Thể thao

Khi Công Vinh lo Việt Nam được khen nhiều, rất dễ trả giá

Quyết Thắng
Chia sẻ

Cựu tiền đạo Lê Công Vinh đã lo lắng về chuyện ĐT Việt Nam nhận được nhiều lời khen sau khi vượt qua vòng bảng AFF Cup 2018.

Mặc dù giải nghệ cách đây 2 năm nhưng Lê Công Vinh vẫn quan tâm đến bóng đá Việt Nam, nhất là trong cảnh ĐT Việt Nam sắp đá bán kết AFF Cup 2018. Thế nên, tiền đạo từng khóc “cạn” nước mắt ở Mỹ Đình đã thông qua báo chí muốn nhắn nhủ các cầu thủ Việt Nam cần tỉnh táo trước những lời khen, nếu không có thể trả giá, vì mục tiêu không chỉ bán kết.

Thực tế, Công Vinh nói cũng dựa trên kinh nghiệm của anh sau 12 năm cống hiến cho ĐT Việt Nam, với nhiều lần ngã ở bán kết AFF Cup 2018. Hai kỳ gần nhất là ví dụ. Công Vinh và ĐT Việt Nam đều ôm hận dù được đá trận bán kết lượt về ở sân nhà.

Công Vinh lo lắng chuyện khen quá nhiều ảnh hưởng đến tâm lý các cầu thủ.

Công Vinh từng khóc rất nhiều sau trận đấu với Indonesia ở bán kết AFF Cup 2016 tại Mỹ Đình. Hôm đó, Công Vinh bất lực trong việc ghi bàn, còn thủ môn Nguyên Mạnh trở thành tội đồ với chiếc thẻ đỏ bị xem là ngớ ngẩn nhất trong sự nghiệp.

Nhưng nói đi thì cũng nói lại, ĐT Việt Nam với nòng cốt U23 Việt Nam thực ra cũng chẳng cần lo lắng quá nhiều về chuyện khen - chê. Vì chẳng ai muốn ĐTVN thua trận, chỉ mong thắng để khen. Chính họ đã trải qua quá nhiều sự ngợi ca, thậm chí ngất trời với thành tích ở U23 châu Á 2018 và ASIAD 18. Nhờ những lời khen, tinh thần cổ vũ cuồng nhiệt tại quê nhà, thầy trò HLV Park Hang Seo được tiếp thêm sức mạnh để làm nên những kỳ tích lịch sử cho bóng đá nước nhà.

Câu chuyện tỉnh táo trước lời khen, hay giữ đôi chân trên mặt đất thì quá cũ so với thời đại hiện tại. Các cầu thủ Việt Nam chắc chắn biết tiết chế cảm xúc và họ thừa hiểu thắng những Lào, Campuchia, Malaysia đâu có sướng như từng hạ U23 Nhật Bản, Iraq, Qatar…

HLV Park Hang Seo là một nhà cầm quân rất giỏi về liệu pháp tinh thần. Ông thầy người Hàn Quốc thừa biết cách sẽ làm thế nào tốt cho ĐT Việt Nam ở bán kết.

Thế nên, Việt Nam nếu được khen mà thua ở bán kết thì chỉ là nỗi lo xa, vì hàng triệu hâm mộ Việt Nam đều mong thầy trò HLV Park Hang Seo vô địch. Vấn đề quan trọng là ĐT Việt Nam phải cẩn trọng trước bi kịch bán kết, vì thường xuyên thua ở bán kết. Ví dụ năm 2000, Việt Nam cũng giữ sạch lưới ở vòng bảng nhưng đến bán kết thua Indonesia.

Lời khen sẽ tốt hơn là “ném đá”.

Đến vòng bán kết còn có thêm nhiều cái lo thiết thực hơn là chuyện được khen nhiều. Ví dụ chuyện trọng tài liệu có o ép Việt Nam như những gì xảy ra trước Myanmar? Sân nhà Philippines xấu, thiếu ánh sáng sẽ khiến các cầu thủ Việt Nam khó đá… Hay chuyện thủ quân Văn Quyết đang bị áp lực vì bị chỉ trích. Văn Quyết cũng là ví dụ để thấy lời khen dễ chịu hơn rất nhiều là… bị “ném đá”.

Tóm lại, ĐT Việt Nam đừng lo trả giá vì được khen nhiều và cần tập trung hết sức cho bán kết, chỉ thua khi không đủ mạnh, không chuẩn bị tốt, hay mắc những sai lầm ngớ ngẩn, hoặc bỏ qua những cơ hội ghi bàn. Đúng hơn, bi kịch chỉ xảy ra khi thầy trò HLV Park Hang Seo trình diễn không tốt, còn đá với 200% khả năng thì sợ gì Philippines!

Trận đấu bán kết lượt đi giữa Philippines và Việt Nam diễn ra vào ngày 2/12. Ngày mai (28/11), thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ lên đường sang Philippines.

Chia sẻ

Bài viết

Quyết Thắng

Tin mới nhất