Thể thao

U23 - chuyện tình, chuyện tiền

Theo LĐO
Chia sẻ

Một công ty truyền thông tung ra “báo giá” với thủ môn Tiến Dũng khiến nhiều người choáng váng. 

Báo giá rất cụ thể: Một bài đăng (status) quảng cáo trên trang cá nhân thủ môn Bùi Tiến Dũng có giá 2.500 USD (khoảng 57 triệu đồng), 1 lần livestream 1 tiếng, có giá 5.000 USD (hơn 110 triệu đồng). Một lần tham gia sự kiện là 10.000 USD (gần 230 triệu đồng) và 1 lần đăng ảnh, check in tại sự kiện là 5.000 USD (hơn 110 triệu đồng)…

Khoan nói về tính hợp pháp của “báo giá” này, dù BHL đội Thanh Hóa đã nhanh chóng đưa ra thông báo khẳng định, Tiến Dũng là “tài sản có tính độc quyền” của họ. Vấn đề gây choáng ở đây là việc 1 tài năng bóng đá sau thành công, bỗng nhiên có rất nhiều tiền, rất dễ kiếm tiền, có thể là những bài học đau lòng mà bóng đá Việt Nam từng chứng kiến.

Bảng giá quảng cáo của Bùi Tiến Dũng do một công ty truyền thông đưa ra.

1. Gần 20 năm trước, chính xác là 18 năm, VCK U16 Châu Á tổ chức ở sân Chi Lăng - Đà Nẵng. Đội U.16 Việt Nam được đặc cách với tư cách chủ nhà nhưng đã có 1 giải đấu tuyệt vời. Hai cái tên nổi bật, chính là 2 tiền đạo: Phạm Văn Quyến quê Nghệ An và Nguyễn Ánh Cường - quê Hà Tĩnh.

Những cú sút kiểu “lá vàng rơi”, những pha bóng lắt léo mê hoặc Văn Quyến, Ánh Cường lập tức được ví như những thần đồng. Từ những cậu bé chăn trâu, vụt thành người được tất cả mến mộ, báo chí săn đón và cuộc đời chuyển sang 1 trang khác. Chỉ 2 năm sau, khi ông HLV Dido của Brazil gọi cả Quyến và Cường lên đội tuyển U.23 thì người ta bắt đầu nhận ra những sự thay đổi, từ cách trả lời bất cần các phóng viên cho đến những điếu thuốc lá mà những cầu thủ này dấm dúi hút khi chưa đến tuổi 18.

Văn Quyến từng là ngôi sao nổi lên từ VCK U16 châu Á.

Rất nhiều người còn nhớ hình ảnh Văn Quyến - người được thưởng chiếc xe Toyota Vios sau SEA Games 22 năm 2003. Hai mươi tuổi với chiếc xe hơi (tất nhiên là sau đó phải bán đi chỉ để nhận % theo quy định của CLB), những bản hợp đồng quảng cáo đầu tiên. Các HLV đã đào tạo nên 1 cầu thủ giỏi, rất giỏi nhưng không ai dạy Quyến, Cường cách quản trị cuộc đời, dạy họ cách sử dụng đồng tiền.

Chính tư duy trọng đồng tiền, hoặc chỉ giản đơn là “đá thắng nhưng có tiền vẫn không phải là bán độ” đã tạo ra 1 cơn khủng hoảng thực sự đối với bóng đá nước nhà sau sự kiện Bacolod. 7 cầu thủ trong đó có Văn Quyến, Quốc Vượng, Văn Trương… bịt bắt vì dính líu tới bán độ. Tất cả chỉ hơn 100 triệu cho 1 trận thắng, quá rẻ, nhưng cái giá phải trả quá đắt: cả một lứa cầu thủ trẻ đầy tài năng tan hoang sau cơn bão tiêu cực.

Giá như ai đó dạy Quyến, khi đó cũng chỉ là lứa U23 như các em U23 vừa dự U23 Châu Á trở về biết cách đi trên mặt đất, biết cách đầu tư về nghề nhiều hơn. Có lẽ cuộc đời Quyến và nhiều cầu thủ khác đã rất khác. Bóng đá Việt Nam chắc cũng không phải chờ quá lâu như thế này để có được thành công tầm Châu lục.

Còn nhiều cầu thủ khác, nhiều sự kiện khác khiến cầu thủ trẻ rơi rụng vì tiền dễ kiếm quá: Bán độ, cờ bạc, ma túy. Liệu đó đã là những bài học?.

Đồng tiền đã “giét chết” một thế hệ cầu thủ tài năng của BĐVN.

Chưa bao giờ thừa. Một BLV bóng đá - anh Bá Phú- dẫn lại câu chuyện mà ngôi sao Zlatan Ibrahimovic đã viết trong cuốn tự truyện nổi tiếng “Tôi là Zlatan” (đã có bản tiếng Việt qua bản dịch rất hay của Trần Minh)

“Mày nghĩ mày ngon. Mày nghĩ mày có thể gây ấn tượng với cái đồng hồ của mày, cái áo khoác của mày và cả chiếc xe Porsche của mày. Nhưng với tao, mấy thứ đó là rác rưởi. Tao còn thấy mày ngu nữa.

Giờ mày trả lời cho tao biết: Mày có muốn trở thành cầu thủ đỉnh nhất thế giới không? Hay mày chỉ muốn kiếm nhiều tiền để đi giật le với đám đồ xa xỉ của mày?

Zlatan: Tôi muốn trở thành số 1

Raiola: Ok. Lựa chọn tốt đấy. Vì khi đã trở thành số 1 thì tiền tự nhiên sẽ chảy về túi mà “y như nước mà thôi. Còn nếu mày chỉ cần tiền thì sự nghiệp của mày coi như vứt đi. Hiểu không?” - Trích đoạn trong tự truyện “Tôi là Zlatan”.

Zlatan và “cò” chuyển nhượng Raiola

Câu hỏi là, với thành công của U23 Việt Nam hiện nay, ai sẽ đóng vai Mino Raiola- tay quản lý khét tiếng của Zlatan - khi có thể hét vào mặt cầu thủ rằng: “Tiền bạc, xe cộ chỉ là thứ rác rưởi, hãy luyện tập, luyện tập và luyện tập và nếu mày chỉ cần tiền thì sự nghiệp của mày coi như vứt đi”.

Để có 1 cầu thủ giỏi, cần đào tạo 10 năm. Để có 1 đội tuyển giỏi, cần ít nhất 5 năm. Để vui với 1 thành công mang tính lịch sử, có thể 1 năm sau mới hết dư âm của nó. Thế nhưng, để hủy hoại cầu thủ, chỉ cần vài tháng.

2. Tiền! tất nhiên là rất cần. Khi các em thành công thì phải được đền đáp một cách xứng đáng. Thật sự nhiều người cần tiền, như Xuân Mạnh chẳng hạn, ước mong của cầu thủ này là có tiền để trả nợ cho bố mẹ.

Nhưng tiền có thể sẽ là nguyên nhân của sự rạn nứt, của những xung đột mà người ta rất khó hình dung trước khi thành công.

Báo chí, cộng đồng mạng bắt đầu tính xem mỗi cầu thủ U23 nhận được bao nhiêu tiền, 500 triệu hay 1 tỉ. Đôi khi việc chia tiền lại còn khó khăn hơn cả việc kiếm ra nó. Tất nhiên, với bóng đá thì khoản này khá minh bạch vì tất cả đã thống nhất mức chia tiền (nếu có từ trước).

Theo “ba-rem” phân loại A-B-C, ai đá chính, ai dự bị, ai vào sân bao nhiêu phút, rồi HLV thế nào, bác sĩ, nhân viên phục vụ ra sao có cả cứ thế mà chia ra không cãi. Thế nên, bảo rằng có một số thành phần ăn hôi kiểu “lanh chanh” ké cẩm đòi tiền thưởng là không có.

Có những người ví von kiểu, cầu thủ bỗng nhiên có tiền thưởng, cả tỉ bạc “rơi vào đầu” giống như thời bán đất được giá, chia cho các con nhưng đã ai thống kê rằng, có bao nhiêu gia đình tan nát, con cái nghiện ngập khi có 1 đống tiền mà không biết cách tiêu hay không biết cách chia.

20 tỉ, thậm chí 30 tỉ không phải là nhiều đối với 1 đội bóng. Số tiền ấy chỉ ngang 1 căn biệt thự “tầm tầm” ở Hà Nội. Hoặc ngay trong lĩnh vực bóng đá, 10 năm trước, đã có những hợp đồng chuyển nhượng lên tới 9 tỉ, 10 tỉ.

Vấn đề với các cầu thủ không phải là chuyện họ được bao nhiêu sau thành công của U23 Việt Nam, mà là cách ứng xử với tiền bạc trong tương lai thế nào.

Sau chiến thắng này, mỗi cầu thủ sẽ có thêm những giá trị gia tăng và cần biết tận dụng chứ không phải tư duy ăn xổi.

Chúng ta sẽ lãng phí chiến thắng ngày hôm nay, nếu chỉ biết mài ánh hào quang ra để kiếm tiền theo kiểu lợi dụng hình ảnh của đội, lợi dụng hình ảnh cầu thủ để chạy theo những chiến dịch makerting chộp giật. Chiến thắng nào rồi cũng đi qua, niềm vui nào rồi cũng dành chỗ cbo sự chiêm nghiệm.

3. Làm gì để chiến thắng của U23 trở thành cảm hứng khơi nguồn cho thứ “kinh tế bóng đá thực sự”? Đó là việc cần bàn và làm ngay.

Bóng đá sở dĩ trở thành môn thể thao vua không chỉ vì nó có sức hút mãnh liệt mà còn được gây dựng bởi đế chế ăn theo khổng lồ. Đó là câu chuyện bản quyền truyền hình, là câu chuyện cá cược hợp pháp, các ngành dịch vụ về quần áo, đồ lưu niệm đi kèm. Đó là chưa kể việc phát triển thị trường chuyển nhượng, đào tạo cầu thủ trẻ biến việc này thành một “ngành công nghiệp”.

Số tiền thưởng 20-30 tỉ hôm nay chẳng là gì nếu biết biến chiến thắng hôm nay, gây dựng nó thành một đế chế tỉ USD. Có người phân tích khá thấu đáo, rằng: “Kiếm tiền cũng như chơi bóng đá. Chẳng có đế chế tỉ đô nào được tạo dựng thật nhanh mà quên đi 2 nền tảng: Lợi nhuận và Đạo đức. Nếu chỉ được thu tiền bán vé vào cửa, thì có lẽ, giá chuyển nhượng những ngôi sao sáng nhất trên sân cỏ, cũng chỉ ngang ngửa với giá của đôi giầy dưới chân họ mà thôi. Phải thu được tiền mới đầu tư. Đầu tư mọi thứ cốt yếu nhất để thu được tiền, thật nhiều tiền. Đó là một thứ vòng quay. Tiền để tạo ra các ngôi sao. Các ngôi sao để tạo ra đội bóng. Đội bóng tạo ra chiến thắng, tạo ra niềm vui và “thao túng” tình yêu, trái tim của các CĐV. CĐV sẽ trả tiền cho thứ họ yêu thích mà không cần đắn đo”.

Người hâm mộ Việt Nam đổ xô ra đường mừng chiến thắng của U23 Việt Nam.

Cần phải nhớ rằng, giải U23 là giải đấu để tìm kiếm và phát hiện, trong đó có việc phát hiện ra những cái tên có tiềm năng để đầu tư.

Đừng trách 1 công ty truyền thông đi đêm để ký hợp đồng với 1 cầu thủ trước khi U23 thành công và bây giờ họ bung ra các hợp đồng ấy; đừng trách các doanh nghiệp nhân đà đánh bóng tên tuổi bằng cách thưởng tiền cho U23, cũng đừng trách 1 hãng hàng không dùng “chiêu trò” để làm makerting với chuyến bay của mình - dù chiêu trò đó bị phê phán… Đó là kiểu đầu tư và thu hoạch ngắn hạn. Có thể cần, nhưng không đủ.

4. Một trong những hình ảnh gây xúc động được lan truyền trên mạng, không phải là những người hùng U.23 bây giờ. Đó là hình ảnh ông bầu Đoàn Nguyên Đức ngồi trên chiếc ghế mộc mạc, bên cạnh là những cầu thủ như Công Phương, Tuấn Anh, Hồng Duy, Xuân Trường … chỉ 9,10 tuổi.

Hơn 10 năm trước, khi bầu Đức nói rằng, sẽ nuôi lứa cầu thủ và có thể bán ra thị trường chuyển nhượng thế giới thấp nhất mỗi cầu thủ 2 triệu USD (khoảng 40 tỉ) thì ai cũng cười cho rằng ông Đức lạc quan tếu. Thậm chí sau này, ông còn nói rằng, đào tạo lứa cầu thủ Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng là…tặng không cho đội tuyển. Hầu hết đều cho là ông Đức “nổ”.

Bầu Đức là người tâm huyết với BĐVN.

Nói thật ít, làm thật nhiều và chứng minh bằng giá trị thực tế. Bầu Đức, bầu Hiển và những ông bầu 5-10 năm trước đầu tư vào bóng đá trẻ đã đúng. Đó là những doanh nhân có tầm nhìn trên 10 năm, biết đầu tư và chờ cơ hội. Có lẽ, chính vì thế mà họ là số ít trong đám đông, là những người giàu có, tài sản ngàn tỉ.

5. Vĩ thanh. Hãy để cho các em được tiếp tục lao động, được hưởng thành quả lao động một cách chính đáng. Xã hội và những người có trách nhiệm cần dạy và hướng dẫn các em làm chủ cuộc đời mình trước khi bị dòng đời và dòng tiền xô đẩy. Hãy nghĩ xa hơn, hãy biến chiến thắng hôm nay là khởi đầu cho những giá trị của tương lai. Bất kỳ sự vội vàng nào cũng sẽ làm hỏng những hạt giống tốt, gặt lúa non có thể giải quyết cơn đói tức thì nhưng rõ ràng không phải cách để chúng ta ấm no…

Chia sẻ

Bài viết

Theo LĐO

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất