Thể thao

Putin đã mang World Cup về nước Nga như thế nào?

Theo Bongdacuocsong
Chia sẻ

Thành công của Nga trong cuộc cạnh tranh đăng cai World Cup 2018 là một chiến thắng trước các đối thủ bên trong cũng như bên ngoài.

KẾ HOẠCH CỦA PUTIN

Tất cả bắt đầu vào ngày 5/9/2009. Trong chương trình tin tức truyền hình buổi tối, người Nga được xem một đoạn phóng sự về cuộc họp chính phủ hàng tuần, trong đó Thủ tướng Vladimir Putin giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng thể thao, du lịch và chính sách thanh thiếu niên, thành viên Ban chấp hành FIFA Vitaly Mutko: “Tôi giao cho ông nhiệm vụ chuẩn bị hồ sơ để Liên bang Nga tham dự cuộc đua đăng cai World Cup FIFA 2018 hoặc 2022.” Ngay sau đó, Putin bổ sung thêm thông điệp quan trọng nhất: “Tôi sẽ trực tiếp ký tất cả những gì bảo đảm chiến thắng cho chúng ta.”

Điều đó rất quan trọng. “Những người mơ mộng”, như Alexei Sorokin, giám đốc điều hành của ủy ban tranh cử Nga gọi, sẽ không thể làm bất cứ điều gì mà không có sự chuẩn bị chu đáo và được ủng hộ từ đầu.

Khi thế giới đang trong cuộc khủng hoảng tài chính, Nga đã có đủ vấn đề để đối phó mà không cần thêm một World Cup. Nhưng Bộ trưởng thể thao Vitaly Mutko chính là người đầu tiên quyết định đặt ra mức chi phí và kế hoạch để tổ chức giải đấu. Mọi thứ sau đó được chấp thuận bởi cựu phó chủ tịch FIFA Vyacheslav Koloskov, một người có mối quan hệ không mấy vui vẻ với Mutko. “Ông ấy đã làm cho kế hoạch của mình được chấp nhận” Koloskov nói. “Không ai có thể khởi xướng một kế hoạch như thế này.”

Có rất nhiều sự phản đối. Nhiều người thông báo phản đối quá trình tranh cử, trong đó có những nhân vật thuộc chính quyền tổng thống, FSB (tiền thân là KGB), Bộ Tư pháp … Mutko đã giẫm lên một bãi mìn, nhưng ông đã bước sang phía bên kia an toàn chỉ bởi nguyên nhân đơn giản: một khi Putin đã nói điều gì đó trước công chúng thì đó là mệnh lệnh “tứ mã nan truy”.

Bộ trưởng thể thao Vitaly Mutko chính là người đầu tiên quyết định đặt ra mức chi phí và kế hoạch để tổ chức giải đấu cho nước Nga.

Mutko có rất nhiều đối thủ “tầm cao”, nhưng ông thẳng thắn nói rằng điều đó không làm ông bận tâm quá nhiều. Chẳng hạn, vào năm 2005, ngay sau khi trở thành chủ tịch của Liên đoàn bóng đá Nga (RFS), ông có cuộc gặp với Boris Gryzlov, chủ tịch của quốc hội Nga, chủ tịch hội đồng tối cao của đảng cầm quyền Nga và một cựu bộ trưởng nội vụ. Gryzlov đã đưa cho Mutko một danh sách những người mà ông muốn được bổ nhiệm trong nhiều vị trí quan trọng khác nhau của RFS. Mutko nhìn vào mắt Gryzlov và trả lời: “Ông có nhầm lẫn tôi với ai không? Có một người có thể bảo tôi làm mọi thứ - và nếu ông ấy yêu cầu thì tôi sẽ chỉ định Đức Giáo Hoàng làm phó chủ tịch - nhưng tôi sẽ không nghe bất kỳ ai khác”. Gryzlov không phản ứng gì; bởi “bạn của Putin” có những thứ quyền lực riêng.

Mối liên hệ đó bắt đầu từ đầu những năm 1990 khi Mutko và Putin là phó thị trưởng của St Petersburg dưới thời Anatoly Sobchak. Mặc dù vậy, Mutko luôn thận trọng khi có người hỏi ông và Putin có phải là bạn bè kể từ đó không

. “Tình bạn là một khái niệm thiêng liêng,” ông nói, lắc đầu. “Vì vậy, tôi sẽ không mạo hiểm khi nói rằng tôi là một 'người bạn' của một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại của đất nước. Trong hệ thống cấp bậc nhà nước của chúng tôi có một khoảng cách lớn giữa chúng tôi và tôi cố gắng để giữ khoảng cách đó. Nhưng chúng tôi có mối quan hệ tốt đẹp, ấm áp được củng cố bởi nhiều thập kỷ làm việc cùng nhau trong một thời kỳ khó khăn. Đúng, giai đoạn 1991-1996 rất khó khăn cho St Petersburg. Chúng tôi đã đi qua hai nhiệm kỳ với nhau và tình hình kinh tế thực sự bết bát. Chúng tôi xử lý tất cả điều đó và có được sự hòa hợp ở một mức độ nào đó”.

Nhờ mối quan hệ đó ấy, Mutko có thể thuyết phục Putin đưa ra hai quyết định quan trọng để giúp Nga chiến thắng: nhập cảnh cho tất cả những người có vé xem World Cup tới Nga mà không cần visa, và miễn phí chi phí di chuyển trong lãnh thổ trong suốt giải đấu. Một số bộ trưởng khăng khăng rằng điều đó sẽ dẫn đến những tổn thất tài chính khổng lồ, nhưng Mutko kiên quyết rằng nếu không có những chính sách ưu tiên, CĐV quốc tế sẽ không đến Nga. Putin chấp nhận quan điểm của Mutko.

Ông Mutko được cho là bạn thân của tổng thống Putin và là người được Putin trực tiếp giao nhiệm vụ bằng mọi cách đưa World Cup về nước Nga.

Khi Mutko đề xuất lên Putin ý tưởng đăng cai World Cup, Thủ tướng đã hỏi cơ hội chiến thắng của Nga. “20-25%,” Mutko trả lời. Ông tin rằng khoảng 30 đến 40% số phiếu sẽ thuộc về liên minh Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha và khẳng định Nga không có cơ hội trừ khi Putin tham gia tích cực, thuyết phục “hơn một nửa” các thành viên Ban chấp hành FIFA trước khi bỏ phiếu. Điều đó đánh dấu một sự thay đổi đáng kể từ chiến thuật của Putin ở cuộc vận động đăng cai Olympic mùa Đông 2014, khi ông xuất hiện ở Guatemala vào giai đoạn cuối cùng, nơi cuộc bầu cử diễn ra, để nói chuyện với các đại biểu IOC. Lần này, ông đến Zurich sau cuộc bỏ phiếu với chiến thắng huy hoàng.

Ngược lại, Thủ tướng Anh David Cameron đã tới Zurich tối hôm trước. Bởi sự trùng hợp ngẫu nhiên, ông ở trên cùng chuyến bay từ London với Andrei Arshavin, người phát biểu tại buổi thuyết trình cuối cùng, và Alexander Chernov, một thành viên của ủy ban vận động đăng cai của Nga ở EURO 2008 và Olympic 2012, người đang làm việc với Arshavin trong tư cách một trợ lý.

“Chúng tôi lên máy bay ở Heathrow, tập luyện về bài phát biểu của Andrei,” Chernov nói. “Andrei nhìn qua vai tôi và thấy hai người đàn ông phía sau tôi. Đột nhiên Andrei chào bằng tiếng Anh, ‘Xin chào!’ Tôi quay lại và thấy David Cameron. Ông ấy cũng chào lại và họ mỉm cười với nhau. Tôi không thể im lặng. Vì vậy, tôi nói đùa, “Ông biết đấy, chúng tôi đang diễn tập bài phát biểu. Ông nói tiếng Anh tốt, vậy ông có thể duyệt lần cuối cho chúng tôi không?’.

“Một lát sau, Cameron vỗ vào vai tôi và kêu lên: Ồ, Putin không bay cùng các vị à! Tôi nói: Tôi biết! Nó có vẻ bình thường - nhưng sau đó tôi nghĩ: thủ tướng của một quốc gia lớn nói với ai đó mà ông ta không biết rõ, thậm chí không cố che giấu niềm vui của mình rằng Putin không có mặt trên chuyến bay. David Cameron rõ ràng nghĩ rằng điều này có nghĩa là một chiến thắng áp đảo cho nước Anh. Họ có lẽ sẽ phản ứng khác nếu biết rằng Putin đã dự đoán những điều này với tôi trước chuyến bay”.

Cựu phó chủ tịch FIFA Vyacheslav Koloskov là người đóng vai trò then chốt trong kế hoạch này.

Một trong những nhân viên bảo vệ của Cameron, một fan của Arsenal, đã trao đổi số điện thoại với Arshavin và xin cậu ấy ký lên một vài chiếc áo và bóng cho anh ta. Điều này theo Arshavin là bình thường; không ai đổ lỗi cho anh vì đã ủng hộ chiến dịch vận động đăng cai World Cup của Nga.

“Khi tôi trở về sau cuộc bỏ phiếu, tôi đã nói với Jack Wilshere và Samir Nasri: Các cậu còn trẻ và tới năm 2018, tôi sẽ mặc vest đứng trong khu vực VIP để bắt tay các cậu trước khi vào sân . Nếu các cậu chơi ở St Petersburg, tôi sẽ cho các cậu thấy thành phố ấy đẹp như thế nào!” - Arshavin kể lại. Lời hứa đó không trở thành hiện thực bởi cả Nasri lẫn Wilshere đều không được tham dự World Cup 2018.

Công việc của Putin với các thành viên Ban chấp hành FIFA không phải là tất cả những gì ông đã làm. Năm 2006, ông mời Sepp Blatter đến tư gia của mình ở ngoại ô Moscow với tính toán rằng quan hệ thân thiết với người đứng đầu bóng đá thế giới có thể mang lại lợi ích trong tương lai. Thiết lập cuộc gặp đó là một chiến thắng cho Mutko, người lúc đó mới ở RFS chưa đầy một năm và thậm chí không phải là thành viên của Ban chấp hành.

VAI TRÒ CỦA KOLOSKOV

Có rất nhiều bức ảnh trên tường văn phòng của Vyacheslav Koloskov tại trụ sở của Ủy ban Olympic Nga. Hai trong số đó lớn hơn những bức khác. Không phải là những tấm ảnh của Putin và Dmitri Medvedev mà là của Nikolai Starostin, “tộc trưởng” của bóng đá Nga, và Joao Havelange, cựu chủ tịch người Brazil của FIFA. Họ là những người cố vấn của Koloskov và ở tuổi 70, ông không thay đổi phong cách của mình theo tình hình chính trị hiện hành.

Đối với Koloskov, Putin vẫn luôn ở ngoài tầm với. “Sau khi Liên Xô sụp đổ, chúng tôi đã tổ chức Cúp CIS để duy trì mối quan hệ bóng đá của các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết cũ”, ông viết trong cuốn sách của ông, Onside and Offside. “Sáng kiến của chúng tôi được hỗ trợ bởi Sepp Blatter. Mặc dù bận rộn, ông đã đến thăm giải đấu này hàng năm, chỉ ra tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển bóng đá. Tôi nghĩ rằng những nhà lãnh đạo của đất nước cũng hiểu điều này và mọi thứ sẽ rất tốt nếu trong một giải đấu Blatter gặp mặt tổng thống Putin. Tôi đã bày tỏ ý tưởng này với chính quyền của tổng thống nhưng đã nhận được câu trả lời từ chối”.

Koloskov giải thích rằng vấn đề là ông không biết ai trong chính quyền Putin trên phương diện cá nhân và chỉ có thể gửi các ghi chú bằng văn bản. Vào thời điểm đó, Michel Platini đang làm cố vấn cho Blatter. Cuối cùng, chính quyền Putin đã đồng ý tổ chức một cuộc họp với Blatter, nhưng chỉ khi Platini ở đó. Platini, tuy nhiên, đã phải trở về Pháp cho đại hội của liên đoàn bóng đá Pháp và vì vậy cuộc họp không bao giờ xảy ra. “Theo logic của họ, Blatter quá quen thuộc với những liên đoàn khác,” Koloskov giải thích. “Ông ấy là một người có quyền lực còn Platini là một cựu cầu thủ xuất sắc. Vì vậy, một bức ảnh với Platini trên báo giới theo ý kiến của chính quyền sẽ có ý nghĩa nhiều hơn trong các chiến dịch PR. ”

Vậy khi nào việc tiếp cận với Blatter trở thành đúng đắn? “Đó là về năng lực hành chính (một thuật ngữ được sử dụng một cách tự nhiên trong tiếng Nga để mô tả sự gần gũi với quyền lực),” Koloskov nói.

“Khi Mutko trở thành chủ tịch của RFS và có thể đối thoại trực tiếp với Putin, ông ấy có thể giải thích cho Putin rằng Blatter là nhân vật chủ chốt trong thế giới bóng đá thế giới và rất nhiều thứ phụ thuộc vào thái độ của ông ấy đối với chúng tôi.”. Koloskov, may mắn thay, đã không nói cho Blatter lý do tại sao cuộc họp với Putin tại Cúp CIS không xảy ra; nếu ông làm như vậy, mối quan hệ ấm áp mà Putin và Blatter tạo ra có thể chưa bao giờ phát triển.

Ông Koloskov có quan hệ khá thân thiết với cựu chủ tịch FIFA Sepp Blatter và đã tác động không nhỏ đến người đứng đầu cơ quan quyền lực nhất thế giới bóng đá lúc đó.

Koloskov tin rằng Putin đã cho Nga một lợi thế lớn khác so với các đối thủ cạnh tranh. “Tôi không phải là một chính trị gia hay một nhà kinh tế,” ông nói, “nhưng yếu tố quan trọng trong thắng lợi của chúng tôi là tình hình chính trị ổn định trong nước. Không ai nghi ngờ vào việc bộ đôi Putin và Medvedev sẽ lãnh đạo Nga trong một thời gian khá dài. Điều đó đảm bảo sự ổn định và mọi thứ sẽ được hoàn thành. Nó đảm bảo sẽ không có chuyện Putin ký vào các tài liệu rồi sau đó có người khác thay thế ông ấy và không quan tâm đến dự án”.

Tại cuộc họp báo ở Zurich một vài giờ sau chiến thắng của Nga, Putin được hỏi liệu ông sẽ tiếp tục tham gia cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo (cho nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2018). Putin mỉm cười, nói rằng ông và Tổng thống Medvedev là những người bạn cũ và sẽ quyết định giữa họ ai sẽ là tổng thống, thủ tướng.

Cảm tình của Blatter đối với Nga đến trước cuộc gặp của ông với Putin. Koloskov nói về việc đưa ông đến thăm Sergiev Posad, địa điểm thiêng liêng nhất của Giáo hội Chính thống Nga vào những năm 1990, nơi một giám mục chỉ cho chủ tịch FIFA một số bí mật của đền thờ.

Trong một dịp khác, khi Nga tổ chức một cuộc họp IOC, Koloskov đã đưa tất cả các đại biểu bóng đá đến một buổi hòa nhạc riêng bên ngoài Moscow. Khi họ trở về thủ đô vào ban đêm, xe của họ bị nổ lốp và được kéo qua bên đường. Hai phụ nữ lớn tuổi từ một ngôi nhà gần đó đã đến xem vấn đề là gì; Koloskov giải thích và hỏi họ có thể mang một ít nước cho các đại biểu không. Họ trở lại một vài phút sau đó không phải với nước mà với một khay vodka cùng một số “mồi nhậu”.

Một cuộc gặp mặt giữa tổng thống Putin và Blatter đã được tổ chức và đây là dấu mốc quan trọng cho chiến dịch vận động này.

Blatter xúc động bởi sự hiếu khách và ra khỏi xe để uống với người dân địa phương. Ông hỏi liệu điểm dừng có được lên kế hoạch trước hay không. Koloskov khăng khăng là không và hỏi tại sao Blatter lại nghĩ như vậy. “Bởi vì những người phụ nữ này rất tử tế còn đàn ông biết rất nhiều về bóng đá,” Blatter trả lời. “Và họ muốn Nga trở thành một cường quốc bóng đá. Nếu mọi người ở các tỉnh lẻ có mối quan tâm nhiều đến bóng đá, môn thể thao này có một tương lai tuyệt vời ở Nga”.

Koloskov và Blatter đã trở thành bạn bè trong những năm đầu thập niên 80, khi Koloskov là một đại diện của Liên Xô trong Hội đồng thư ký và Ban chấp hành FIFA. Họ thường cùng nhau chơi quần vợt. Cựu chủ tịch UEFA Lennart Johansson kể rằng Koloskov không chỉ là đồng nghiệp mà là bạn thân của nhiều quan chức của FIFA và UEFA.

Sau khi Blatter đã đánh bại Johansson trong cuộc bầu cử năm 1998 để giành chức Chủ tịch FIFA, mối quan hệ giữa họ trở nên căng thẳng. “Có rất nhiều cảm xúc tiêu cực sau cuộc bầu cử,” Koloskov giải thích. “Cả hai đều ở Moscow và chúng tôi cùng đến nhà bạn bè ở vùng Moscow. Tôi để hai người bọn họ trong một căn phòng riêng, đặt một chai vodka lớn lên bàn và một ít thức ăn ngon. Và tôi nói với họ: Đừng ra ngoài cho đến khi các ông tìm thấy tiếng nói chung! Họ bước ra sau 30 phút, chai vodka chỉ còn non nửa. Họ bảo: Tất cả những khúc mắc giữa chúng tôi đã kết thúc!”

Đó là những chi tiết làm cho Koloskov có giá trị. Ông đã được yêu cầu từ chức chủ tịch RFS để nhường chỗ cho Mutko vào năm 2005 và chỉ biết về quyết định vận động đăng cai World Cup từ báo chí. Một nỗi cay đắng kéo dài giữa hai người nhưng một ngày nọ, Mutko đến văn phòng của Koloskov tại Ủy ban Olympic Nga và yêu cầu ông làm việc cho ban vận động.

Alexei Sorokin, Giám đốc điều hành của chiến dịch vận động, và Sergei Fursenko, chủ tịch mới của LĐBĐ Nga từng có mâu thuẫn trong kế hoạch vận động nhưng cuối cùng mọi thứ đã được giải quyết êm thấm.

Người ta tin rằng sự tham gia của ông đã trở nên đặc biệt quan trọng vào ngày 22 tháng 1 năm 2010 khi Blatter gặp tổng thống Nga, Dmitry Medvedev, tại điện Kremlin (Putin khi đó còn bị ràng buộc bởi hiến pháp Nga, ông thôi chức tổng thống để trở thành thủ tướng). Điều đó cho thấy không có sự bất đồng trong lãnh đạo Nga về kế hoạch đăng cai World Cup. Medvedev cùng Blatter đi quanh điện Kremlin và họ gặp gỡ các quan chức khác bao gồm Mutko, phó thủ tướng Igor Shuvalov. Người ta nói rằng tại cuộc họp đó, ông Medvedev đã hỏi Blatter cách làm cho chiến dịch vận động của Nga hiệu quả nhất có thể. Blatter trả lời rằng chỉ Koloskov mới có thể làm được điều đó.

Ngay cả sinh nhật của Koloskov cũng đã trở thành một phần trong chiến dịch của Nga. Koloskov và bạn của ông là Alexander Chernov có ý tưởng mang vodka, trứng cá muối và các món ăn Nga khác đến một khách sạn ở Johannesburg và sắp xếp một bữa tiệc tuyệt vời mà vợ của Koloskov, Tatiana, người nói tiếng Anh xuất sắc làm “chủ xị”.

Koloskov mời tất cả các thành viên và cựu thành viên Ủy ban chấp hành FIFA, những người đang ở Nam Phi. Koloskov không mong đợi nhiều người đến nhưng phần lớn các VIP đã xuất hiện: Blatter và gia đình của ông, Johansson, Villar, Hayatou, Erzik, Bin Hammam, Warner… đó là môi trường hoàn hảo cho việc quảng bá chiến dịch của Nga.

Với những lá cờ của Nga trên tường và âm nhạc Nga tràn ngập không gian, tất cả mọi người kể cả Blatter nhảy múa vui vẻ khi Chủ tịch liên đoàn Mexico đem đến một ban nhạc mariachi, chơi trong hơn một giờ. Ngay cả Angel Villar, chủ tịch của liên đoàn Tây Ban Nha, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Nga cũng tham gia cuộc vui.

MÂU THUẪN NỘI BỘ

Alexei Sorokin, Giám đốc điều hành của chiến dịch vận động, đã ở Angola vào năm 2010 để “tạo quan hệ” với các Liên đoàn thành viên của Liên đoàn bóng đá châu Phi trước Cúp các quốc gia châu Phi. Nó là một phần trong chương trình dài gồm các chuyến đi khắp thế giới. Khi trở lại Moscow, ông đổ bệnh.

“Nhiệt độ của tôi lên hơn 40°C,” ông nói. “Tôi nghĩ đó là bệnh cúm bình thường và các bác sĩ cũng nói với tôi như vậy. Nhưng nhiệt độ không giảm trong vài ngày và tôi đã mê sảng. Cuối cùng, một bác sĩ hỏi tôi có ở bất kỳ quốc gia nhiệt đới nào gần đây không. Khi tôi nói rằng tôi vừa từ Angola về, cô ấy sắp xếp một cuộc thử máu ngay lập tức”.

Kết quả thử máu xác nhận rằng ông bị sốt rét, và bệnh tiến triển đến mức ông gần như bị mất một quả thận. Chuyến đi thậm chí không đáng giá. “Tất cả các buổi thuyết trình ở đại hội đó đã được Qatar thầu hết”, ông nói. “Họ không để bất kỳ ứng cử viên nào cho 2018 nói, mặc dù họ chỉ tranh quyền đăng cai cho năm 2022. Có tin đồn họ đã trả cho người châu Phi 3 hay 4 triệu đô la để không ai khác có cơ hội lên phát biểu. Nhiều nhà báo đã phát hiện các nhà tổ chức đại hội làm điều đó. FIFA không can thiệp vào quá trình trình bày trước đó, nhưng sau đó họ bắt đầu quan sát chặt chẽ hơn”.

Đồng thời, đã có sự thay đổi về lãnh đạo tại RFS khi Medvedev ra luật rằng tất cả các bộ trưởng của các bộ phải rời vị trí của họ ở các liên đoàn thành viên. Mutko rời nhiệm sở và được thay thế bởi Sergei Fursenko, cựu chủ tịch của Zenit St Petersburg, người dường như không quan tâm đến chiến dịch World Cup. Putin can thiệp và đảm bảo rằng ủy Ban vận động đăng cai có thể tiếp tục công việc của mình một cách độc lập với RFS.

Trong quá trình vận động, Koloskov bị nghi ngờ đã hối lộ các quan chức FIFA để giành quyền đăng cai về cho nước Nga.

Tại một đại hội CONCACAF ở New York, Fursenko do quá nhiệt tình với nhiệm vụ mới đã hành hạ một người đàn ông khi giải thích cho anh ta chiến dịch vận động của Nga mạnh đến mức nào. 10 phút sau ông mới ngừng lại khi phát hiện ḿnh nhầm một người phục vụ với Jack Warner, chủ tịch của LĐBĐ CONCACAF.

Tuy nhiên, vào những thời điểm khác, Fursenko có vẻ như đã chống lại chiến dịch World Cup. Ngay sau khi ông trở thành người đứng đầu RFS, ông yêu cầu rằng Ban vận động đăng cai phải rời văn phòng của họ trên tầng 6 của House of Football ở Moscow với lý do dành nó cho Dick Advocaat, HLV trưởng của đội tuyển quốc gia.

Mỗi ngày một lần, những trợ lý của Fursenko sẽ đến và hỏi khi nào họ sẽ rời đi. Đó là thời điểm Sorokin đang hồi phục từ bệnh sốt rét nhưng không có chút thông cảm nào từ những người của Fursenko. Họ bị cáo buộc đã nói với nhóm vận động đăng cai rằng họ không có lãnh đạo và thậm chí nếu Sorokin sống được thì ông ta sẽ bị tàn tật. Cuối cùng, ban vận động đăng cai phải tìm văn phòng mới.

Tuy nhiên, Fursenko là một trong số những người đã đi đến Zurich Messe để lấy giấy xác nhận Nga là chủ nhà vào năm 2018. Sorokin trả lời khá ngoại giao về mối quan hệ của họ. Khi được hỏi về việc liệu có bắt tay với Fursenko sau đó không, Sokorin trả lời “Tại sao không? Cá nhân ông ấy không làm gì xấu cho chúng tôi. Người đại diện liên đoàn đã đến và nói chuyện với trợ lý của tôi về tình trạng bệnh tật của tôi có thể đã hành động theo ý kiến của riêng mình. Rất có thể Fursenko không biết điều đó.”

SCANDAL BẤT NGỜ

Franz Beckenbauer, một thành viên của Ban chấp hành FIFA tại thời điểm bầu cử khá hoan hỉ với thành công của Nga. “Tôi nghĩ họ sẽ là những người chủ nhà hoàn hảo”, ông nói. “Tất cả các ứng cử viên châu Âu đều mạnh nhưng tôi nghĩ rằng nước Anh đã thua vì giới truyền thông của họ. Họ phàn nàn về FIFA và các thành viên của Ủy ban chấp hành. Các thành viên Ủy ban cũng là con người, sau tất cả. Có thể họ không thích bỏ phiếu cho nước Anh sau những cáo buộc họ tham nhũng từ truyền thông nước này. Trong khi các liên minh đăng cai chung (Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha và Bỉ-Hà Lan) có thể không phổ biến với các cử tri. Vì vậy, Nga có cơ hội tốt nhất ngay từ đầu. Đối với tôi, họ là một nước chủ nhà tuyệt vời”.

Arshavin đồng ý báo chí có một vai trò quan trọng. “Đó là một nghịch lý của tự do ngôn luận,” anh nói. “Đó là khi sự tự do ở đất nước của bạn đột nhiên chống lại bạn. Người Anh thúc đẩy sự trung thực, tự do ngôn luận và nhiều quyền tự do khác. Nhưng khi có quá nhiều thì có lẽ không tốt lắm. ”

Koloskov tỏ ra ghê tởm về cuộc điều tra của tờ Sunday Times dẫn đến việc Amos Adamu và Reynald Temarii bị loại khỏi Ban chấp hành và bị kết tội tham nhũng. “Đó là một sự khiêu khích tuyệt đối, gây ra một phản ứng tức giận của các thành viên Ủy ban”, ông nói. “Họ đánh giá câu chuyện là một sự lăng mạ. Đó là một gia đình đã quen với việc chịu trách nhiệm cho nhau và cùng nhau. Với sự trợ giúp của các phương pháp điều tra thiếu khách quan, hai thành viên của Ủy ban bị đổ lỗi một cách không trung thực, điều này đã tạo ra một vết nhơ trên danh tiếng của Ủy ban nói chung. Tôi là một thành viên của Ủy ban trong gần 30 năm và không biết làm thế nào để phản ứng với một sự cố như vậy nếu tôi vẫn còn ở đó”.

Thành viên Ban chấp hành FIFA người Bỉ Michel D’Hooghe, bạn của Koloskov bị tố nhận 1 bức tranh giá trị nhưng kết luận cuối cùng cho thấy đây chỉ là 1 bức tranh bình thường.

FIFA thừa nhận tội lỗi của hai người và trừng phạt họ phù hợp. “FIFA phản ứng với tình hình rất hiệu quả”, Koloskov tiếp tục. “Điều đó nhanh chóng và rõ ràng chỉ ra rằng FIFA sẽ không bao che cho sự vi phạm quy tắc đạo đức của nó. Nhưng điều đó không hủy bỏ bản chất khiêu khích của các phương pháp điều tra được sử dụng bởi báo chí Anh”.

Không ngạc nhiên, Mark Franchetti, phóng viên thường trú tại Moscow của tờ Sunday Times, có một quan điểm rất khác biệt. “So sánh tham nhũng với việc một gia đình bị xúc phạm, trong đó mọi người bảo vệ lẫn nhau là một đặc điểm của giới mafia”, ông nói. “Khi bạn xem video, có bằng chứng cụ thể về một thành viên Ủy ban đang chuẩn bị để lấy tiền cho phiếu bầu của mình. Đó là một tác phẩm báo chí xuất sắc, rất mạnh mẽ. Sau câu chuyện này, FIFA thay vì chỉ trích nước Anh thì nên nói với tờ Sunday Times: Cảm ơn các bạn rất nhiều, vì những gì bạn đã làm. Chúng tôi không biết điều đó và giờ chúng tôi phát hiện ra nhờ các bạn. Thật kinh khủng, nhưng cảm ơn một lần nữa vì đã giúp loại bỏ tham nhũng khỏi tổ chức của chúng tôi”.

Franchetti cũng được yêu cầu điều tra Koloskov. “Các đồng nghiệp của tôi ở London đã có thông tin rằng ông ấy, với tư cách là cố vấn cho chiến dịch vận động của Nga, đã tặng các bức tranh giá trị cho Blatter, Platini và thành viên Ủy ban người Bỉ Michel D’Hooghe, bạn của Koloskov”, Franchetti nói.

“D’Hooghe nói rằng ông ấy đã được tặng một bức tranh. Tôi gọi Koloskov và ông ta phủ nhận mọi thứ, nói rằng cáo buộc đó là vô nghĩa và đó là một lời nói dối. Ông ta nói rằng ông ta không gặp cá nhân Blatter trong chiến dịch vận động, rằng ông ta có một mối quan hệ xấu với Platini. Ông ta xác nhận rằng ông ta là bạn của D’Hooghe, nhưng nói rằng ông ta không tặng bất kỳ bức tranh nào, chỉ có một chiếc hộp gỗ truyền thống của Nga làm quà lưu niệm. Nhưng D’Hooghe, người mà các đồng nghiệp của tôi đã đến gặp sau đó, khẳng định: “Không, ông ấy tặng tôi một bức tranh!

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là Koloskov đã hối lộ D’Hooghe - đặc biệt khi D’Hooghe nói một cách cởi mở về bức tranh. Họ thân thiện và có lẽ Koloskov chỉ tặng một bức tranh giá rẻ làm quà lưu niệm từ Nga. Ông ta có quyền làm điều đó. Nhưng thực tế câu chuyện của họ rất khác nhau khiến bạn nghi ngờ. Nhưng đó không phải là việc của tôi; tôi gửi câu trả lời của Koloskov cho tờ báo và phần còn lại của công việc được thực hiện ở London”.

Koloskov rất vui vẻ khi kể lại chuyện này. “Tôi đang đi nghỉ ở quê cha tôi ở vùng Ryazan, thì một phóng viên của tờ Sunday Times gọi cho tôi. “Vyacheslav Ivanovich”, anh ta nói, “Tôi có một câu hỏi khẩn cấp. Tôi nhận được một cuộc gọi từ tờ báo và họ nói với tôi rằng ông đã tặng các bức tranh của Picasso cho Blatter và Platini”.

Tôi đã bị sốc và trả lời: Trước hết, trong chiến dịch vận động, tôi chưa bao giờ gặp Blatter. Tổng thống của nước tôi đã gặp ông ta, và không cần phải kể lại điều đó. Thứ hai, quan hệ của tôi với Platini là không tốt lắm. Tôi có nói chuyện với ông ta, nhưng chính thức và ngắn gọn. Và lần cuối cùng tôi xem các tác phẩm của Picasso là vào năm 1982 khi tôi đến thăm một triển lãm nghệ thuật trong thời gian World Cup tại Tây Ban Nha. Vì vậy, tôi coi câu chuyện là một trò đùa.

Nhà báo tiếp tục hỏi về D’Hooghe. Tôi nói rằng tôi không đưa gì cho D’Hooghe ngoài một chiếc hộp trang điểm cho vợ ông ấy. Sorokin và tôi bay đến gặp D’Hooghe. Tất nhiên chúng tôi biết ông ấy bỏ phiếu cho Bỉ-Hà Lan nhưng tôi nghĩ nếu liên minh ấy bị loại trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, chúng tôi đã có cơ hội để thuyết phục ông ấy về phía chúng tôi ở vòng hai. Chúng tôi đã có một bữa tối rất ngon tại một nhà hàng gần sân bay. Sorokin đã tặng bức tranh cho ông ấy. Tôi thì có một chiếc hộp gỗ cho vợ ông ấy. Tôi không hỏi bức tranh giá bao nhiêu, nhưng nó không thể là một quà tặng tốn kém: đầu tiên, chúng tôi tôn trọng tất cả các quy tắc của FIFA, và thứ hai, ban vận động có rất ít tiền. Tôi không thấy bức tranh này. Nhưng thực tế là nếu Sorokin có thể tự do mang nó qua hải quan cả ở Nga và Bỉ thì rõ ràng nó không phải là một kiệt tác.

Sau nhiều khó khăn và căng thẳng, nước Nga đã giành được quyền đăng cai World Cup 2018, mở ra cơ hội để thay đổi không chỉ bóng đá của nước này.

Tôi đã tặng cho D’Hooghe chiếc hộp trong nhà hàng, và bức tranh cũng được đưa qua tôi, nhưng tôi lập tức quên mất nó. Nếu D’Hooghe gọi cho tôi và nói, 'Slava, báo chí có thông tin rằng ông đã tặng cho tôi một bức tranh,' dĩ nhiên, tôi sẽ xác nhận điều đó. Nhưng không có cuộc gọi nào, nên tôi quyết định không nói gì và nghĩ rằng giới truyền thông muốn tạo ra một vụ bê bối. Thực ra, đúng là tôi đã không giới thiệu nó: đó là một món quà lưu niệm của ban vận động.

Hành động cuối cùng của câu chuyện được chế tác này là ở Monaco tại Siêu cúp UEFA vào tháng 8 năm 2011. Chúng tôi đã gặp D’Hooghe ở đó và ông ấy nói: Slava, ông không thể tưởng tượng điều gì đã xảy ra với bức tranh đó. Báo chí gọi tôi mỗi ngày. Tôi phải thuê một chuyên gia. Ông ấy nhìn nó và nói đó là một bức tranh bình thường không có giá trị, chi phí cho nó là rất rẻ mạt. Chúng tôi đã đưa cho giới truyền thông một tuyên bố chính thức về điều đó và cuối cùng họ đã để chúng tôi được yên”.

Các vấn đề khác có thể không được giải quyết đơn giản như vậy, nhưng đối với nước Nga thì mọi thứ đã hoàn thành. Giai đoạn tiếp theo là làm những gì Đức đã làm trong năm 2006, tổ chức một giải đấu quá tốt để không ai nhớ bất cứ điều gì về quá trình vận động đăng cai.

Ủy ban vận động đăng cai của Nga đã làm việc cực kỳ chăm chỉ và đạt được kết quả tốt nhưng điều quan trọng bây giờ là giải đấu. Nga có một cơ hội để thay đổi không chỉ bóng đá và các sân vận động mà còn cả đất nước và tâm lý người dân, sẵn sàng để chấp nhận các ngôn ngữ và nền văn hóa khác nhau. Giành quyền đăng cai World Cup chỉ là điểm bắt đầu.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Bongdacuocsong

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất