Thể thao

Roger Federer: 'Tôi từng là một kẻ… đáng ghét'

Hà An
Chia sẻ

Trước khi vươn tới tột đỉnh vinh quang và trở thành cái tên bất tử trong lịch sử quần vợt, Roger Federer cũng đã có những khoảnh khắc nghĩ đến chuyện gác vợt khi quen với cảm giác bại trận hơn là giành chiến thắng.

Hiếm ai thành công mà không vài lần thất bại, chẳng con đường chiến thắng nào mà không trải qua chông gai. Roger Federer có thể là tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại nhưng anh cũng là con người, mà con người thì không tránh khỏi sai sót và cảm giác hoang mang khi khó khăn.

Roger Federer xứng đáng được xem như tay vợt vĩ đại nhất lịch sử.

“Khi tôi đánh những trận quốc tế đầu tiên rồi thường xuyên bị đánh bại ngay vòng đầu với tỷ số đại loại 6-2, 6-3, nhiều lần tôi về nhà tự nhủ, ‘Okay, có thể bạn xuất sắc tại Basel nhưng chả là gì khi đi ra thế giới’”, tay vợt người Thuỵ Sĩ nhớ lại: “Quãng thời gian đó thật sự rất khó chịu”.

Khi vô địch cả nội dung đơn và đôi tại Wimbledon trẻ 1998, tương lai Federer được dự báo sẽ rất xán lạn, bản thân chàng trai 17 tuổi cũng tràn đầy tự tin. Tuy nhiên, những bước đầu trên con đường chuyên nghiệp thực tế không diễn ra dễ dàng với Federer, người mất tới 3 năm sau đó để giành danh hiệu ATP đầu tiên.

Federer từng có những lúc ý nghĩ tới chuyện gác vợt

Thời còn là cậu bé, Federer không ít lần trốn ở chiếc ghế của trọng tài, ngồi khóc sau những thất bại. Khi lớn hơn, Federer được biết đến với hình ảnh một chàng trai với mái tóc dài “ngổ ngáo” cùng tính cách nóng nảy trên sân.

“Khi còn trẻ, tôi từng khá đáng ghét”, Federer thừa nhận trong một lần phỏng vấn với tờ Telegraph năm 2003.

Tính cách cáu kỉnh từng khiến Federer bị ông bố Robert phạt và cấm túc. Kiếm một chiếc vợt bị đập nát bởi Federer chẳng phải là việc làm khó khăn. Thậm chí, Federer có lần đã rút lui giữa chừng tại một giải đấu chuyên nghiệp ở Thuỵ Sĩ và bị phạt tiền sau khi trọng tài nghĩ rằng anh “không cố gắng hết mình”.

Khi còn trẻ, Federer từng là tay vợt nóng nảy trên sân

Đã phải mất nhiều thời gian, nỗ lực để Federer điều chỉnh cảm xúc và đạt tới sự lạnh lùng trên sân đấu như ngày hôm này. Và trước khi gắn bó với quần vợt, Federer cũng phải gác lại giấc mơ cầu thủ bóng đá, môn thể thao mà anh đã bộc lộ năng khiếu khi ở độ tuổi thiếu niên.

Vượt qua nhiều trở ngại và hy sinh, Federer giờ đã tạo dựng một chỗ đứng vững chắc trong lịch sử quần vợt. Không chỉ tiền tài và danh vọng, tay vợt hiện nắm giữ kỷ lục 19 Grand Slam còn trở thành một biểu tượng, một hình mẫu mẫu mực mà bất cứ tay vợt trẻ nào hay một VĐV thể thao nói chung cũng tôn trọng và muốn noi theo.

“Đối với tôi, sự khác biệt giữa một tay vợt vĩ đại và một tay vợt xuất sắc là phong cách, những nét tinh hoa và khả năng duy trì nó trong thời gian dài”, Federer trả lời phỏng vấn CNN: “Tay vợt đó đã mang lại gì cho quần vợt? Anh ấy có thay đổi được gì, ảnh hưởng của chúng đến quần vợt như thế nào? Liệu anh ta có phải hình mẫu tốt không? Tất cả những điều đó đều quan trọng”.

Ông Robert Federer từng rất bực bội vì tính khí nóng nảy của con trai

Từ một chàng trai bắt đầu trở thành người lớn

Tài năng của Federer là điều chưa bao giờ bị đặt trong dấu hỏi.

Sau khi nổi lên với danh hiệu trẻ tại Wimbledon 1998, Federer tiếp tục lọt vào chung kết trẻ US Open trước khi giành chức vô địch Organe Bowl Championship, một trong 5 giải đấu “hạng A” cho cấp độ trẻ (cùng 4 Grand Slam), nơi đã trình làng hàng loạt tay vợ xuất chúng như Andre Agassi, Boris Becker, Jimmy Connors và gần đây là Dominic Thiem.

“Quãng thời gian này tôi thấy mình đàn ông hơn chút. Cơ thể tôi phát triển hơn, tôi thấy mình có thể giao bóng mạnh và nhận ra tôi có thể hình không thua kém các tay vợt hàng đầu. Tôi tham dự các tour đấu, nơi tụ hội những tay vợt xuất sắc nhất. Đó là lúc giấc mơ thành hiện thực”, Federer nói.

Chăm chỉ, làm việc cật lực là chìa khoá thành công của Federer

“Ai mà biết được chứ? Có thể ngày nào đó tôi sẽ được lọt vào Top 100 thế giới?”.

Ngày 30/09 năm 1998 đánh dấu cột mốc đầu tiên trong sự nghiệp Federer khi tay vợt hạng 878 thế giới giành chiến thắng đầu tiên tại ATP tour với việc đánh bại Guillame Raoux, hạng 45 thế giới, ở giải Toulouse Open.

Đó mới chỉ là lần thứ 2 Federer góp mặt ở một giải đấu thuộc hệ thống ATP. Năm đó, Roger lọt vào tứ kết trước khi để thua tay vợt sau này lên ngôi vô địch là Jan Siemerink.

Federer giành chức vô địch Wimbledon trẻ năm 1998.

Thành tích đó giúp Federer nhảy một mạch 400 bậc trên BXH thế giới và đảm bảo một suất tham dự Swiss Indoors, giải đấu ở quê nhà nơi anh từng được nhận làm cậu bé nhặt bóng 4 năm trước đấy.

Ngay ở vòng 1, Federer đã phải đối mặt với nhà vô địch Grand Slam, Andre Agassi. Dù thúc thủ chỉ sau chưa đầy 1 giờ đồng hồ thi đấu, song Federer đã thu được những trải nghiệm tuyệt vời cùng với đó là cảm nhận về sự khốc liệt để vươn tới chiến thắng

Kỷ nguyên quần vợt mang tên Federer

“Tôi cảm thấy bồn chồn lo lắng. Dĩ nhiên tôi luôn muốn ở vị trí đó, được thi đấu với những người mà bạn chỉ thấy trên TV. Chỉ nghĩ đến thôi cũng thật ngầu”, Federer thổ lộ trước lúc là một ngôi sao thực thụ.

Federer đánh bại Sampras ở Wimbledon 2001

Tháng 2/2001, Federer giành danh hiệu ATP đầu tiên tại giải sân cứng trong nhà ở Milan, song khoảnh khắc anh bước ra sân khấu lớn của thế giới lại diễn ra 5 tháng sau tại Wimbledon.

Pete Sampras đối đầu Federer, nhà vua chạm trán kẻ thách thức trẻ tuổi. Chàng trai đến từ Basel có lẽ không ngờ rằng, đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất anh có dịp so vợt với thần tượng của mình. Một cuộc đấu báo trước sự chuyển đổi quyền lực trong thế giới quần vợt.

Bước vào trận chiến ở vòng 4 với tư cách là tay vợt nam sở hữu nhiều Grand Slam nhất lịch sử cùng thành tích bất bại trong 5 mùa giải tại All England Club, Sampras không vì thế chủ quan khi dành những lời có cánh cho đối thủ trước trận.

Và quả thực, khi trận đấu diễn ra và kết thúc, người hâm mộ hiểu rằng những lời của “Pistol Pete” không phải được nói xã giao. Sau 5 set kịch chiến trong 3 giờ 41 phút, Sampras cuối cùng đành chịu khuất phục 7-6 (7), 5-7, 6-4, 6-7 (2) và 7-5 trước Federer.

Federer lần đầu đăng quang tại Wimbledon năm 2003

Lặng lẽ rời sân, Sampras không quên khen ngợi gã trai tuổi teen vừa truất ngôi vương Wimbledon của mình: “Có rất nhiều tay vợt trẻ đang nổi lên, nhưng Roger là người đặc biệt hơn cả”.

Mặc dù vậy, hành trình trở thành biểu tượng mới tại Wimbledon chẳng hề bằng phẳng với Federer. Sau khi để thua ở tứ kết bởi tay vợt chủ nhà Tim Henman, Federer gây thất vọng tại sân Trung tâm 12 tháng sau đó với thất bại bất ngờ trước tay vợt lần đầu ra mắt Grand Slam, Mario Ancic ngày ra quân.

Tuy nhiên kể từ thời điểm đó, Federer bắt đầu chứng tỏ vì sao anh được mệnh danh là “Vua sân cỏ”. 6 năm kế tiếp, không một tay vợt nào đánh bại được Federer trên mặt sân màu xanh lá.

“Một điều rất quan trọng khi bạn còn trẻ là những bài học, động lực có được kể cả sau khi thất bại. Bạn có thể cảm thấy giống như nhận phải cú đánh khiến bản thân chán nản và chỉ muốn từ bỏ tất cả… nhưng chỉ cần 5 phút sau, bạn sẽ lại cầm vợt lên và tập luyện trở lại”, Federer nhớ lại.

Federer hoàn tất bộ sưu tập Grand Slam với danh hiệu Roland Garros 2009.

“Chăm chỉ là chìa khoá, nó chiếm hơn 50% thành công ở thời điểm đó”.

Từ tháng 7/2003 đến 9/2007, Federer giành 12 trên tổng số 19 danh hiệu Grand Slam đến thời điểm này sự nghiệp, đặt dấu ấn đậm nét tại những điểm quan trọng nhất - Melbourne, London và New York - để vững vàng với vị thế của một ông vua quần vợt.

Federer kéo dài bảng thành tích với tấm HCV Olympic tại Bắc Kinh, song trong tâm khảm anh vẫn luôn day dứt trước hai chữ cái ám ảnh: Roland Garros.

Hoàn tất bộ sưu tập Grand Slam

Đất nện là lãnh địa riêng của một người đàn ông khác có tên Rafael Nadal. Từ mùa giải 2006 đến 2008, Federer đã 3 lần liên tiếp gục ngã ở trận chung kết trước tay vợt đến từ Tây Ban Nha.

Ở tuổi 36, Federer đã chinh phục tất cả những đỉnh cao mà một tay vợt có thể mơ tới

Nhưng rồi lịch sử cũng phải thay đổi trước sự bền bỉ của Federer. Ngày 07/06 năm 2009, “Tàu tốc hành” cuối cùng đã thoả ước nguyện nâng cao chiếc cúp Mousquetaires với việc đánh bại Robin Soderling, người đã hạ Nadal ở bán kết, sau 3 set. Đó là danh hiệu Grand Slam thứ 14 Federer đạt được, cân bằng kỷ lục của Pete Sampras. Nhưng trên tất cả, Federer đã giải cơn khát Roland Garros để hoàn tất cả trọn bộ Grand Slam.

Đẫm lệ ở buổi chiều lất phất mưa bay tại Paris, Federer gọi đó là “chiến thắng vĩ đại nhất”, nghẹn ngào thổ lộ với người hâm mộ trên sân Philippe Chatrier rằng “giờ đây tôi đã có thể thi đấu những năm còn lại của sự nghiệp trong thanh thản”.

Những kẻ hoài nghi đặt dấu hỏi về khát khao của Federer, liệu rằng vinh quang này có đủ sức bù đắp chuỗi ngày thất bại đằng đẵng trên mặt sân đất nện hay không. Với Federer, điều đó chưa bao giờ là vấn đề khiến anh bận tâm.

“Tôi luôn tin rằng bản thân đủ giỏi để giành được nó”, FedEx chia sẻ: “Thực sự cầm vào chiếc cúp sau tất cả những gì đã trải qua là cảm giác không từ ngữ nào diễn tả nổi. Chiến thắng này đến thật đúng lúc, tôi cho nhiều người thấy họ đã đánh giá sai về tôi”.

Kỷ lục 8 lần vô địch Wimbledon của Federer sẽ còn tồn tại rất lâu

Nói về động lực giúp anh tiếp tục phấn đấu sau khi đã vươn tới mục tiêu quan trọng nhất, Federer nhắc đến cảm xúc khi lần đầu vô địch Wimbledon: “Đấy từng là tất cả những gì tôi muốn, nhưng tôi sẽ tiếp tục trở lại và chiến thắng, chiến thắng và chiến thắng thêm nhiều lần nữa”.

“Đó là những điều nhà vô địch muốn làm: trở lại và tiếp tục chứng minh bản thân lần này qua lần khác. Tôi yêu quần vợt nhiều đến nỗi dễ dàng vượt qua mọi thử thách, nó đã mang lại cho tôi tất cả những điều hằng mong đợi”.

Chia sẻ

Bài viết

Hà An

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất