Thể thao

Tuyển Việt Nam, bầu Đức và 'nỗi lo phím enter' ở ASIAN Cup 2019

Văn Nhân
Chia sẻ

Vinh quang trong bóng đá có thể nói là cái đích cuối cùng để mọi đội bóng, cầu thủ, HLV, người làm bóng đá hướng đến nhưng thời gian có thể khiến mọi thứ đi vào quên lãng.

Khi một đội bóng lên đỉnh vinh quang cũng là thời khắc chấm dứt một hành trình chinh phục đỉnh cao. Cũng có thể tạm ví như phím enter để xuống dòng và tiếp tục viết tiếp, hoặc kết thúc.

Phím enter cũng là thứ đáng sợ của những “HLV online”, hay gọi vui là “anh hùng bàn phím”. Mọi lời chỉ trích sẽ được kết thúc bằng phím enter để bình luận, “ném đá” trong bóng đá với bất kỳ đội bóng, cá nhân nào. Đến một người thầm lặng như bầu Đức cũng ngán ngẩm nói về chuyện bị “ném đá” là 12 năm xây Học viện Bóng đá HAGL phải đội 12 mũ cối.

Bầu Đức từng tạo nên cơn sốt với lứa Công Phượng trình làng khán giả Việt Nam cuối năm 2013. Một làng gió mới mang đến sự hồi sinh cho nền bóng đá chẳng khác nào cảnh chợ chiều, với nhiều tiếng chửi, chê trách, xen lẫn tiêu cực khiến người hâm mộ từng nói thà ở nhà xem tivi còn hơn ra sân xem những thằng bán độ. Đó là tiếng chửi của CĐV Đồng Nai sau khi nhiều cầu thủ bị bắt vì tiêu cực ở V.League.

Bầu Đức là minh chứng cho ranh giới giữa bị “ném đá” và ngợi ca của bóng đá Việt Nam.

Nhưng yêu rồi cũng không ít người ghét. Thời điểm năm 2015, lứa Công Phượng cứ bị chỉ trích vì đá thua. Tất cả quên mất họ mới 19 tuổi đá chuyên nghiệp. Vì 19 tuổi với một ngôi sao có thể khác biệt nhưng một tập thể thì chỉ gọi là học việc, tích lũy kinh nghiệm. Nhưng định kiến xuất hiện, nhiều ý kiến không quan trọng quá trình, chỉ nhìn tỷ số để “nhấn enter” chỉ trích.

Bầu Đức cũng là minh chứng rõ nhất. Năm ngoái, ông chủ CLB HAGL bị chê trách không tiếc lời vì U22 Việt Nam thua ở SEA Game. Còn thời khắc tuyển Việt Nam vô địch thì hàng triệu người gọi tên bầu Đức - người hùng thầm lặng của bóng đá Việt Nam. Ranh giới giữa “ném đá” và ngợi ca trong bóng đá rõ ràng có khoảng cách rất gần. Cũng như chẳng ai biết ngày nào đó liệu bầu Đức có bị “các anh hùng bàn phím” chửi hay không.

Bây giờ, tuyển Việt Nam đã trở thành nhà vô địch AFF Cup 2018 và chuẩn bị dự ASIAN Cup 2019. Câu hỏi đặt ra vinh quang có thể kéo dài được bao lâu?

Một tờ báo của Iran nhận xét bóng đá Việt Nam tiến bộ chậm. Họ nêu ra chuyện làm nên kỳ tích vào tứ kết ASIAN Cup năm 2007, vô địch AFF Cup 2008. Nhưng Việt Nam phải chờ 11 năm để trở lại ASIAN Cup 2019, mất 10 năm để vô địch AFF Cup 2018. Nếu xâu kết từ đỉnh vinh quang đến hành trình trở lại ngôi vương AFF Cup thì thật sự là bóng đá Việt Nam đã phát triển chậm.

Bóng đá thực sự không có khái niệm nào dành cho nhà vô địch. Trụ được trên đỉnh vinh quang bao lâu là điều không thể nói được. Nhưng chắc chắn rằng, sau vinh quang có thể đón nhận những lời cay đắng nếu không trụ lại được.

Tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 nhưng ASIAN Cup là sân chơi hoàn toàn khác biệt.

Người Đức mất ròng rã 20 năm để lên đỉnh World Cup năm 2014. Bốn năm sau, họ nhận đủ chỉ trích khi rời nước Nga ngay từ vòng bảng World Cup 2018. Thậm chí, HLV Joachim Loew bị các fan đòi sa thải, xem như người hết thời.

Thực ra, bóng đá rất nghiệt ngã. Đâu chỉ Joachim Loew bị chỉ trích, HLV Mourinho là ví dụ. Mourinho từng đứng trên đỉnh cao sự nghiệp, kéo dài rất lâu và khiến nhiều người ngưỡng mộ. Cuối cùng, Mourinho rời Man United trong tiếng chê trách, nhiều người còn xem ông chẳng bằng một HLV mới học việc, chưa có thành tích gì đáng nói như Ole Gunnar Solskjær.

Điểm chung này đến từ đâu? Đó là phần lớn thích nhìn theo kiểu giọt mức trên tờ giấy trắng.

Đó là nỗi lo cho bóng đá Việt Nam trong năm 2019 sau một năm rực rỡ từ U23 đến tuyển Việt Nam. Nếu có xảy ra thì hy vọng rằng mỗi chúng ta hãy nhớ về những ngày đi bão trong niềm hân hoan tột cùng, đừng “ném đá” họ như cách làm với lứa cầu thủ vô địch AFF Cup 2008. Vui trong vinh quang, còn thất bại thì chửi.

Dĩ nhiên, những người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam cần rút ra bài học từ năm 2008, sau vinh quang đừng để tụt dốc. Vì vinh quang trong bóng đá ngắn ngủi lắm. Quan trọng là cần nhìn lại một hành trình để có những đi tiếp theo thật tốt. Hay đúng hơn, bóng đá Việt Nam muốn tiến lên thêm một bước sau chức vô địch thì cần có thêm sự lao động, sự đóng góp đúng nghĩa, sự ý thức được tư thế của mình đang ở đâu.

Bầu Đức khuyên rằng muốn bóng đá Việt Nam phát triển thì cần tiếp tục làm tốt công tác đào tạo trẻ. Có thêm nhiều lò đào tạo, Học viện mới là gốc rễ để bóng đá nước nhà đi lên.

Vinh quang trong bóng đá, phím enter cách nhau rất gần. Mong rằng sau chức vô địch AFF Cup 2018 thì bóng đá Việt Nam sẽ tiến bộ, tránh xe vết đổ của năm 2008.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất