Thể thao

Nỗi oan của lứa Công Phượng và con đường đến World Cup

Văn Nhân
Chia sẻ

Có hai con đường để bóng đá Việt Nam chạm tay vào giấc mơ World Cup, tất cả đều rất khó khăn và cần có thời gian để biến thành sự thật.

Con đường đầu tiên là Việt Nam trong tư thế chủ nhà World Cup. Đó cũng là tham vọng của cả Đông Nam Á, bởi từng có ý tưởng các nước Đông Nam Á sẽ cùng nhau tổ chức World Cup. Tức khá giống với chuyện Nhật Bản và Hàn Quốc từng tổ chức World Cup 2002. 

Tuy nhiên, con đường này cần khá lâu, nó cũng không phải là thước đo để thấy tuyển Việt Nam đủ sức mạnh giành vé đến World Cup. 

Cánh cửa thứ hai để Việt Nam đến với sân khấu lớn nhất bóng đá thế giới, là tuyển Việt Nam vượt qua vòng loại để được tham dự World Cup. 

Có ba điều để tuyển Việt Nam cần chạm tới nếu muốn mơ về World Cup. Đầu tiên, ĐTQG phải trở thành thế lực mạnh nhất Đông Nam Á. Thứ hai, tuyển Việt Nam vươn vào top những đội bóng mạnh nhất châu Á. Thứ ba, triết lí chung và đúng đắn cho cả nền bóng đá để mọi thứ đi theo hệ thống chung. 

Có quá nhiều bài học để bóng đá Việt Nam noi theo, không phải bê nguyên si về áp dụng, nhưng đúc kết để tạo ra một triết lí cho chung, sau đó thực hiện giấc mơ lớn.

Đầu tiên, bóng đá Việt Nam bị HLV người Áo Alfred Riedl từng nói rằng: "Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc". Câu nói của cựu HLV trưởng Việt Nam thực sự chính xác. Khái niệm này vẫn còn đúng nếu nhìn về mặt bằng chung của sân chơi chuyên nghiệp, có những nhà vô địch V.League bị mất suất đá cúp châu Á vì lý do không đủ tuyến đào tạo trẻ. CLB Quảng Nam mất suất vào năm 2018, CLB Hà Nội mất suất vào năm nay dù là nhà vô địch V.League 2019.

Tư duy làm bóng đá theo kiểu xây nhà từ nóc chỉ bắt đầu được thay đổi khi Học viện bóng đá HAGL - Arsenal - JMG ra đời vào năm 2007. Nguyên nhân là bầu Đức được HLV Wenger chỉ giáo là cần tập trung phát triển đào tạo trẻ. 

Chính hương đi đúng đắn của bầu Đức đã kéo cả nền bóng đá đi theo, nhiều đội bóng bắt đầu chú ý vào công tác đào tạo trẻ. Điển hình là CLB Bình Dương nổi tiếng mua ngôi sao, họ được ví như "Chelsea Việt Nam" nhưng chuyển hướng vào đào tạo trẻ. Tiến Linh là một trong những sản phẩm ưu tú nhất của bóng đá đất Thủ sau nhiều năm cố gắng đào tự đào tạo ra cầu thủ.

Bầu Đức cũng mở ra con đường cho các đội bóng, trung tâm bóng đá học cách hợp tác với các CLB nước ngoài để cho ra đời các "lò" đào tạo trẻ. Điển hình là Học viện bóng đá Juventus đã ra đời ở Vũng Tàu.

Nỗi oan của lứa Công Phượng và con đường đến World Cup Ảnh 1
Bầu Đức là người mở đường của bóng đá Việt Nam.

Hơn hết, bầu Đức không chỉ tốn tâm huyết, tiền bạc làm đào tạo trẻ, ông còn chấp nhận đá không thành tích, nhấc cả lứa Công Phượng lên chơi V.League 2015 để tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ có cơ hội cọ xát, trưởng thành, qua đó cống hiến cho các ĐTQG.

Thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng bầu Đức sai lầm khi đưa cả lứa Công Phượng lên chơi V.League. Tuy nhiên, sự lý giải của HLV Park Hang Seo chỉ ra bầu Đức đúng, sự chỉ trích là nỗi oan cho lứa Công Phượng: V.League đang thiếu cơ hội cho các cầu thủ trẻ phát triển, đó là nguyên nhân khiến ông khó tìm được những tài năng trẻ để kế thừa lứa đàn anh. Đó cũng là lý do ông Park thường xuyên tập trung U22 Việt Nam để có cơ hội phát hiện các nhân tố mới, nhằm chuẩn bị cho SEA Games 31.

Rất rõ ràng, triết lí để bóng đá Việt Nam thành công trong thời gian qua chính là tập trung đào tạo trẻ, các tài năng được tạo điều kiện trưởng thành, được sớm thi đấu ở môi trường chuyên nghiệp, được tham gia các giải đấu lớn liên tục để có thêm kinh nghiệm. 

Con đường đi đến thành công dưới HLV Park Hang Seo đã chỉ ra công thức thành công cho bóng đá Việt Nam. Đây là điều cần được chính những người làm bóng đá phải đúc kết và phát huy như 13 năm trước thì bầu Đức đã nhìn thấy. Và giấc mơ World Cup có thể còn rất xa nhưng sẽ thành hiện thực nếu công tác đào tạo trẻ phát triển mạnh và cho ra đời thêm nhiều tài năng xuất chúng.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất