Thể thao

Bóng đá Việt Nam bị bệnh gì, sao mãi rút 'dây kinh nghiệm'?

Văn Nhân
Chia sẻ

Sau 17 năm mang tiếng lên chuyên nghiệp nhưng V.League vẫn không bao giờ khắc phục được những căn bệnh nan giải và mỗi mùa giải đều xuất hiện tiếng chửi.

Chuyện luật bóng đá ở V.League

Sau những tranh cãi về trọng tài trong những ngày qua, ban trọng tài trả lời truyền thông có nhắc đến nhiều cụm từ về luật bóng đá, theo kiểu làm đúng luật. Thực sự, luật FIFA có quan trọng ở V.League?

Bóng đá thế giới có trường hợp nào như V.League khi phó ban trọng tài Dương Văn Hiền đi làm giám sát trọng tài? Sau đó, ông Hiền được cho là không ghi những sai sót của trọng tài Nguyễn Trọng Thư (con Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi) nên VPF quyết định thôi mời.

Ông Dương Văn Hiền từng dính vào tranh cãi lớn với VPF ở mùa này. Ảnh: H.Đ

Có luật nào của FIFA cho phép trọng tài bàn được căng cờ báo bù giờ 2 lần trong 1 hiệp đấu? Trọng tài Nguyễn Hiền Triết (trọng tài cấp FIFA) giơ bảng 2 lần ở trận Long An - Bình Dương (năm 2017).

Có luật nào cho phép trọng tài được phép hủy bàn thắng vì lý do thiếu fair - play? Trọng tài Phùng Đình Dũng (trọng tài cấp FIFA) hủy bàn thắng của đội Khánh Hòa ghi vào lưới Quảng Nam.

Nói thêm về chuyện áp dụng luật FIFA cho bóng đá, có giải đấu nào trên thế giới quy định cầu thủ lỡ phạm lỗi gây chấn thương cho đối thủ phải đền tiền như cách ông Trưởng ban kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường đang áp dụng cho giải đấu. Đáng nói, các đội bóng không phản ứng với điều này, dù đá bóng như thế khác nào đi bắt đền nhau.

Bóng đá thế giới có giải đấu nào được điều hành như V.League khi một người ngồi đến ba ghế quan trọng ở VPF (công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) như bầu Tú, dù chính ông Tú đang là thường trực VFF? Câu chuyện này đến mức phó ban trọng tài Dương Văn Hiền cũng lên tiếng nói là vừa thổi còi vừa đá bóng.

Bầu Tú bị chính phó ban trọng tài Dương Văn Hiền chỉ trích vừa thổi còi vừa đá bóng.

Vừa thổi còi vừa đá bóng, chính ông Dương Văn Hiền cũng như thế khi làm “sếp” trọng tài vẫn làm giám sát. Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi cũng từng ngồi vị trí phó ban tổ chức giải, tức đá cả hai sân.

Rất nhiều câu chuyện vô lý xảy ra ở sân chơi chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam nhưng vẫn tồn tại mãi!

Đến bệnh của V.League

Những trường hợp điển hình nêu trên chính là bệnh của V.League. Tất cả đang xuất phát từ việc quá rối ở vị trí đầu tàu của VPF đến Ban trọng tài. Chính họ chưa đúng thì làm sao giải đấu không rối và khó tạo được niềm tin cho người hâm mộ. Hệ lụy lớn hơn là chính người trong cuộc phản ứng.

Mùa này, Long An phản ứng với VPF về chuyện liên quan đến tiêu cực, dù chỉ được cảnh báo những nêu tên khiến cho CLB mất uy tín. CLB Bình Dương, SLNA trách VPF ưu ái CLB Hà Nội.

Hơn hết, dư luận, bầu Đức, bầu Thắng phản ứng chuyện bầu Tú ngồi nhiều ghế. Ban trọng tài đối đầu với VPF, không chỉ lời qua tiếng lại trên báo chí mà còn xuất hiện băng ghi âm văng tục.

Gần nhất, lãnh đạo VPF và ban trọng tài liệu có thuyết phục được dư luận khi trọng tài Nguyễn Trọng Thư trong hai mùa liên tiếp đều rơi vào tình trạng bị nghỉ ngang, nhưng cuối cùng vẫn trở lại làm việc một cách bình thường. Nếu ông Thư tiếp tục mắc sai sót nghiêm trọng thì hậu quả rất khó lường đối với giải đấu, khi nhiều CLB lẫn người hâm mộ đã có định kiến quá lớn.

Trọng tài Nguyễn Trọng Thư được VPF mời trở lại V.League 2018, dù mới tham gia 7 trận đã có 4 trận có mặt đội Quảng Ninh.

Sân chơi chuyên nghiệp muốn tốt thì cần có sự phối hợp giữa VPF, CLB, Ban trọng tài. Vậy mọi thứ liệu có tốt hay chưa? Không hề có. Chỉ có lùm xùm đi kèm tranh cãi khiến dư luận ngán ngẩm đến mức quen lắm rồi.

Đặc biệt, câu chuyện 1 ông chủ ảnh hưởng đến nhiều đội bóng. Một lãnh đạo CLB chia sẻ với Saostar về điều này: “Tạo ra hệ lụy các đội bóng khác, người ta biết mà không dám nói ra. Tôi nghĩ sẽ tồn tại hoài”.

Rõ ràng, V.League muốn chấn chỉnh mọi thứ cho tốt lên, từ công tác trọng tài đến giảm chuyện lùm xùm, thì phải làm từ vị trí những người đầu tàu. Đừng để các CLB tham gia cảm thấy bị o ép, thiếu công bằng từ chính những người có trách nhiệm với giải đấu.

Thượng bất chính hạ tắc loạn. Đó là bệnh của V.League thay vì cứ thấy trọng tài sai lại chỉ trích họ, điệp khúc này quá quen thuộc. Chỉ trích hay cấm vĩnh viễn, treo còi, chỉ là vấn đề nổi, vì câu chuyện này xuất hiện nhiều năm qua nhưng chưa thấy những người đầu tàu đứng ra nhận trách nhiệm, chỉ thấy đổ lỗi, “chuyền bóng”, cuối cùng huề cả làng!

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin mới nhất