Thể thao

Ngôi sao cuối cùng chơi bóng như biểu diễn

Theo Bongdacuocsong
Chia sẻ

Vào thời điểm cuối thập niên 90, Denilson chính là cầu thủ đắt giá nhất lịch sử bóng đá thế giới khi mới 20 tuổi. Nhưng anh không chứng tỏ được nhiều, phải lang bạt sang các CLB nhỏ rồi giải nghệ trong yên ắng.

PHÁ KỶ LỤC CHUYỂN NHƯỢNG NHỜ KỸ THUẬT KHÓ TIN

Năm 1998, Real Betis chiêu mộ Denilson từ Sao Paulo với mức giá không tưởng 21,5 triệu bảng. Đó là một con số khổng lồ ở thời điểm ấy, nhưng được cho là “đắt xắt ra miếng” với Denilson. Lúc đó Denilson mới 20 tuổi, nhưng đã là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. 17 tuổi, Denilson lên đội một Sao Paulo, 2 năm sau anh lần đầu được gọi lên tuyển Brazil.

Ở Copa America và sau đó là Confed Cup 1997, Denilson đều góp mặt. Anh ra sân tổng cộng 10 lần ở 2 giải đấu đó, và Brazil đều lên ngôi vô địch. Đến France 98, Denilson tiếp tục là quân bài chiến lược của ĐT Brazil, ra sân ở mọi trận đấu. Denilson có thể thi đấu ở 2 bên cánh, và khiến hàng thủ đối phương rối loạn bằng tốc độ, kỹ thuật của mình. Đó là lý do Betis sẵn sàng chi tiền tấn sau khi chứng kiến anh tỏa sáng ở World Cup.

Thương vụ Denilson là lần thứ tư kỷ lục chuyển nhượng của bóng đá thế giới bị phá vỡ chỉ trong vòng 2 năm. Trước đó Ronaldo “béo” lập kỷ lục vào năm 1996 khi đầu quân cho Barcelona, rồi lập tức bị Alan Shearer phá vỡ. Một năm sau, Ronaldo đến Inter với một kỷ lục mới. Nếu như Ronaldo và Shearer đều là những chân sút hàng đầu, với tài năng được kiểm chứng qua số bàn thắng, thì Denilson giá trị bởi kỹ thuật cá nhân khó tin của anh.

Năm 1998, Denilson khiến Betis phá kỷ lục chuyển nhượng để mang anh về.

4 mùa bóng chơi ở Sao Paulo trước khi sang châu Âu, Denilson chỉ ghi vỏn vẹn 4 bàn thắng. Bù lại, anh cống hiến cho người hâm mộ vô số tình huống đi bóng mãn nhãn, trêu tức đối thủ trên sân. Chứng kiến Denilson thi đấu là chứng kiến một nghệ sĩ thực thụ trên sân cỏ tỏa sáng, dù đôi lúc anh lạm dụng kỹ thuật cá nhân quá đà. Điều đó khiến chủ tịch Manuel Ruiz de Lopera của Betis mê mẩn, và ông quyết định đưa anh về.

Đội tuyển Brazil có lý do riêng để cho Denilson ngồi dự bị, thay vì đá chính ở từng trận đấu. Cả Mario Zagallo, Vanderlei Luxemburgo lẫn Felipe Scolari đều làm vậy. Zagallo nói: “Denilson là một cầu thủ đáng chú ý, cậu ấy có thể làm những điều khó tin, và làm thương tổn đối thủ nhanh chóng. Đội tuyển dùng cậu ấy vào những lúc cần đến tác động do cậu ấy đem lại. Chúng tôi không thể vô địch World Cup chỉ với 11 cầu thủ đá chính được”.

Bản thân Ronaldo béo cũng khen ngợi Denilson là quân bài dự bị chiến lược đáng chú ý nhất của Brazil. Chừng đó là quá đủ với De Lopera, một người luôn chi tiền bằng cảm hứng thay vì tính toán thiệt hơn. Không chỉ đưa Denilson về với mức giá chuyển nhượng kỷ lục thế giới, ông còn trao cho anh bản hợp đồng… 10 năm cùng mức lương 40 ngàn bảng/tuần.

SỰ THẬT PHŨ PHÀNG

Những ngày đầu trên đất Tây Ban Nha của Denilson tưởng chừng vô cùng dễ dàng. Anh nói mình cảm nhận được lòng tốt từ CLB mới, nhấn mạnh muốn kết bạn cùng mọi người, và bắt đầu cuộc sống mới ở nơi đây. Nhưng bi kịch dần tới chỉ sau 2 mùa giải. Cuối mùa 1999/2000, Betis xuống hạng, còn Denilson chỉ ghi 5 bàn sau 2 mùa giải. Những động tác vẽ vời của anh trên sân cỏ không thể chuyển hóa thành bàn thắng.

Betis chỉ mất 1 mùa giải để trở lại La Liga bằng niềm cảm hứng mang tên Denilson. Nhưng chơi ở La Liga hoàn toàn khác biệt so với giải hạng Nhất, nơi trình độ hàng phòng ngự các CLB ở một đẳng cấp hoàn toàn khác biệt. Denilson cũng dần tỏ ra lép vế so với những cầu thủ trẻ đang lên như Joaquin: đa năng, hiệu quả, đặc biệt ở khâu ghi bàn và kiến tạo. Denilson trung bình mất tới… 14 trận để ghi 1 bàn, dù anh vẫn luôn làm khán giả mãn nhãn.

Nhưng chỉ sau 3 mùa bóng, anh đã bị Betis thải hồi vì không đóng góp được gì nhiều và bắt đầu lang thang qua các CLB nhỏ.

Khi tình hình tài chính của Betis dần xấu đi, Denilson bắt đầu trở thành gánh nặng với đội bóng. Không CLB nào muốn chứa cầu thủ hưởng lương cao ngất đến vài triệu bảng nhưng không thể ghi nổi quá 3 bàn thắng mỗi mùa. Năm 2005, Denilson bị Betis thanh lý hợp đồng sớm 3 năm. Anh trôi dạt sang Pháp, Saudi Arabia, Mỹ, rồi về Brazil tìm cách cứu vãn sự nghiệp nhưng không thành công. Ở tuổi 32, Denilson đã sống trong cảnh thất nghiệp.

Điều tương tự cũng xảy ra với Denilson trong màu áo đội tuyển Brazil. Tại World Cup 98, anh được tung vào sân vài phút cuối trận chung kết nhưng những pha đi bóng của Denilson vô tình chỉ giúp Pháp kéo dài thời gian hơn. Đến World Cup 2002, ấn tượng duy nhất Denilson để lại là màn đi bóng chọc tức các cầu thủ Thổ Nhĩ Kỳ cuối trận bán kết, khi anh bị 4 cầu thủ đối phương đuổi theo quyết giành lại bóng. Một năm sau, Denilson ra sân trong trận giao hữu hòa Trung Quốc 0-0. Từ đó anh biến mất khỏi tuyển Brazil lúc mới 25 tuổi.

Đầu năm 2009, Denilson ký hợp đồng với Itumbiara, một CLB thuộc bang Goias ở Brazil, rồi bị thanh lý khi chưa kịp thi đấu trận nào. Đó là lúc anh tìm đường đến Việt Nam thi đấu. V.League khi ấy vốn là mảnh đất luôn chào đón những cầu thủ gốc Nam Mỹ, và đó là lý do Denilson muốn kiếm một món hời lớn tại đây khi sự nghiệp bước sang tuổi xế chiều.

DẤU ẤN CUỐI CÙNG

Năm 1998, Denilson là cầu thủ đắt giá nhất thế giới. 11 năm sau, anh là cầu thủ được trả lương cao nhất V.League. Bản hợp đồng giữa Denilson và Hải Phòng khi đó không có con số chính thức nào được đưa ra, nhưng theo thông tin trên trang chủ FIFA hồi đó, đội bóng thành phố Cảng đã chi tới 120 tỷ đồng để Denilson đặt bút ký vào bản hợp đồng 6 tháng. Sau này, con số thực được ước tính chỉ vào khoảng 2-3 tỷ vì Denilson đã nói dối về tình hình sức khỏe của anh khi ký hợp đồng.

Denilson đến Hải Phòng vào thời điểm mọi cầu thủ trong đội đều phải phục vụ Leandro, ngôi sao sáng nhất ở CLB. Nhưng Denilson lập tức khiến người đồng hương Brazil bị lu mờ. Ngày anh ra mắt và đá tập biểu diễn cùng đồng đội ở CLB mới, có khoảng 7.000 cổ động viên đến theo dõi. Ngày Denilson ký kết hợp đồng được Hải Phòng tổ chức như một buổi lễ trọng đại, để xứng tầm cầu thủ một thời đắt giá nhất thế giới.

Trận đấu ra mắt của Denilson trong màu áo Hải Phòng được ấn định ở vòng 21 V.League 2009 gặp Hoàng Anh Gia Lai. Lập tức, anh trở thành cơn sốt đối với người hâm mộ Hải Phòng. Trận gặp HA.GL khi đó diễn ra trên sân Lạch Tray, và Denilson khiến 4 khán đài sân Lạch Tray nhanh chóng cháy vé. Người hâm mộ sẵn sàng bỏ tiền ra mua tấm vé bị hét giá cao gấp 5-10 lần giá thực chỉ để “được vào xem Denilson thi đấu”.

Ở tuổi 32, anh quyết định sang Việt Nam thử sức trong màu áo Xi Măng Hải Phòng nhưng chỉ đá đúng 1 trận rồi mất hút.

Ra sân ngay từ đầu trong trận gặp HA.GL, Denilson chỉ mất đúng 1 phút để chứng minh vì sao anh từng là cầu thủ đắt giá nhất. Leandro chưa bao giờ nhường cầu thủ nào đá phạt trong thời gian anh thi đấu cho Hải Phòng, trừ Denilson. Denilson chầm chậm bước về phía trước rồi tung chân sút. Một cú đá theo phong cách lá vàng rơi, và bóng đi thẳng vào lưới. Những phút sau đó, Denilson tiếp tục biểu diễn bằng vô số pha giật gót chuyền bóng cho các đồng đội.

Nhưng đó là lúc Denilson dần cho thấy sự… bất thường ở cách anh thi đấu. Anh không chạy nhiều, nhưng di chuyển ngày càng nặng nề. Hiệp 1 kết thúc, và Denilson được thay ra. Hải Phòng hôm đó thắng trận, nhưng không ai biết Denilson ở đâu, làm gì. 3 tuần sau, CLB thông báo anh chính thức rời Hải Phòng. Thêm 1 tuần nữa, Denilson về quê nhà Brazil, thừa nhận mình vẫn đang gặp chấn thương và không thể thi đấu cho Hải Phòng.

Trận đấu trong màu áo Hải Phòng cũng chính là trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp của Denilson. Sau này anh có đến đầu quân cho một CLB Hy Lạp nhưng cũng nhanh chóng bị thanh lý hợp đồng khi chưa chơi trận nào. Denilson giải nghệ ở tuổi 33 khi vẫn còn dang dở khát khao chơi bóng và không có CLB nào làm nơi nương tựa.

Phong cách chơi bóng như biểu diễn đã khiến Denilson không thể tồn tại trong thời buổi bóng đá thực dụng.

Những nốt thăng trầm trong sự nghiệp của Denilson cũng là minh chứng cho thấy bóng đá thế giới đang chuyển mình hướng tới lối chơi thực dụng, hiệu quả. Những nghệ sĩ sân cỏ như Denilson sau này ngày càng hiếm gặp trong bóng đá hiện đại, bởi họ thường chơi rườm rà và khiến tốc độ tấn công của cả đội chậm lại. Denilson gần như là ngôi sao cuối cùng của một thế hệ những cầu thủ chơi bóng như biểu diễn trên sân.

Còn về phía Hải Phòng, 45 phút ngắn ngủi của Denilson trên sân Lạch Tray đủ để khiến người hâm mộ mãn nhãn. Đó là lần đầu tiên, và cũng là lần duy nhất người hâm mộ bóng đá Việt Nam được chứng kiến một ngôi sao đẳng cấp siêu sao thi đấu ở V.League. Từng pha chạm bóng của Denilson đều thể hiện trình độ khác biệt vượt trội. Nhưng cũng chính Denilson là ví dụ cho bài học xương máu của các CLB Việt Nam khi ký hợp đồng với một cầu thủ.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Bongdacuocsong

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất