Thể thao

Kiều Minh Tuấn, An Nguy trong tấn bi kịch… Method acting

Văn Nhân
Chia sẻ

Method acting là gì? Theo cách giải thích trong điện ảnh thì Method acting là kỹ năng diễn xuất đưa người diễn nhập tâm đến cảnh giới cao nhất để mang lại sự chân thật của vai diễn.

Một cách lý giải sâu xa hơn, với Method acting thì người diễn xuất gần như trở thành một con người khác hoàn toàn so với chính mình. Họ nhập vai để diễn xuất khiến cho người xem có thể cảm nhận được vai diễn giống như đời thực. Tuy nhiên, nếu diễn viên nhận được vai diễn khó, phức tạp mà nhập tâm có thể mang đến hậu quả cho chính họ về tinh thân lẫn thể xác, khi họ đã trở thành một con người khác từ chính vai diễn và không có cách nào thoát ra được để trở lại là chính mình.

Tại sao lại nói đến Method acting? Câu chuyện tình ồn ào của Kiều Minh Tuấn và An Nguy cũng liên quan đến điều này. Khi Kiều Minh Tuấn cho rằng An Nguy đã không thể bước ra khỏi thế giới phim sau khi diễn xuất cùng anh, tức không có cách nào bước ra khỏi vai diễn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chuyện hai người yêu nhau sau khi đóng phim Chú ơi đừng cưới mẹ con.

Phải chăng Kiều Minh Tuấn và An Nguy đã đến cảnh giới Method acting.

Một số ý kiến lý giải theo cách vui thì người diễn viên chẳng khác nào như… mê sảng sau khi đóng phim với cảnh giới diễn xuất đạt đến kỹ năng Method acting.

Sống trong mê sảng cũng là chuyện của bóng đá Việt Nam. Sau 17 năm lên chuyên nghiệp, V.League vẫn trong cảnh nửa vời, giấc mơ chuyên nghiệp chỉ được gắn tên còn giải đấu thì còn cách quá xa sự chuyện nghiệp.

Từ chuyện xếp lịch tranh cãi của VPF đến sai sót trọng tài, hay chuyện các cầu thủ đá xấu… Nghịch lý đó tồn tại trong gần 2 thập kỷ và chẳng thể giải quyết được.

Trọng tài là nỗi ám ảnh của người hâm mộ Việt Nam. Ảnh: Đ.V

Nếu xem V.League là một bộ phim dài tập thì bầu Tú xứng đáng được đánh giá tài ba, với những vai diễn nhập tâm đến cảnh giới Method acting. Bầu Tú mới lên tiếng VPF sẽ loại bỏ những trọng tài mắc sai sót. Llàm như hiện tại liệu có loại hết không bầu Tú?

Bầu Tú từng rưng rưng nước mắt trong một cuộc họp báo ngày 10/4. Cuối cùng, bầu Tú vẫn đang ngồi cả ba ghế Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc và Trưởng giải. Sân chơi chuyên nghiệp do một người nắm hết mọi chức quan trọng thì sao tốt được, sao thuyết phục được dư luận. Chính bầu Thắng từng bảo cả xã hội nhìn vào thấy kỳ kỳ. Chỉ mỗi bầu Tú không thấy kỳ kỳ nên vẫn cứ ngồi kiểu ba chân cho chắc.

Ví dụ chuyện trọng tài sai sót bị chỉ trích nhưng chính sếp trọng tài từng bảo: Bầu Tú đang làm theo kiểu vừa thổi còi vừa đá bóng. Lãnh đạo ban trọng tài nói huỵch toẹt như thế thì liệu có phối hợp tốt với VPF để giải đấu giảm bớt điều tiếng?

Người xưa đã nói: Thượng bất chính hạ tắc loạn. Thế nên, đừng cứ sai thì rút kinh nghiệm theo kiểu đối phó dư luận, thì sợi dây kinh nghiệm ở V.League nếu rút sao hết được!

Bóng đá Việt Nam cần có giải pháp thiết thực. Ai đã nêu ra? Bầu Đức từng nêu đấy thôi: Đuổi ông Mùi là xong, họp hành làm gì. Lời nói của bầu Đức quá thẳng nên khó nghe, nhưng trọng tài sai quá nhiều thì người làm tướng phải chịu trách nhiệm. Khổ nỗi văn hóa từ chức của bóng đá Việt Nam là điều quá xa xỉ.

Bầu Tú vẫn đang ngồi đến ba ghế quan trọng ở VPF.

VPF gặp rắc rối chuyện xếp lịch, bị “tố” ưu ái CLB Hà Nội thì cần nhìn lại vai trò của bầu Tú. Tại sao không tìm một người có chuyên môn, am hiểu V.League để ngồi vị trí Trưởng ban điều điều hành, sao nhất định phải để bầu Tú kiêm nhiệm cả ba ghế. Các đội bóng ở V.League phải có tiếng nói phản biện, phải cùng nhau tìm người tài giỏi để ứng cử vào các vị trí quan trọng ở VPF. Ban lãnh đạo VPF cần tụ hợp được nhiều người giỏi, có tâm, công bằng thì giải đấu mới tốt lên.

Những vấn đề thiết thực đó gần không được giải quyết. Cứ diễn mãi theo kỹ năng Method acting thì đến cảnh giới cao nhất cũng không thuyết phục được người hâm mộ. Vì bóng đá là sân khấu bốn mặt, chỉ có điều thiết thực và tốt lên từng ngày mới được ghi nhận.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất