Thể thao

Nhà hát nghìn tỷ và chuyện về số phận bi hài của 'sân khấu ngoại hạng'

Văn Nhân
Chia sẻ

Câu chuyện nhà hát giao hưởng trị giá 1.500 tỉ đồng trên đất Thủ Thiêm đang là chủ đề được dư luận đặc biệt quan tâm thời điểm này. Nhìn dự án nghìn tỉ nói trên khiến cho tôi liên tưởng đến số phận của CLB Cần Thơ.

Chuyện tranh cãi về quyết định xây một nhà hát giao hưởng trị giá 1.500 tỉ đồng trên đất Thủ Thiêm được thông qua tại cuộc họp thứ 10 HĐND TP.HCM khoá IX (kỳ họp bất thường) khiến cho tôi liên tưởng đến số phận của CLB Cần Thơ, đội bóng đã chính thức rớt hạng sau 4 năm lên chơi V.League.

CLB Cần Thơ rớt hạng nhưng đang sở hữu một sân vận động lớn nhất Việt Nam. Sân Cần Thơ được xây dựng vào đầu những năm 80. Nằm ven bờ sông Hậu và cạnh bến phà Cần Thơ cũ. SVĐ này có một vẻ đẹp hoang sơ nên tạo sự ấn tượng rất lớn cho khán giả.

Với xứ Tây Đô, sân Cần Thơ được xem là niềm tự hào khi không chỉ tổ chức các trận đấu bóng đá mà hàng năm còn có các cuộc đua xe, nhờ có làn đường đua nhựa (750m).

Sân Cần Thơ được ví như niềm tự hào của xứ Tây Đô.

Sân Cần Thơ có có đường đua xe - một sự khác biệt so với các sân VĐV ở V.League.

Mặt cỏ chỉ của sân Cần Thơ được đánh giá đẹp nhất V.League. Mặt sân Cần Thơ gồm: Lớp đá 46 được xếp theo hình xương cá, lớp thứ 2 là lưới nhỏ phủ lên trên lớp đá 46, kế đến lớp đá nhỏ được rải lên trên lớp lưới, 2 lớp cuối cùng là cát và cỏ chỉ.

Nước tưới mặt cỏ sân Cần Thơ khá đặc biệt, phải canh theo giờ để dẫn nước từ sông Hậu vào. Những người chăm sóc sân chờ lấy con nước phù sa để tưới cho mặt sân luôn xanh tốt.

Tất cả đều rất kỳ công để tạo nên vẻ đẹp cho sân Cần Thơ - một sân vận động được ví như “chiếc lồng sắt không lồ” và mặt sân cỏ chỉ tuyệt đẹp.

Năm 2016, sân Cần Thơ lắp thêm mái che, lắp ghế, các bục bê tông theo phong cách cũ được phá đi ở một phần khán đài B và A để lắp thêm ghế. Kinh phí được thông báo khoảng hơn 10 tỷ đồng.

10 tỷ đồng để tu sửa sân Cần Thơ đẹp hơn nhưng có 1 nghịch lý là đội bóng Tây Đô bắt đầu xuất hiện các vấn đề về tài chính.

Đội bóng xứ Tây Đô được ví như “công tử Bạc Liêu” gặp khó đến mức mượn cầu thủ với mức phí 500 triệu đồng nhưng không thể trả phí. Qua đó, CLB Thanh Hóa lấy người về trong thời điểm giải đấu chưa hết lượt đi.

Đến lúc này, V.League đã kết thúc nhưng các cầu thủ vẫn chưa nhận đủ phí lót tay của mùa giải. Họ được hẹn ngày 15/10 sẽ nhận đủ tiền mà đội bóng còn thiếu.

Có thể thấy nghịch lý lớn của CLB Cần Thơ là sân vận động đẹp chẳng khác nào “sân ngoại hạng” ở V.League, (thực sự, khán giả Tây Đô đi xem bóng đá thuộc diện thấp nhất V.League), nhưng vẫn tu sửa để tốn số tiền 10 tỷ đồng. Sau đó, đội bóng rơi vào tình cảnh nợ lót tay, nợ lương. Cuối cùng, Cần Thơ rớt hạng ở V.League, với vấn đề nổi bật là kinh phí hoạt động có vấn đề.

Câu chuyện của Cần Thơ có thể thấy, họ bỏ 500 triệu để giữ Hữu Dũng thì số phận đội bóng có thể rẽ sang một hướng khác. Còn tốn 10 tỷ sửa sân Cần Thơ rõ ràng không mang đến thêm niềm vui cho khán giả Tây Đô. Chỉ có nỗi buồn là đội nhà phải xuống hạng trong cảnh chưa trả hết tiền cho cầu thủ.

Đội bóng Tây Đô đã rớt hạng sau 4 năm lên chơi V.League.

Nếu bỏ tiền để làm đẹp thêm “sân khấu ngoại hạng” mà đội bóng sống khó khăn, người hâm mộ chưa yêu bóng đá thì mọi thứ đều vô nghĩa, thậm chí là vô lý. Và Cần Thơ không tìm ra hướng thoát để bóng đá tồn tại thì sân Cần Thơ sẽ bị quên lãng. Chưa sống tốt, sống khỏe mà nghĩ “chuyện trăng sao”. Đó là nghịch lý!

Hay câu chuyện nhà hát nghìn tỷ, vấn đề đặt ra là cần thiết và đúng thời điểm chưa? TP.HCM cần có nhà hát xứng tầm nhưng quan trọng là giá trị mang lại và nhìn từ các vấn đề khác thì cần xây nhà hát trước hay chăm lo tốt đời sống tinh thần trước. Giá trị tinh thần không thể thiếu nhưng số đông luôn chọn giá trị thực tế trước…

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất