Thể thao

Đội tuyển bí ẩn nhất World Cup 2018 và bài học nào cho Việt Nam?

Theo Bongdacuocsong
Chia sẻ

Trong lúc Việt Nam vẫn đang ấp ủ giấc mơ được dự World Cup lần đầu tiên, thì quốc gia nhỏ bé Panama với dân số chưa bằng một nửa TP.Hồ Chí Minh đã có cơ hội góp mặt ở sân chơi bóng đá lớn nhất hành tinh. Đó thực sự là một kỳ tích với nền bóng đá tương đối non trẻ của quốc gia Trung Mỹ này.

CHIẾN CÔNG LỊCH SỬ

“Năm ngoái tôi trao một lá cờ cho đội tuyển quốc gia và yêu cầu họ mang nó đến Nga. Nhiệm vụ đã hoàn thành!”

Gương mặt tổng thống Juan Carlos Valera bừng lên niềm tự hào khi cử hành lễ chào cờ trong ngày kỷ niệm độc lập của Panama ngày 3/11/2017, chỉ vài tuần sau khi ĐTQG vượt qua vòng loại World Cup 2018 để lần đầu tiên tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Người cầm cờ trong buổi lễ chính là người hùng dân tộc Roman Torres, cầu thủ đã ghi bàn thắng quyết định ở phút 88 trong chiến thắng 2-1 trước Costa Rica ở lượt trận cuối cùng vòng loại khu vực CONCACAF ngày 10/10/2017.

Chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của chiến công này với người dân Panama. Tổng thống Juan Carlos Valera đã lập tức ký sắc lệnh lấy ngày 11/10, một ngày sau chiến thắng làm ngày nghỉ lễ quốc gia định kỳ hàng năm. Người dân Panama chìm trong một cơn say hạnh phúc kéo dài suốt từ đó đến giờ, một không khí mà người dân Việt Nam đã trải qua trong gần 1 tháng ngắn ngủi của giải U23 châu Á hồi đầu năm 2018.

Nhưng không có chiến công nào từ trên trời rơi xuống. Người Panama được hưởng thành quả từ những nỗ lực phát triển nền bóng đá hoàn toàn từ con số 0. Nhìn lại hành trình đó, việc Los Canaleros (biệt danh của của ĐT Panama, xuất phát từ “Canal” - kênh đào) lọt vào World Cup quả thật là một điều gì đó rất khó tin nổi.

Không nhiều người biết rằng Panama có một nền bóng đá không hề non trẻ. Liên đoàn bóng đá của họ, FEPAFUT được thành lập từ năm 1937. Thế nhưng tình hình chính trị phức tạp của Panama (chủ yếu liên quan đến con kênh nối liền Đại Tây Dương - Thái Bình Dương) cùng với nền kinh tế kém phát triển khiến trình độ bóng đá của quốc gia này phát triển rất chậm.

Mãi đến ngày 4/4/1976, Panama mới có trận đấu đầu tiên ở vòng loại World Cup, vào thời điểm đó ĐTQG là một tập hợp những cầu thủ nghiệp dư trong cả nước.

Bước đầu tiên hướng tới sự chuyên nghiệp được thực hiện vào tháng 1/1988, khi ANARPROF (giải VĐQG Panama) được thành lập bởi một nhóm những người đam mê bóng đá, trong đó nổi bật nhất là doanh nhân người Italia Giancarlo Gronchi. ANAPROF là tiền thân của giải đấu cấp cao nhất của Panama hiện tại, mang tên Liga Panamena de Futbol.

Thời điểm ANAPROF ra đời cũng là lúc cuộc chiến tranh Panama vừa kết thúc. Nhà độc tài Noriega bị hạ bệ, nhường chỗ cho chế độ dân chủ. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của giải VĐQG đúng giai đoạn hậu chiến là một nỗ lực rất lớn.

KHỞI ĐẦU GIAN KHÓ

Đất nước Panama bị tàn phá sau chiến tranh không có nhiều cơ sở vật chất để xây dựng nền bóng đá từ con số 0. Điều may mắn cho họ là vẫn có những người nhiệt tình sẵn sàng khắc phục khó khăn để đặt những viên gạch đầu tiên. Ví dụ như HLV người Uruguay Miguel Mansilla, người qua đời ở tuổi 60 năm 2013, 3 lần làm HLV cho tuyển quốc gia Panama và là người đưa những bài học đầu tiên về kỹ chiến thuật đến quốc gia này.

Một HLV nổi tiếng khác được xem là ranh giới giữa kỷ nguyên cũ và kỷ nguyên mới, Gary Stempel kể lại với báo chí về ngày đầu tiên ông từ Anh đến Panama làm việc: “Không có bất cứ sự hỗ trợ nào, chúng tôi thiếu tài liệu giảng dạy, thậm chí không có bóng. Chúng tôi thường xuyên tập trong sân bóng chày với những đôi giày không có đinh. Mọi người đều phải bỏ tiền túi ra vì không ai hoàn trả cho những chuyến đi thi đấu.

Chúng tôi thường nhét 7, 8 người/chuyến đến sân tập trên một chiếc xe duy nhất. Mọi thứ đều rất khó khăn”.

ĐT Panama vùa có lần đầu giành vé tham dự VCK World Cup

Theo Stempel, điều kiện như vậy là điển hình của một quốc gia được xem là “điểm mù bóng đá”. Trong giai đoạn đầu, một số HLV trưởng ĐTQG còn phải dạy các cầu thủ Panama cách kiểm soát quả bóng.

Tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi cuối thập niên 1990. Từ kinh nghiệm của mình tại châu Âu, Stempel hiểu rằng cần có một cách tiếp cận khác. Mọi thứ phải bắt đầu từ một nền tảng, đó là đào tạo trẻ. Nhiều học viện bóng đá được thành lập, một trong những học viện đó do Stempel trực tiếp quản lý có tên “Proyeco 2000”, sau ngày trở thành Chepo FC, một CLB chuyên nghiệp.

Những học viện mới giúp các cầu thủ trẻ của Panama được tiếp cận phương pháp đào tạo chuyên nghiệp, tạo ra một số tài năng hiện đang chơi cho ĐTQG, trong đó có người hùng Roman Torres. Với những lò đào tạo này, Stempel đã đưa bóng đá Panama đến sân chơi lớn đầu tiên World Cup U20 năm 2003.

Bóng đá Panama dần dần được biết tới trên bản đồ thế giới. Họ vô địch Cúp Trung Mỹ năm 2009, hai lần vào đến chung kết CONCACAF Gold Cup các năm 2005 và 2013. Ít nhất ở trong khu vực, Panama là một đội bóng được nể trọng.

Để có được thành công này họ đã trải qua quá trình xây dựng lâu dài với muôn vàn gian khó sau chiến tranh

Bất chấp sự tiến bộ vượt bậc, Panama vẫn đang gặp khó khăn trong việc phát triển bóng đá địa phương, nơi chưa thể bắt kịp với những bước tiến dài của ĐTQG.

Điều này xuất phát từ việc các thần tượng bóng đá của Panama đều đang thi đấu ở nước ngoài. Trên thực tế, chiến công lọt vào World Cup có đóng góp lớn của “Thế hệ vàng” đã chinh chiến nhiều năm ở bên ngoài Panama. Những người như Roman Torres, Gabriel Torres, Tejada, Blas Perez, Gabriel Gomez… đều từng chơi bóng ở MLS hay Colombia, quốc gia mà Panama đã giành được độc lập.

HLV của ĐT Panama hiện tại, Hernan Dario Gomez cũng sinh ra tại Colombia. Chiến lược gia sinh năm 1956 đã 3 lần dự World Cup trước đó (Colombia tại World Cup 1998, Ecuador tại World Cup 2002, 2006).

Stempel đánh giá các cầu thủ Panama “có nguồn gien di truyền hoàn hảo để chơi bóng đá: họ cao lớn, khỏe và tràn đầy năng lượng”, và việc của Hernan Dario Gomez là phát huy những yếu tố đó ở mức độ cao nhất.

WORLD CUP CHỈ LÀ ĐIỂM BẮT ĐẦU

Sự tăng trưởng ở giải VĐQG Panama giờ đây không bị cản trở bởi chất lượng cầu thủ kém hay cơ sở vật chất. Những gì quan trọng nhất là sự ủng hộ từ các CĐV, tạo ra một thứ văn hóa bóng đá. Niềm đam mê bóng đá ở thủ đô Panama City hay những thành phố lớn như Colon vẫn còn rất thưa thớt.

Julio Cesar Dely Valdes, cựu tiền đạo Panama từng chơi cho Cagliari và hiện đang làm HLV đội trẻ Malaga, nói: “Nên có ít nhất một CLB ở mỗi thành phố. Ở thủ đô thì có thể 2, 3 CLB để mỗi thành phố có một đội bóng của riêng mình.”

Stempel đồng ý với điều đó: “Mọi thứ nên bắt đầu từ những CLB, đó sẽ là tình yêu đầu tiên của những đứa trẻ. Các CLB là đại diện cho bản sắc bóng đá đầu tiên của mỗi người. Nỗ lực lớn nhất mà Panama cần làm là tạo ra mối liên kết mạnh mẽ giữa các CLB và CĐV của họ. Đây là điểm khởi đầu cho sự phát triển của bóng đá ở bất kỳ quốc gia nào chứ không phải ĐTQG.”

Các SVĐ là chìa khóa trong kế hoạch của Stempel: “Nó đem đến cho các CLB một bản sắc riêng, đặc biệt là khi các SVĐ được xây dựng trong cộng đồng dân cư tạo nên CLB, điều đó giúp mọi người xác định một mối quan hệ đặc biệt với đội bóng”.

Panama đã có 2 đội bóng tham dự vòng bán kết Liga CONCACAF và một đội bóng lọt vào vòng 1/8 của CONCACAF Champions League, đối đầu với những CLB mạnh nhất khu vực. Bóng đá Panama đang phát triển từ cấp cơ sở dù bước nhảy vọt chưa tới.

Với kế hoạch phát triển dài hạn, Panama hứa hẹn sẽ có thêm nhiều lần góp mặt ở giải đấu lớn nhất hành tinh

Sự cách biệt vẫn rất lớn. Có tới 30.000 CĐV đến sân để chứng kiến trận cầu lịch sử giữa Panama và Costa Rica, nhưng những trận đấu ở giải VĐQG ngay sau đó lại chỉ thu hút trung bình không quá 2.000 người.

ĐTQG dường như là trung tâm và chiếm toàn bộ sự quan tâm, điều đó được phó chủ tịch FEPAFUT Carlos Martans thừa nhận: “Bóng đá Panama phát triển theo hình kim tự tháp ngược. ĐTQG luôn được chú ý nhất và chúng tôi đang cố gắng để thu hút sự quan tâm đến giải VĐQG”.

Về khía cạnh này, các câu lạc bộ ở Panama và FEPAFUT đã cùng nhau thiết lập các chương trình đào tạo cho nam và nữ thiếu niên từ 13-18 tuổi, trong nỗ lực nâng cao sự gắn bó của mọi người: “ Đây là nhóm tuổi mà thanh thiếu niên quyết định họ muốn là ai”, Martans nói. “Trong thời điểm hiện tại, sáng kiến chính là một dự án thí điểm được phát triển bởi Tauro FC, với các cầu thủ của họ sẽ đến thăm các trường trung học trong khu vực. Chúng tôi tổ chức hai cuộc họp hàng tháng với các học sinh, để mời họ tham gia các trận đấu và khiến họ cảm thấy là một phần của Tauro FC”.

“Chúng tôi cần tạo ra một nền văn hóa bóng đá khuyến khích mọi người đến sân vận động vào mỗi Chủ Nhật, bất kể kết quả cuối cùng là gì và đây là thời điểm thích hợp để hành động”, Martans cho biết.

Màn trình diễn tại World Cup 2018 của Panama vì thể có thể trở thành chất xúc tác để tạo nên niềm đam mê bóng đá lâu dài và ổn định nơi các CĐV quê nhà. Đó mới chính là yếu tố quan trọng nhất để có thêm nhiều tấm vé dự World Cup sau lần đầu tiên này.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Bongdacuocsong

Tin mới nhất