Thể thao

Brazil vs Argentina: Có chết cũng phải thắng!

Thái Việt
Chia sẻ

Với mỗi người hâm mộ Argentina hay Brazil, việc thất bại trước đối thủ, không khác gì một màn tra tấn về tinh thần đầy đau đớn.

Với những tín đồ của túc cầu giáo, ai cũng hiểu rằng, mỗi khi Argentina chạm trán Brazil, kể cả những trận giao hữu đều được xem là ngày hội và gọi bằng cái tên đậm chất huyền sử: Siêu kinh điển. Siêu kinh điển khác hẳn đại chiến hay trận cầu đinh. Nó ở “đẳng cấp” cao hơn.

Điểm tương đồng giữa siêu kinh điển và đại chiến là cùng miêu tả màn so tài của 2 bóng hùng mạnh, nhưng đẳng cấp hơn bởi nơi đó xuất hiện sự va chạm nảy lửa của lịch sử, chính trị, địa lý và văn hóa. Brazil và Argentina là hai quốc gia có diện tích rộng lớn nhất khu vực Nam Mỹ, chia nhau gần 1.300km đường biên giới và từng xảy ra tranh chấp bằng súng đạn. Thế nên người dân Brazil và Argentina chẳng ưa gì nhau.

Sự đố kị ăn sâu vào máu của CĐV 2 đội, nhiều đến nỗi, họ xem trận thắng với đối thủ còn cao quý hơn cả việc vô địch một giải đấu lớn. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi Brazil và Argentina đều là cường quốc bóng đá, trong 21 lần World Cup được tổ chức có đến 7 lần 2 nước này đăng quang (Brazil 5 lần, Argentina 2 lần), chiếm hơn 1/3. Số lượng huyền thoại và danh thủ đương thời của hai nước thì đong không hết, đếm không xuể. Từ Zico, Mario Kempes, Ronaldo cho đến Messi, Neymar…

Messi và Neymar là 2 đại diện cho những tài năng sáng giá nhất của bóng đá Brazil và Argentina hiện tại.

Nổi bật trong số những cái tên xuất chúng mà 2 dân tộc này từng sản sinh ra là Maradona và Pele. Từ bao giờ, họ đã biến cuộc tranh luận cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá thế giới trở thành chuyện riêng giữa hai quốc gia. Người Brazil cho rằng Pele là vĩ đại nhất, xưng tụng ông là Vua bóng đá.

Những tín đồ của điệu Samba huyền diệu lập luận, trên thế giới làm gì có ai 3 lần vô địch World Cup, suốt sự nghiệp ghi hơn 1.000 bàn như Pele.

Người Argentina lại khăng khăng khẳng định Diego Maradona mới là vĩ đại nhất, bởi lẽ chẳng ai phủ bóng che cả một kỳ World Cup như Maradona. Họ bảo Pele chỉ là nhạc trưởng của dàn nhạc vĩ đại còn Maradona là cả dàn nhạc.

Câu hỏi về việc ai giỏi hơn ai, đến bây giờ vẫn chưa có lời giải đáp, cả 2 nhân vật cũng chẳng ai chịu thua ai. Pele trịch thượng: “Muốn nói chuyện với Pele, Maradona cần xin phép Tostao, Rivelino, Di Stefano…”. Maradona ngổ ngáo: “Tôi xuất sắc hơn Pele! Thời của tôi, các hậu vệ không cho tôi lấy một mét vuông để thở”.

Tranh cãi chán chê, Maradona thốt ra một câu khiến cả những chính trị gia cũng phải thán phục: “Đối với mẹ tôi thì Maradona xuất sắc nhất, nhưng đối với mẹ Pele thì ông ấy xuất sắc nhất”. Tất nhiên, nói là nói vậy, Maradona và người Argentina chẳng bao giờ phục Pele và ngược lại.

Ai xuất sắc hơn ai, câu hỏi này chắc chẳng ai trả lời được ngoài … Thượng đế.

Nếu lấy lịch sử đối đầu ra để xác định cao thấp giữa 2 đội, điều đó sẽ càng khiến câu chuyện này càng trở nên hấp dẫn.

Cặp “kỳ phùng địch thủ” này đã có hơn 100 năm so tài, hơn 100 cuộc thư hùng (trận đấu sắp tới là trận thứ 102). Và, kết quả thì mỗi đội thắng 36 lần, với rất nhiều trận đấu thuộc vào hàng kinh điển, hội tụ đầy đủ mọi yếu tố hỉ, nộ, ái, ố. Dân Brazil đến tận ngày nay còn nhắc mãi “jogo da vergonha” (trận cầu xấu xí) tại chung kết Cúp Nam Mỹ 1937 (tiền thân của Copa America).

Mùa hè năm ấy, Argentina là quốc gia đăng cai và hai đội lọt vào chung kết. Khi trận đấu diễn ra, CĐV Argentina trên khán đài luôn mồm… giả tiếng khỉ để chế giễu người Brazil. Hai đội hòa nhau sau 90 phút. Bước vào hiệp phụ, Argentina vượt lên dẫn 2-0 bởi 2 bàn thắng nhờ sự trợ giúp của trọng tài. Vì ức chế, các cầu thủ vàng xanh tự động rời khỏi sân trước khi trọng tài nổi hồi còi mãn cuộc.

2 năm sau đó, tại Roca Cup, Brazil đánh bại Argentina với tỷ số 3-2. Bàn thắng quyết định của Selecao được ghi từ chấm 11m và trong khung gỗ lẫn trên sân không còn bóng Alcebileste nào. Nguyên do là các cầu thủ Argentina phản đối kịch liệt quyết định thổi phạt đền của trọng tài, thậm chí Arcadio López còn lao vào thượng cẳng chân hạ cẳng tay với ông vua áo đen. Tất nhiên, đó chỉ là khởi đầu của nhiều màn ẩu đả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng khác nữa xuyên suốt lịch sử.

“Hoa sẽ nở trên miền đất của người thắng cuộc, nắng sẽ tắt trên bầu trời của kẻ bại trận”.

Hoa sẽ nở trên miền đất của người thắng cuộc, nắng sẽ tắt trên bầu trời của kẻ bại trận“, đó là câu hát mà những Selecao nhiệt thành thường nghêu ngao trước mỗi trận “El Clasico” Nam Mỹ diễn ra. Với họ, hay cả với những CĐV Argentina đầy kiêu hãnh, một trận thua không khác gì một màn tra tấn về mặt tinh thần, thật đau đớn!

Brazil - Argentina: Cuộc so tài của lịch sử.

Chia sẻ

Bài viết

Thái Việt

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất