Thể thao

Bùi Tiến Dũng trước tấn bi kịch mang tên thủ môn quốc dân

Văn Nhân
Chia sẻ

Lịch sử bóng đá Việt Nam hiếm có hiện tượng nào như thủ môn Bùi Tiến Dũng, khi tuổi 21 trở thành thủ môn quốc dân nhưng mọi thứ đang theo chiều hướng xấu.

1. Những người có chuyên môn từ HLV đến cầu thủ thì phần lớn đều thừa nhận rằng: Thủ môn được ví như 50% sức mạnh của đội bóng. Vì thủ môn có vai trò đặc biệt là người đứng cuối cùng ở đội hình, anh ta quyết định sự thành bại.

Dù vậy, thủ môn nhận được sự vinh danh gần như cực hiếm. World Cup 2014 là ví dụ. Neuer giành Găng tay vàng nhưng danh hiệu Cầu thủ hay nhất giải thuộc về Messi. Bất kỳ ai dõi theo cả World Cup 2014 đều thấy được Neuer có vai trò quan trọng như thế nào trong hành trình giành Cúp vàng lần thứ 4 của tuyển Đức nhưng anh không có cơ hội được vinh danh ở danh hiệu cá nhân cao quý nhất giải.

Cũng trong năm 2014, Neuer chỉ giành Quả bóng đồng dù góp công lớn đưa tuyển Đức đến chức vô địch World Cup. Ronaldo không có nổi 1 danh hiệu ở cấp CLB, còn tuyển Bồ Đào Nha bị chính tuyển Đức của Neuer đè bẹp, qua đó rớt từ vòng bảng nhưng giành QBV. Messi cũng là bại tướng của Neuer, khi tuyển Đức hạ Argentina trong trận chung kết, anh vẫn có QBB (Quả bóng bạc).

Xuyên suốt lịch sử World Cup, đàn anh của Neur là Oliver Kahn - thủ môn hiếm hoi nhận giải Cầu thủ hay nhất (World Cup 2002). Nhưng Kahn thua Ronaldo trong cuộc đua QBV thế giới cùng năm.

Thế nên, những câu chuyện về thủ môn luôn mang đến sự tranh cãi cực lớn theo kiểu anh ta là người quan trọng nhất trong đội hình, những pha cứu thua xuất thần sẽ được tung hô nhưng vinh danh là cực hiếm. Ngược lại, thủ môn mắc một sai lầm nhận đủ “gạch đá” từ người hâm mộ.

2. Nhìn một bức tranh chung của bóng đá thế giới để thấy được thủ môn Bùi Tiến Dũng may mắn lớn đến mức như thế nào. Bùi Tiến Dũng chỉ cần 1 giải đấu ở sân chơi U23 đã trở thành thủ môn quốc dân, là cầu thủ nhận được sự yêu mến lớn nhất sau VCK U23 châu Á 2018, vượt xa cả Quang Hải. Con số chứng minh là tần suất anh xuất hiện trên mặt báo dày đặc, còn facebook cá nhân có hơn 3 triệu người theo dõi, hơn đến 1 triệu so với Quang Hải (hơn 2 triệu người theo dõi).

Kể thêm, Bùi Tiến Dũng đang vô địch so với các cầu thủ Việt Nam. Anh có lượng người theo dõi cao gấp đôi so với Đoàn Văn Hậu, Phan Văn Đức, hơn gấp 3 lần so với thủ môn Đặng Văn Lâm, Văn Toàn… Lịch sử bóng đá Việt Nam rõ ràng không có thủ môn nào được sự quan lớn như Bùi Tiến Dũng.

Thủ môn Dương Hồng Sơn, người hiếm hoi trong lịch sử bóng đá Việt Nam giành QBV. Câu chuyện đó đã có thể tái lặp với Bùi Tiến Dũng nếu anh được bắt chính và chơi xuất thần ở AFF Cup 2018. Nhưng anh chỉ dự bị cho Đặng Văn Lâm vì phong độ trượt dài sau VCK U23 châu Á 2018.

 Bùi Tiến Dũng trở thành thủ môn quốc dân sau U23 châu Á 2018.

Dù vậy, tình yêu của người hâm mộ đã mang đến cho Bùi Tiến Dũng rất nhiều thứ, có thể khẳng định là đổi đời. Bảng giá quảng cáo của Bùi Tiến Dũng từng bị lộ với các con số được tính bằng tiền đô. Các nhãn hàng xuất hiện dày đặc trên facebook cá nhân của Bùi Tiến Dũng. Anh vượt ra khỏi khuôn khổ bóng đá, với hình ảnh đi biểu diễn thời trang hay thường xuyên góp mặt ở các sự kiện có những ngôi sao giải trí như Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Bảo Anh…

Rõ ràng, Bùi Tiến Dũng nhận được rất nhiều thứ sau sự cống hiến ở VCK U23 châu Á 2018. Mọi thứ diễn ra sòng phẳng, thậm chí nó còn giúp cho Bùi Tiến Dũng đảm bảo thương hiệu trong vài năm chứ không hề theo kiểu “sớm nở tối tàn” về thu nhập.

3. Mới nhất, Bùi Tiến Dũng đã quyết định chia tay CLB Hà Nội. Một cuộc chia ly sau 1 năm đến với nhau có thể nói là quyết định ra đi để cứu vãn sự nghiệp của Bùi Tiến Dũng. Vì anh không có cơ hội cạnh tranh suất bắt chính ở đội bóng Thủ đô trước Văn Công và Phí Minh Long.

Vế sau của vấn đề thực sự rất quan trọng để nhìn về Bùi Tiến Dũng. Vì từ tư thế thủ môn ở U23 và tuyển Việt Nam thì Bùi Tiến Dũng chỉ xếp thứ 3 ở CLB Hà Nội. Nó phản ánh năng lực của Bùi Tiến Dũng, ít nhất là quá sa sút so hình ảnh ở U23 châu Á 2018.

Thử thống kê về phong độ của Bùi Tiến Dũng sau U23 châu Á 2018. Anh trở về bắt cho CLB Thanh Hóa thì ngay lập tức mắc sai lầm ở AFC Cup. Mác “thủ môn quốc dân” tiếp tục giúp cho Bùi Tiến Dũng có suất bắt chính. Kết quả CLB Thanh Hóa phải trả cái giá đắt khi Bùi Tiến Dũng mắc 2 sai lầm dẫn đến 2 bàn thua trong trận chung kết Cúp quốc gia 2018 trước Bình Dương.

Sau CLB Thanh Hóa, Bùi Tiến Dũng đến Hà Nội FC. Cả V.League 2019 thì Dũng bắt vỏn vẹn 3 trận nhưng kịp để lại dấu ấn với một sai lầm sơ đẳng. Hà Nội FC cũng trả cái giá đắt vì sự lựa chọn Bùi Tiến Dũng để “ăn theo” mác thủ môn quốc dân. Đó là cả một hành trình cực hay ở AFC Cup 2019 bị ném đi vì sai lầm của Bùi Tiến Dũng trước CLB April 25.

Bùi Tiến Dũng chia CLB Hà Nội để cứu sự nghiệp.

Không chỉ ở CLB, Bùi Tiến Dũng còn liên tiếp sai số ở các ĐTQG. Anh suýt khiến U23 Việt Nam trả giá trước U23 Indonesia ở vòng loại U23 châu Á 2020 vì một xử lý bóng có thể gọi là chủ quan. Điều gì đến cũng phải đến với “giọt nước tràn ly” khi Dũng mắc sai lầm trong ngày U22 Việt Nam thắng 2-1 trước U22 Indonesia ở SEA Games 30.

Từ người hùng Thường Châu đến mất suất lên tuyển Việt Nam, sau đó mất cả suất bắt chính ở U22, còn ở CLB Hà Nội thì không cạnh tranh được suất dự bị số 2, Bùi Tiến Dũng rõ ràng đang trượt rất dài trong mác “thủ môn quốc dân”.

Nếu không nhìn thẳng vào vấn đề thì nỗi lo là Bùi Tiến Dũng chỉ được các đội bóng chọn mua về để “đánh bóng” tên tuổi, tạo sức hút với nhà tài trợ và khán giả, thay vì mang tính chuyên môn. Đồng nghĩa cái mác “thủ môn quốc dân” sẽ trở thành tấn bi kịch cho Bùi Tiến Dũng, bởi anh mới 22 tuổi.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất