Thể thao

Cuộc chiến quyết định thành bại của U23 Việt Nam!

Văn Nhân
Chia sẻ

Sau thành công U23 châu Á, U23 Việt Nam bây giờ phải đối diện với những áp lực vô hình, đó là kỳ vọng của người hâm mộ Việt Nam dành cho thầy trò HLV Park Hang Seo.

“Sau U23 châu Á, chúng tôi được người hâm mộ yêu quý. Sau đó, chỉ số chờ đợi dành cho U23 Việt Nam cao hơn rất nhiều. Giải giải hữu sắp tới là chuẩn bị cho ASIAD sắp tới, chúng tôi có trách nhiệm thi đấu tốt nhất cho người hâm mộ cảm thấy hài lòng.

Dẫu vậy, đây là giải đấu mà tôi kiểm tra năng lực cầu thủ, nâng cao hoàn thiện chiến thuật. Nhưng điều ấy không đồng nghĩa là chúng tôi được phép xem nhẹ giải đấu giao hữu. Tất cả toàn đội đã ra sân thi đấu là phải hướng đến chiến thắng.

HLV Park Hang Seo muốn U23 Việt Nam làm hài lòng người hâm mộ.

Tôi là HLV thì luôn gặp áp lực. Đó là điều bình thường, kể cả trước đây, tôi làm HLV ở Hàn Quốc cũng vậy. Chúng tôi cố gắng thi đấu ở những trận đấu sắp tới một cách tốt nhất”, HLV Park Hang Seo nói về mục tiêu của U23 Việt Nam ở giải giao hữu bắt đầu từ ngày mai.

Phát biểu trên của HLV Park Hang Seo cho thấy rất rõ về áp lực của U23 Việt Nam sau U23 châu Á. Thậm chí, ông thầy Hàn Quốc phải khẳng định: “Giải giao hữu sắp tới là chuẩn bị cho ASIAD sắp tới, chúng tôi có trách nhiệm thi đấu tốt nhất cho người hâm mộ cảm thấy hài lòng”.

“Trách nhiệm thi đấu tốt nhất cho người hâm mộ cảm thấy hài lòng” - một thông điệp được ông Park gửi đi bao gồm rất nhiều ý nghĩa. Đó là giá trị của U23 Việt Nam, chỉ số tình yêu của người hâm mộ, sự kỳ vọng và bao gồm cả mặt trái… Ở đó, U23 Việt Nam thi đấu tốt sẽ nhận được lời khen, còn chơi không hay có thể bị tác dụng ngược, tức sự chỉ trích hay so sánh với phong độ ở U23 châu Á.

Bóng đá là sân khấu 4 mặt, còn tình yêu của khán giả cũng có nhiều mặt khác nhau. Có người thích U23 Việt Nam lúc nào cũng chơi hay, chơi tốt, có người nhận ra những trận đấu giao hữu chỉ là thử quân nên thất bại là… bình thường.

Vị thế của thầy trò HLV Park Hang Seo khác hoàn toàn so với đầu năm 2018.

Tuy nhiên, người hâm mộ Việt Nam có một yêu cầu kỳ lạ xuyên suốt nhiều năm qua là muốn đội tuyển phải chơi hay ở mọi giải đấu. Từ thời Miura đến Hữu Thắng là ví dụ. Các giải đấu giao hữu phải chơi tốt, ngược lại bị chỉ trích.

Trước đó, HLV Calisto là ví dụ. Ông thầy Bồ Đào Nha thử quân trước thềm AFF Cup 2008 với thành tích cả chục trận đấu không biết mùi chiến thắng. Những “đá gạch” liên tục xuất hiện, đến mức toàn đội bị áp lực lớn. Cuối cùng, thầy “Tô” cho thấy giao hữu chỉ là câu chuyện thử quân, còn kết quả ở giải đấu chính thức là câu trả lời: ĐTVN đã lần đầu vô địch AFF Cup.

Sau thời HLV Calisto, HLV Hoàng Văn Phúc từng suýt mất ghế vì ĐTVN chơi không tốt ở giải giao hữu tại Bình Dương. Một câu chuyện đầy hy hữu nhưng cho thấy, bóng đá Việt Nam có những yêu cầu kỳ lạ, còn khán giả cũng có cách yêu… theo kiểu luôn đòi thành tích, dù chỉ đá vui.

Không vượt qua được áp lực vô hình từ dư luận, U23 Việt Nam khó thành công.

Ngày mai, U23 Việt Nam sẽ bước vào giải giao hữu, có thể thấy thầy Park hiểu khá rõ về bóng đá Việt Nam, về cách yêu của người hâm mộ. Sau vài ngày phát biểu theo cách không coi trọng sân chơi giao hữu, ông Park phải “chỉnh” lại cách phát ngôn với việc “thi đấu tốt nhất cho người hâm mộ cảm thấy hài lòng”.

Rõ ràng, “cuộc chiến” bên lề với dư luận rất quan trọng với U23 Việt Nam trước thềm ASIAD 18. Nếu không vượt qua được áp lực vô hình này thì thầy trò HLV Park Hang Seo khó thành công ở ASIAD, khi cố gắng làm hài lòng khán giả tại mọi sân chơi dù thừa hiểu có vô địch giải giao hữu cũng chẳng có nhiều ý nghĩa.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất