Thể thao

Từ 3 triệu đồng của Phan Văn Đức đến chuyện tiền lương CLB HAGL

Văn Nhân
Chia sẻ

Nhiều cầu thủ HAGL đã nhận mức lương 40 triệu/tháng, một con số đáng suy ngẫm trong bối cảnh mặt chung tiền lương của bóng đá Việt Nam vẫn rất thấp.

Theo thông tin của Saostar, những cầu thủ HAGL như Văn Toàn, Văn Thanh, Tuấn Anh… đã nhận mức lương 40 triệu/tháng. Bầu Đức đã sớm nâng lương cho các trụ cột sau những gì họ đã cống hiến cho đội bóng phố Núi. Tất nhiên, con số này chưa tính thêm các khoản thưởng từ CLB HAGL. 

Cần nhắc, lứa Công Phượng đã nhận được mức lương 15 - 20 triệu đồng/tháng kể từ khi lên đá V.League 2015, tức thời điểm những cầu thủ này chỉ ở độ tuổi 18-20. Vấn đề là bầu Đức không chuyển hết vào tài khoản các cầu thủ, phần lớn được gửi về cho gia đình các cầu thủ. Bầu Đức quyết định uốn nắn các cầu thủ HAGL ngay từ ngày đầu lên chơi chuyên nghiệp, từ cách quản lý tiền bạc đến chuyện giúp đỡ gia đình. Vì các cầu thủ trẻ thì chuyện ăn - ở đều ở Học viện HAGL, còn sinh hoạt cũng không phải tiêu xài tiền nhiều. Ông chủ CLB HAGL không muốn các cầu thủ sớm học cách tiêu tiều phung phí, dễ xảy ra những hệ lụy xấu khi bóng đá Việt Nam có quá nhiều bài học về những ngôi sao sa ngã trên đỉnh vinh quang. Thậm chí, nhiều người sở hữu đến cả triệu đô vẫn gần như trắng tay sau khi giải nghệ.

Một số ý kiến cho rằng lương của cầu thủ HAGL như thế là thấp. Vì nhiều ngôi sao ở V.League có mức lương ngất ngưởng lên đến 6- -80 triệu đồng/tháng. Vậy mặt chung liên quan câu chuyện tiền lương ở V.League như thế nào?

Cuối năm 2018, mẹ tiền vệ Phan Văn Đức chia sẻ với Saostar về sự nghiệp của con trai. Bà Vũ Thị Hiền nói: “Đức đi đá bóng phải được 11 năm, trải qua nhiều thăng trầm. Cách đó hai năm (năm 2016), Đức chỉ được trợ cấp vài trăm nghìn. Tiền đó chỉ đủ mua kem đánh răng, xà phòng, còn cô phải cho thêm tiền tiêu vặt. 

Năm ngoái (năm 2017), Đức lên đội I SLNA thì có lương hơn 3 triệu/tháng. Sau U23 châu Á 2018, Đức được nâng lương lên 7 triệu đồng/tháng. Thế nên, Đức chỉ đủ trang trải cho bản thân. Nhưng được như thế thì cô vui lắm rồi. Cô nhớ mãi năm cháu đi đá U19 thì trước ngày lên đường còn điện về xin cô tiền mua đôi giày…”.

Quế Ngọc Hải - đội trưởng tuyển Việt Nam từng có thời điểm suýt nghỉ đá bóng do không có tiền trả việc phí cho Anh Khoa từ “án phạt kỳ lạ” nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Ngọc Hải là cầu thủ trẻ, lương không cao nên không biết “đào” đâu ra con số hơn 800 triệu đồng. Sau đó, bầu Đức cứu bằng cách cho 400 triệu đồng. Vậy mức lương của Ngọc Hải như thế nào trong nhiều năm qua?

Thời lên đá đội I SLNA, Ngọc Hải may mắn hơn Phan Văn Đức là nhận mức lương 5 triệu đồng/tháng. Sau đó, Ngọc Hải nhận lương hơn 12 triệu đồng/tháng. Hai năm cuối ở SLNA, Ngọc Hải có mức lương 20 triệu đồng/tháng. 

Mặt bằng chung của bóng đá Việt Nam là những cầu thủ trẻ phần lớn có mức lương 8-10 triệu đồng, chỉ có những cầu thủ sớm khẳng định tài năng ở cấp các ĐTQG và trụ cột CLB thì lương nâng lên 12 triệu đồng, có người may mắn thì 20 triệu đồng. Một số đội bóng có sự đặc cách thì lương cao lên tầm 25-30 triệu đồng/tháng như Quang Hải ở Hà Nội FC, dù Quang Hải vẫn đang độ tuổi nhận lương đào tạo.

Tất nhiên, những cầu thủ trẻ khác có thể nhận mức lương cao hơn gấp đôi con số 20 triệu. Đó là những người may mắn sớm được ký hợp đồng chuyên nghiệp khi rời đội bóng vì những lý do khách quan. Ví dụ như thủ môn Bùi Tiến Dũng rời Thanh Hóa đến Hà Nội FC, sau đó đến TPHCM với bản hợp đồng 3 năm thì mức lương khá cao. Nhưng thời anh còn ở CLB Thanh Hóa chỉ nhận được 10 triệu đồng/tháng, sau đó đặc cách nhận gấp đôi là 20 triệu đồng.

Một trường hợp khác là những cầu thủ được cho mượn đến các đội bóng ở nước ngoài. Ví dụ như Xuân Trường, Công Phượng từng nhận mức lương lên đến 10 nghìn USD/tháng khi ra nước ngoài thi đấu. Đoàn Văn Hậu nhận lương 20 nghìn USD/tháng (lương sau thuế). 

Các cầu thủ HAGL nhận được sự đãi ngộ cao so với mặt bằng chung bóng đá Việt Nam ngay từ nhỏ, họ còn là một tập thể gắn kết giống như đại gia đình.

Nhìn về mặt bằng chung của bóng đá Việt Nam, CLB HAGL rõ ràng đang trả lương cao cho các cầu thủ, kể từ lúc họ bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp đến hiện tại. Nên nhớ, những cầu thủ HAGL còn là sản phẩm được đào tạo từ bé, công sức của đội bóng phố Núi là cực lớn từ chuyện cho các cầu thủ ăn học, tập bóng đá và những lần ra nước ngoài thi đấu. Bầu Đức cũng không chỉ lo cho đội I mà có khoảng 200 con người đang ở Học viện bóng đá HAGL - JMG.

Cũng từ một quá trình dài từ tuổi thơ đến cầu thủ chuyên nghiệp ăn ở, học hành, tập luyện và thi đấu cùng nhau, các cầu thủ HAGL gắn bó giống như một đại gia đình. 

Đó cũng là lý do những Văn Toàn, Tuấn Anh nói thẳng trên mặt báo là không muốn rời CLB HAGL. “Tôi muốn toàn tâm ý chơi bóng tại HAGL. Tôi sẽ không đi đâu hết. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được tập luyện mỗi ngày, mỗi tuần được ra sân cỏ thi đấu, chiến đấu vì màu cờ sắc áo HAGL”, Tuấn Anh nói.

Tiền vệ Minh Vương cũng khẳng định không có nơi nào tốt hơn CLB HAGL để đi. Minh Vương khẳng định nếu có lời mời từ một CLB nước ngoài hay trong nước thì anh vẫn nói: “Tôi chọn CLB HAGL”.

Từ câu chuyện đãi ngộ đến bản sắc và văn hóa của CLB HAGL thực sự mang đến nhiều giá trị suy ngẫm cho bóng đá Việt Nam. Vì không phải cầu thủ nào cũng may mắn được nuôi dưỡng trong một môi trường tử tế, có sự đãi ngộ cao và chỉ việc tập trung chơi bóng như các cầu thủ HAGL.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin mới nhất