Thể thao

Trưởng ban kiểm soát VPF: 'Các ông ấy tự làm hết, tôi không được biết gì cả'

Văn Nhân
Chia sẻ

Trưởng ban kiểm soát VPF - ông Lê Hồng Cường đã có cuộc trả lời phỏng vấn Saostar về những bất cập của VPF, khi ông gần như không biết gì về các hoạt động của Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam.

- Từ thời điểm được chọn làm Trưởng ban kiểm soát VPF, ông có họp với Hội đồng quản trị lần nào chưa, thưa ông?

Chưa.

- Vì sao ông chưa bao giờ họp với Hội đồng quản trị, chẳng lẽ ông không được mời?

Tôi có được mời một lần vào tháng 12 năm ngoái. Thế nhưng, mẹ tôi bị mất nên xin phép vắng mặt. Đúng lần đấy thôi.

Ông Lê Hồng Cường- Trưởng ban kiểm soát VPF.

- VPF nhiệm kỳ mới đã hơn 4 tháng, Hội đồng quản trị chẳng lẽ chỉ mới họp một lần?

Tôi không rõ có mấy lần rồi nhưng tôi chỉ được mời đúng 1 lần.

- Thế VPF trong thời gian qua mua xe ô tô mới, cụ thể là ngày 23/2 với giá 1 tỷ 180 triệu đồng, ông là Trưởng ban kiểm soát có biết gì về điều này?

Không. Tôi không nắm được đâu.

VPF mua xe ô tô mới tiền tỉ nhưng Trưởng ban kiểm soát cũng không hề hay biết.

- Thế bao nhiêu chuyện như đòi thanh lý hợp đồng và ký lại với Next Media, ông đều không biết?

Không. Thanh lý hợp đồng thì tôi cũng không biết. Ký tài trợ mới thì tôi cũng không biết. Họ chả báo gì Ban kiểm soát cả, các ông ấy tự làm thôi. Có lần tôi bảo sao giống doanh nghiệp tư nhân quá.

- Thế tại sao Hội đồng quản trị không mời ông đi họp để làm đúng vai trò Trưởng ban kiểm soát, ông Trần Anh Tú (Chủ tịch Hội đồng quản trị) chẳng lẽ không giải thích gì với ông sau nhiều chuyện xảy ra ở VPF?

Tôi có trao đổi mấy lần rồi. Tôi yêu cầu Hội đồng quản trị với Ban Tổng giám đốc báo cáo tình hình thay đổi như thế nào. Thế nhưng, tôi không nhận được câu trả lời.

- Sắp tới, VPF có Tổng giám đốc mới, ông có biết?

Tôi chỉ nghe nói có 3 gương mặt thôi, còn chưa nói gì cả.

- Vai trò Ban kiểm soát VPF là rất quan trọng nhưng không được tham gia nhiều chuyện quan trọng của VPF trong thời gian qua, ông nghĩ thế nào?

Chúng tôi được các cổ đông bầu lên ở Đại hội. Sau đó, chúng tôi thay mặt cổ đông để kiểm soát các hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc. Tôi nghĩ các anh ấy chưa nắm được hết nên chưa đề cao vai trò của Ban kiểm soát.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Saostar xin được trích điều lệ về vai trò của Ban kiểm soát VPF:

ĐIỀU 59. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA BAN KIỂM SOÁT

1. Ban kiểm soát thực hiện giám sát Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty.

2. Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; tính hệ thống, nhất quán và phù hợp của công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính.

3. Thẩm định tính đầy đủ, hợp pháp và trung thực của báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hằng năm và 06 tháng của công ty, báo cáo đánh giá công tác quản lý của Hội đồng quản trị và trình báo cáo thẩm định tại cuộc họp thường niên Đại hội đồng cổ đông.

4. Rà soát, kiểm tra và đánh giá hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro và cảnh báo sớm của công ty.

5. Xem xét sổ kế toán, ghi chép kế toán và các tài liệu khác của công ty, các công việc quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết hoặc theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông hoặc theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 24 của Điều lệ này.

6. Khi có yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 24 của Điều lệ này, Ban kiểm soát thực hiện kiểm tra trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Ban kiểm soát phải báo cáo giải trình về những vấn đề được yêu cầu kiểm tra đến Hội đồng quản trị và cổ đông hoặc nhóm cổ đông có yêu cầu. Việc kiểm tra của Ban kiểm soát quy định tại khoản này không được cản trở hoạt động bình thường của Hội đồng quản trị, không gây gián đoạn điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.

7. Kiến nghị Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông các biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, giám sát và điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.

8. Khi phát hiện có thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc vi phạm quy định tại Điều lệ này thì phải thông báo ngay bằng văn bản với Hội đồng quản trị, yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả.

9. Có quyền tham dự và tham gia thảo luận tại các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và các cuộc họp khác của công ty.

10. Có quyền sử dụng tư vấn độc lập, bộ phận kiểm toán nội bộ của công ty để thực hiện các nhiệm vụ được giao. 11. Ban kiểm soát có thể tham khảo ý kiến của Hội đồng quản trị trước khi trình báo cáo, kết luận và kiến nghị lên Đại hội đồng cổ đông.

12. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Điều lệ công ty và nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

ĐIỀU 60. QUYỀN ĐƯỢC CUNG CẤP THÔNG TIN CỦA BAN KIỂM SOÁT

1. Thông báo mời họp, phiếu lấy ý kiến thành viên Hội đồng quản trị và các tài liệu kèm theo phải được gửi đến Ban kiểm soát cùng thời điểm và theo phương thức như đối với thành viên Hội đồng quản trị.

2. Các nghị quyết và biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị phải được gửi đến Ban kiểm soát cùng thời điểm và theo phương thức như đối với cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị.

3. Báo cáo của Tổng giám đốc trình Hội đồng quản trị hoặc tài liệu khác do công ty phát hành được gửi đến Ban kiểm soát cùng thời điểm và theo phương thức như đối với thành viên Hội đồng quản trị.

4. Ban kiểm soát có quyền tiếp cận các hồ sơ, tài liệu của công ty lưu giữ tại trụ sở chính, chi nhánh và địa điểm khác; có quyền đến các địa điểm làm việc của người quản lý và nhân viên của công ty trong giờ làm việc.

5. Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, người quản lý khác phải cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin, tài liệu về công tác quản lý, điều hành và hoạt động kinh doanh của công ty theo yêu cầu của Ban kiểm soát.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

tag-icon
Tin mới nhất