 có nên "đá tập trung cách ly" như ý tưởng của VPF, hay theo phát biểu của bầu Đức phải chờ đến lúc hết dịch Covid-19 thì bóng hãy lăn trở lại?

1. Bóng đá không có khán giả sẽ chết. Câu nói có lẽ quá quen thuộc với người hâm mộ, đó cũng là một trong những lý do khiến các giải đấu hàng đầu châu Âu hoãn do dịch Covdi-19 có diễn biến phức tạp. 

Các giải đấu châu Âu tạm đóng cửa có một sự liên quan rất lớn đến chuyện khán giả đến sân. Vì dịch Covid-19 sẽ khiến cho CĐV không đến sân đông đảo, đồng nghĩa CLB thất thu lớn về tiền vé. Thế nên, họ phải hoãn thay vì chọn cách đá không khán giả.

Độc giả có thể nhìn qua lăng kính giải Đức (Bundesliga) với các đội bóng hàng đầu như Bayern Munich, Dortmund, Schalke 04… thì tiền vé chiếm đến 14% doanh thu. Đồng nghĩa đá không khán giả thì các CLB của Đức bị thất thu cực lớn. 

Ở Ngoại hạng Anh, La Liga, Serie A cũng thế. Ví dụ Juventus thu về 1,7 triệu euro/trận đấu nhờ tiền bán vé. Đội bóng của Ronaldo còn 7 trận trên sân nhà tại Serie A, nếu phải đá không khán giả thì sự thất thu lên đến 12 triệu euro. 

Ở các giải đấu lớn của châu Âu, trận đấu “đóng cửa” với khán giả thì không chỉ đơn giản là chuyện tiền vé, họ còn thất thu về kinh doanh các dịch vụ khác như ăn uống phục vụ cho CĐV… Nếu các CĐV mua vé mùa thì đội bóng phải hoàn lại tiền.

Rõ ràng, Covid-19 làm ảnh hưởng cực lớn đến các đội bóng về doanh thu nếu chọn cách đá không khán giả. Giải pháp đang được UEFA đưa ra cho các giải đấu hàng đầu châu Âu chính là tạm hoãn chứ không đá tập trung, hay đá không khán giả.

2. Nhắc lại câu nói cũ: Bóng đá không khán giả sẽ chết. Chỉ cần nhìn qua lăng kính tiền vé từ các giải đấu châu Âu để thấy CĐV đến sân quan trọng như thế với các CLB. Họ là chìa khóa quyết định sự sinh tồn cho các CLB. Vì đội bóng nào cũng cần kinh doanh tốt, có tiền mới mua được cầu thủ tốt để gặt hái thành công, hay quan trọng nhất là đảm bảo đội bóng không bị phá sản.

Cũng ở chủ đề Covid-19, V.League 2020 lại diễn ra theo cách ngược lại, đó là chọn cách đá không khán giả ngay từ lúc giải đấu bắt đầu từ vòng 1 và 2. Thậm chí, VPF còn lên cả phương án đá tập trung không khán giả ở miền Bắc. Đồng nghĩa VPF bỏ qua nguồn thu của các đội bóng về tiền vé bán cho CĐV. 

VPF đề xuất ý tưởng đá tập trung cách lý với việc “đóng cửa” khán giả. Đồng nghĩa họ khiến cho những đội bóng phía Nam và miền Trung bị thiệt thòi lớn về kinh tế lẫn yếu tố chuyên môn.

Ở sân chơi V.League, một trong những nguồn thu chính của các CLB chính là tiền vé (ngoài ra còn có tiền tài trợ, biển quảng cáo). Thật ngạc nhiên khi VPF không nghĩ đến doanh thu cho các đội bóng, thay vào đó chọn cách muốn bóng lăn, kể cả chiêu trò đi “vận đồng hành lang” CLB đồng ý với phương án đá tập trung.

Nếu phải đá tập trung thì những đội bóng phía Nam, miền Trung sẽ không có doanh thu về tiền vé. Họ cũng không thể “làm nghĩa vụ” trả lại quyền lợi cho nhà tài trợ. Đó là chưa tính đến chuyện kinh phí phát sinh từ việc phải tập trung thi đấu hết lượt đi ở miền Bắc. Về chuyên môn, những đội bóng không thuộc miền Bắc chắc chắn bị thiệt thòi do không được đá sân nhà nên không có nhiều CĐV cổ vũ, phải mất thời gian làm quen khí hậu, sân bãi…

3. Phải thật sự suy ngẫm với câu hỏi của bầu Đức về chuyện không tán thành kế hoạch đá tập trung của VPF: Đá bóng tập trung làm gì khi không có khán giả?

VPF muốn tổ chức giải làm gì trong bối cảnh dịch Codvi-19 phức tạp, còn các đội bóng thất thu về tiền vé, hay bóng đá Việt Nam từ lâu quen với chuyện làm bóng đá chỉ biết bỏ tiền theo mùa, sau đó đội nào rớt hạng thì gần như “chết chìm”.

Ở vế ngược lại, người trong cuộc lý giải nếu V.League 2020 không thể lăn bóng thì VPF thất thu với khoản tiền mỗi đội bóng lệ phí là 500 triệu đồng, các khoản tiền phạt, hoa hồng quảng cáo, tài trợ…

Rõ ràng, câu chuyện bóng đá bao giờ lăn trở lại trong thời điểm dịch Covid-19 thì liên quan rất lớn đến bài toán kinh tế. Nhưng cách các giải châu Âu và V.League làm thì ngược nhau. Sự khác biệt này có thể lý giải qua sự chuyên nghiệp và chưa chuyên nghiệp.

Và không thể bỏ qua một điều cực kỳ quan trọng là sự an toàn cho cầu thủ và khán giả ở mùa dịch Covid-19. Cũng chẳng có lãnh đạo bóng đá Việt Nam nào dám khẳng định bóng lăn khi chưa chấm dứt dịch thì họ làm tốt khâu kiểm tra y tế để đảm bảo sự an toàn cho cầu thủ và đội ngũ làm nhiệm vụ trận đấu. Vì ai cũng thấy có những vấn đề nhỏ hơn rất nhiều so với dịch Covid-19 như pháo sáng thì VPF đã bất lực như thế nào trong mùa bóng 2019, đến mức có sự cảnh báo nhưng vẫn để xảy ra chuyện khán giả bị thương.

Đặt trong kịch bản bóng lăn nếu có một cầu thủ, thành viên ban huấn luyện hoặc lãnh đạo bị nhiễm Covid-19 thì ai sẽ gánh trách nhiệm? 

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin mới nhất