Thể thao

Chuyện Đàm Vĩnh Hưng 'bôi' tranh, hay 'bức tranh' Bùi Tiến Dũng

Văn Nhân
Chia sẻ

Mắng chửi nhau trên mạng xã hội đã gần như trở thành thói quen của nhiều người. Thậm chí, một số người tận dụng "quyền bình luận" để bôi xấu người khác, dù đôi khi bản chất và cái nhìn bên ngoài là hai vấn đề trái ngược nhau.

Chuyện bức tranh bị Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên ký tên

Bao nhiều người không thuộc hội họa biết được chuyện sở hữu một bức tranh có thương quyền và tác quyền? Tôi nghĩ không nhiều người biết đều này cho đến khi xảy ra chuyện tranh cãi về việc Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên ký lên bức họa ở buổi quyên góp từ thiện.

Có thể tạm hiểu là người bỏ tiền mua bức tranh là chủ sở hữu mới. Người này được phép bán bức tranh lại cho người khác, bán lời hay lỗ là chuyện người bán. Riêng về chuyện tác quyền - hay đúng hơn là quyền nhân thân, tức tác giả là người vẽ ra bức tranh nên tác phẩm được bảo vệ vẹn toàn, kiểu như không được làm hư, vẽ bậy lên để tác phẩm bị biến dạng.

Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên bất ngờ bị chỉ trích vì ký lên bức tranh ở buổi từ thiện cách đây 2 tháng.

Tin chắc nhiều người nghe rất rối. Tình huống cụ thể thì Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên cùng các nghệ sỹ đã ký lên bức tranh bán ở buổi quyên góp từ thiện theo yêu cầu của người mua tranh. Câu chuyện cũ bỗng xé thành to khi nhiều chuyên gia hội họa gọi Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên… đã phá hủy tác phẩm. Vì người được quyền ký lên bức tranh chỉ duy nhất là tác giả.

Một câu chuyện đẹp là các nghệ sỹ chung tay làm từ thiện bị đẩy thành tranh cãi với chuyện bức tranh bị ký, theo như cộng đồng mạng thì là “bôi” lên tác phẩm nghệ thuật. Chuyện đẹp - xấu dường như chỉ cách 1 bước chân. Ranh giới đó thật sự mong manh nếu nhìn từ tranh cãi ở buổi từ thiện của các nghệ sỹ Việt Nam.

Nếu mỗi chúng ta trong hoàn cảnh của các nghệ sỹ là không am hiểu về hội họa thì được yêu cầu ký lên bức tranh, mấy ai từ chối không đặt bút lên ký vì… hỏng bức tranh?

Thế nên, điều cần nhìn nhận là các nghệ sỹ Việt Nam đa số là người ngoại đạo so với hội họa nên họ vô tình ký lên như mong muốn của người mua tranh. Câu chuyện cần nhìn theo hướng tích cực này, cái đẹp là các nghệ sỹ đã chung tay làm từ thiện - điều đáng quý, còn họ sai nhưng cái sai ngoài ý muốn chứ không phải cố tình phá bức tranh. Chuyện thế thôi, sao phải ồn ào, làm khó nhau theo kiểu bắt bẻ người không biết chuyện rồi gán ghép đủ các kiểu thị phi.

Và câu hỏi cần thắc mắc: Tại sao hai tháng trước không xảy ra tranh cãi, bây giờ câu chuyện mới “nổ” ra từ chính giới hội họa? Phía sau sự ồn ào này thì muốn gửi đi thông điệp gì để xảy ra kiểu trích nhau? Những người trong cuộc mới có câu trả lời chính xác và một điều ai cũng hiểu là bức tranh chỉ quý, đáng giá khi có người mua, không ai mua thì bức tranh chỉ có giá với chính tác giả.

Hay chuyện “bức tranh” Bùi Tiến Dũng

Nếu ví von thủ môn Bùi Tiến Dũng là một bức tranh quý thì ai sẽ bảo vệ tác phẩm này?

Câu hỏi vui nhưng thực sự cần nhìn nhận sau tất cả những gì thủ thành người Thanh Hóa đang trải qua. Từ một người vô danh bỗng chốc nổi tiếng sau 1 giải đấu, bây giờ bắt đầu trở thành “nạn nhân” của chính những lời tung hô.

Nếu xem Bùi Tiến Dũng là một bức tranh thì phần trắng tinh được tính từ thời điểm thủ môn này bắt đầu học chơi bóng, thêm vài nét vẽ đẹp từ thành công của U19 Việt Nam, U20 đi World Cup. Bùi Tiến Dũng chính thức trở thành bức tranh đắt giá khi U23 Việt Nam giành Á quân U23 châu Á năm 2018. Tiến Dũng là người hùng và được rất nhiều người ca ngợi…

Bùi Tiến Dũng sẽ mãi mãi là bức tranh đắt giá, tuyệt đẹp nếu như không có thêm những nét vẽ sau kỳ tích cùng U23 Việt Nam. Vậy ai đã thêm những nét vẽ lên “bức tranh” Bùi Tiến Dũng?

Chính mỗi chúng ta là những người vẽ lên “bức tranh” Bùi Tiến Dũng, từ những lời tung hô ngất ngưởng, từ các câu chuyện giới showbiz “ăn theo” sự nổi tiếng của Tiến Dũng, từ những mỹ từ của truyền thông, từ sự quan tâm “khủng khiếp” của người hâm mộ (ví dụ facebook cá nhân của Bùi Tiến Dũng từ con số hơn 100 nghìn người lên gần 3 triệu người theo dõi).

Nếu Bùi Tiến Dũng là “bức tranh quý” thì những ai đã vẽ lên?

Tất nhiên, một người vẽ lên “bức tranh” Bùi Tiến Dũng không thể bỏ qua là chính thủ môn này. Đó là những màn thể hiện của Bùi Tiến Dũng ở CLB Thanh Hóa, U23 Việt Nam sau kỳ tích ở Thường Châu.

Mới nhất, Bùi Tiến Dũng mắc hai sai lầm ở trận chung kết Cúp quốc gia. Nếu Bùi Tiến Dũng không phải là người hùng U23 Việt Nam thì câu chuyện không xôn xao dư luận như mấy ngày qua, theo kiểu mổ xẻ các kiểu. Thông tin chỉ dừng mức độ thủ môn CLB Thanh Hóa mắc sai lầm, Bình Dương vô địch Cúp quốc gia. Sau đó, mọi chuyện chìm vào quên lãng như chuyện những sai lầm của Thanh Thắng, Tuấn Linh ở mùa trước.

Thủ môn mắc sai lầm là chuyện không thể tránh khỏi. Ngay cả những thủ môn hàng đầu thế giới cũng nhiều lần vấp phải ở các trận chung kết. Oliver Kahn - QBV World Cup 2002 mắc sai lầm lớn trong bàn thua của tuyển Đức ở chung kết với Brazil. Hugo Lloris ngớ ngẩn để Mandzukic ghi bàn ở chung kết World Cup 2018. Karius mắc hai sai lầm ở chung kết Champions League 2018…

Bây giờ, Bùi Tiến Dũng bị chỉ trích từ dư luận đến cộng đồng mạng. Vậy ai bảo vệ Bùi Tiến Dũng với lý lẽ nhân vô thập toàn?

Thật tội nghiệp cho Tiến Dũng khi bị chỉ trích nặng nền dù mỗi chúng ta góp phần “vẽ” hình ảnh cầu thủ này mỗi ngày!

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất