Thể thao

Nguyễn Công Phượng - Chàng trai từng bị ruồng bỏ và một cuộc đời như phim

Văn Nhân
Chia sẻ

Công Phượng đã vượt qua rất nhiều cột mốc trong sự nghiệp để có thể trở thành niềm tự hào của bóng đá Việt Nam.

Buổi chiều định mệnh ở Selayang

Buổi chiều nắng vàng ở sân Selayang (ngày 24/8/2017), Malaysia sẽ mãi mãi không bao giờ phai trong ký ức của những chàng trai trẻ nhà bầu Đức. Một buổi chiều tràn ngập hy vọng trước giờ bóng lăn và kết cục thật sự nghiệt ngã như định mệnh với lứa Công Phượng.

Hai sai lầm của thủ thành Phí Minh Long đẩy U22 Việt Nam vào thế cửa tử với 2 bàn thua trước U22 Thái Lan sau hiệp 1. Cơ hội của thầy trò Hữu Thắng được thắp lại khi Công Phượng đứng trước quả phạt đền ở phút 66. Công Phượng bước lên với ánh mắt đăm chiêu và cú dứt điểm vọt xà ngang.

Thất bại trước U22 Thái Lan, U22 Việt Nam dừng bước ngay từ vòng bảng SEA Games 29. Từ niềm hy vọng vàng trở thành nỗi thất vọng dành cho lứa Công Phượng. Nhưng bi kịch và nghiệt ngã là chính người hâm mộ Việt Nam quay lưng với các cầu thủ. Công Phượng trở thành “nạn nhân” cho cơn tức giận. Tất cả quên mất chính chàng trai trẻ của HAGL đang buồn hơn ai hết. Họ chẳng quan tâm. Nhiều tiếng chửi vang vọng khắp khán đài sân Selayang.

Công Phượng từng thấu chịu nỗi cay đắng tột cùng trên đất Malaysia.

Bốn mặt khán đài sân Selayang là tiếng chửi của CĐV Việt Nam. Những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… gần như chết lặng. Bóng đá thật nghiệt ngã. Những chàng trai trẻ tuổi 22 phải gồng gánh sứ mệnh của cả một nền bóng đá trong nhiều năm, cuối cùng khi thất bại thì họ tiếp tục trở thành tâm điểm chỉ trích, dù cách đó vài ngày thì họ được tung hô như… người hùng.

Tôi nhớ như in lời hờn trách trong tức giận của một CĐV Việt Nam rằng: “Tôi đề nghị Công Phượng giải nghệ, một mình một bóng lại đá lên trời. Nên giải nghệ để làm gương cho thế hệ trẻ”.

Đằng sau tiếng chửi thì không ai biết rằng, Công Phượng là một chàng trai dũng cảm, dám bước đến chấm phạt đền để đá thay người đồng đội Hồ Tuấn Tài. Công Phượng đá trong tâm thế xác định: Nếu không thành công thì hãy để một mình Phượng gánh chịu, còn Tuấn Tài chịu quá nhiều chỉ trích nên thêm lần nữa sẽ thành bi kịch.

Bóng đá mang tính giải trí cao nhưng sự vùi dập với số phận cầu thủ đôi khi thật phũ phàng đến mức hủy hoại một tài năng. Công Phượng nói riêng và “đám trẻ nhà bầu Đức” nói chung, thấu chịu một cơn ghẻ lạnh chưa từng có trong lịch sử bóng đá Việt Nam, dù chính họ là những người làm hồi sinh cả một nền bóng đá từng bị mất niềm tin.

Ở đó, người đáng thương nhất là Công Phượng. Chàng trai tuổi 22 thấu chịu hết áp lực này đến áp lực khác, hết tung hô đến chê trách, hết khen ngợi đến “ném đá”. Nhưng Phượng chưa bao giờ phải cô đơn đến mức cùng cực như buổi chiều nắng vàng ở sân Selayang. Một cột mốc chắc chắn Công Phượng ghi nhớ mãi trong sự nghiệp.

Người hùng bị lãng quên

Buổi chiều trên sân sân Selayang trở thành một hệ lụy kéo dài đến tận năm 2018. Công Phượng dường như bị ghẻ lạnh đến mức khó hiểu. Chàng trai người xứ Nghệ có những đóng góp quan trọng cho U23 Việt Nam, thậm chí ghi những bàn thắng quyết định nhưng số đông không còn để ý đến.

Tất cả chìm trong men say chiến thắng mà quên mất Công Phượng đóng góp đầy thầm lặng. Công Phượng chấp nhận lùi về chơi phòng ngự để các đồng đội tỏa sáng. Một sự thay đổi đầy tích cực, chấp nhận vì chiến thắng chung của Công Phượng. Nhưng Phượng vẫn cô đơn. Chẳng còn được nhắc đến như một sự lãng quên đáng sợ của bóng đá.

Công Phượng bị “bỏ rơi” theo cách nghiệt ngã nhất. Những cái ôm, đám đông chạy theo xin chữ ký, chụp ảnh của ngày nào đã nhạt nhòa. Sau U23 châu Á 2018, Công Phượng gần như bị rơi tự do trong mắt người hâm mộ, chỉ còn tình yêu của những fan hâm mộ của CLB HAGL. Họ là những người đã dõi theo Phượng từ thuở mới trình làng đến ngày trưởng thành.

Những tháng ngày bị lãng quên thật sự bất công với Công Phượng.

Một nốt trầm trong sự nghiệp của Công Phượng. Người hùng bị lãng quên. Hay đúng hơn là “nạn nhân” của bóng đá Việt Nam. Tình yêu phải đi kèm thành tích, bàn thắng. Số đông quên rằng, cầu thủ cần nhất là sự an ủi khi thất bại. Đơn giản, “nếu bạn không ở bên cạnh đội bóng khi thất bại thì đừng tung lô lúc thành công”.

Tất nhiên, số đông cũng quên mất Công Phượng từ lúc trình làng thì hàng triệu người thổn thức. Không biết bao nhiêu người trên mọi miền đất nước từng kéo về phố Núi với một giấc mơ đơn giản là được xem Phượng thi đấu, được nhìn thấy thần tượng bằng xương bằng thịt, được chụp hình, xin chữ ký. Ngay đến những buổi tập của Công Phượng cũng bị vây kín bít, nhiều người gào thét gọi tên Phượng trong sung sướng…

Nhưng đến thời điểm thần tượng vào cảnh thăng trầm thì đổi lại bằng cách “ném đá”, ánh mắt phũ phàng theo kiểu phủi sạch tình yêu. Nếu như thế thì chưa thể gọi là tình yêu dành cho cầu thủ. Vì yêu thì phải trân trọng những kỷ niệm, cột mốc, đồng hành kể cả vui lẫn buồn.

Không chỉ người hâm mộ, các chuyên gia cũng thay nhau chỉ trích Công Phượng. Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá xuất hiện cụm từ “đi bóng như húc đầu vào tường”. Đó là nhận xét dành cho Phượng từ một chuyên gia bóng đá Việt Nam.

Sao có thể như thế được? Bầu Đức từng đặt câu hỏi như thế sau khi đọc được những lời nhận xét về Công Phượng. Bầu Đức tức giận đến mức mắng rằng: Không thích Công Phượng thì đừng xem.

Cũng một phong cách đi bóng, Công Phượng đi qua một loạt cầu thủ ghi bàn thì gọi là siêu phẩm. Nhưng lỡ mất bóng thì bị gọi “húc đầu vào tường”. Càng vô lý hơn khi đến lúc đội bóng thất bại thì cứ dồn lên Công Phượng, trong khi bóng đá là cuộc chơi của cả tập thể!

Họ cũng quên mất một cầu thủ trẻ cần lời động viên, thay vì chỉ trích. Nếu cứ “ném đá” có thể hủy hoại một tài năng. Đó cũng là lý do bầu Đức phải ra mặt để bảo vệ Công Phượng.

Đi qua giông bão mới thấy được sự phi thường

Một cầu thủ giỏi không chỉ biết tạo nên những siêu phẩm. Cầu thủ đó phải có nghị lực, ý chí mạnh mẽ để vượt qua áp lực và định kiến. Công Phượng từng phải đứng giữa sự yêu - ghét của môn thể thao Vua. Nếu không có được bản lĩnh và sự chịu đựng của một ngôi sao thì rất dễ sống mòn trong mác thần đồng.

Trải qua nhiều cột mốc từ vui đến buồn, từ hành trình quang chói sáng đến sự u ám, Công Phượng đã trưởng thành, cứng cáp và phát triển như kỳ vọng. Đó là một sự nỗ lực vượt bậc đáng ngợi khen của Công Phượng.

Nhìn lại những cột mốc lịch sử bóng đá Việt Nam, từ U23 châu Á đến ASIAN Cup 2019, Công Phượng đều có những đóng góp rất lớn để viết nên lịch sử cho bóng đá nước nhà. Những bàn thắng quý như vàng vào lưới Iraq, Jordan… là minh chứng rõ ràng nhất nếu những ai muốn thêm một lần phũ nhận tài năng của Công Phượng.

Lịch sử bóng đá Việt Nam rồi cũng phải ghi nhận Công Phượng, chàng trai mới 24 tuổi đã có hai lần xuất ngoại đến với các nền bóng đá hàng đầu châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Đó là niềm tự hào cho cả một nền bóng đá ở “vùng trũng”.

Hãy nhìn hiệu ứng Công Phượng đang mang lại trong lần thứ hai xuất ngoại. Từ truyền thông Hàn Quốc đến châu Á, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đều nhắc đến Công Phượng. Bóng đá Việt Nam cần những cầu thủ như Công Phượng để người hâm mộ châu lục biết đến. Đó không chỉ gói gọn ở bóng đá, mà còn có các ý nghĩa khác trên nhiều lĩnh vực.

Cũng cần nhìn lại một hành trình dài để khẳng định chính mình của Công Phượng, qua đó trân trọng và tự hào về một cầu thủ Việt Nam tài năng, biết cầu tiến, chưa bao giờ cho phép bản thân gục ngã để đến ngày “bay” ra châu lục.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin mới nhất