Thể thao

Khi giáo dục, sự tử tế và cái đẹp tạo ra văn hóa bóng đá

Văn Nhân
Chia sẻ

Một môi trường đào tạo cầu thủ bài bản, có tính giáo dục và tử tế sẽ cho ra đời những cầu thủ giỏi và chuẩn mực trên sân cỏ lẫn cuộc sống.

5 năm trở lại đây, bóng đá đang được người dân Việt Nam đón nhận rất lớn. Bóng đá nước nhà được lan tỏa rộng lớn và tạo ra những khái niệm bắt đầu từ cuối năm 2013 với câu chuyện mang tên “những đứa trẻ của bầu Đức”.

Bóng đá Việt Nam từng có Thể Công, đội bóng nhận được sự yêu mến trên khắp cả nước, nhưng sau đó “cơn lốc đỏ” - (biệt danh của Thể Công) đã bị xóa sổ. Tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008 tạo nên cảm hứng lớn cho nhiều người nhưng chính một số cầu thủ được ví như người hùng đã sa ngã theo các cách khác nhau.

Câu chuyện “những đứa trẻ của bầu Đức” đi theo xu hướng khác biệt, đó là giá trị giáo dục trong bóng đá. Những đứa trẻ vùng quê nghèo trên cả nước không chỉ có cơ hội đổi đời, mà còn được ăn học văn hóa tử tế, học ngoại ngữ và một triết lý bóng đá đẹp. Thế nên, khi “những đứa trẻ của bầu Đức” xuất hiện thì nhận được sự yêu mến của hàng triệu người hâm mộ trên cả nước Việt Nam.

“Những đứa trẻ của bầu Đức” ra đời đã góp phần tạo nên tình yêu cho người hâm mộ cả nước.

Hình ảnh dòng người đổ đi xem những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn… thực sự rất đặc biệt. Lần đầu tiên có một lứa cầu thủ 18 - 19 tuổi có thể kéo hơn 50 nghìn người hâm mộ đến sân Cần Thơ xem một trận đấu ở giải đấu mang tính giao hữu. Họ đi đến đâu thì các buổi tập luôn chen chúc người xem, còn các trận đấu thường xuyên rơi vào cảnh báo động với nguy cơ vỡ sân.

Hơn hết, bóng đá đẹp - đá sạch - đá fair-play - đá vì người hâm mộ , hay làm bóng đá chuyên nghiệp phải đào tạo trẻ một cách tử tế bắt đầu được hình thành từ hạt mầm mang tên “những đứa trẻ của bầu Đức”. Đó chính là nền móng để tạo nên sự thành công cho bóng đá nước nhà dưới thời HLV Park Hang Seo khi điều quan trọng hơn cả kỹ năng chơi bóng chính là người hâm mộ tin các cầu thủ đá thật, còn trên sân cỏ thì toàn đội thi đấu với một tinh thần quyết thắng và sự đoàn kết ở mức cao nhất.

Câu chuyện tính thời sự gần nhất là các cầu thủ Việt Nam bắt đầu xuất ngoại ra châu Âu. Đó là một giấc mơ xa xỉ của cầu thủ Việt Nam nhưng Công Phượng, Đoàn Văn Hậu đã có tên trong danh sách chuyển nhượng bóng đá quốc tế ở mùa hè 2019. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng xuất phát từ “những đứa trẻ của bầu Đức” khi ba cầu thủ Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh từng cùng lúc đi Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 2015.

Một môi trường giáo dục bài bản sẽ cho ra đời những cầu thủ giỏi và chuẩn mực trên sân cỏ lẫn cuộc sống.

Tất cả những điều kể trên gói gọn trong cụm từ: Văn hóa bóng đá. Một khái niệm mới dành cho bóng đá nước nhà để tin rằng trong tương lai sẽ chạm tay vào giấc mơ World Cup như các nền bóng đá hàng đầu châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc…

Văn hóa bóng đá thực sự có một ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển của môn thể thao Vua. Ví dụ bóng đá Nhật Bản có sự chuyển mình “thần kỳ” kể từ khi tác giả Takahashi cho ra đời bộ truyện tranh Đội trưởng Tsubasa, ngay đến những danh thủ hàng đầu thế giới như Torres, Iniesta - thế hệ vàng của bóng đá Tây Ban Nha.

Văn hóa là tiền đề quan trọng để tạo nên thành tích trong bóng đá và nó ảnh hưởng đến sự phát triển ở hiện tại lẫn tương lai. Và dĩ nhiên khi chúng ta nói đến văn hóa thì không chỉ bàn riêng ở môn bóng đá…

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin mới nhất