Thể thao

Thứ bóng đá 'chạy ngay đi' của Klop đã trở thành cơn bão

Theo BĐ&CS
Chia sẻ

Thành công của Liverpool trong mùa giải này được ghi nhận bởi thứ bóng đá gegenpressing đặc sản của Juergen Klopp, nhưng xét trên một bình diện rộng, The Kop thực tế chỉ là một điểm nổi bật trong cơn bão đang tràn ra khắp thế giới bóng đá.

KLOPP LĨNH ẤN TIÊN PHONG

Không còn nghi ngờ gì nữa, bóng đá đang bước vào kỷ nguyên mới, nơi chiến thuật gegenpressing trở thành một trào lưu không thể phủ nhận. Đó là lý do vì sao chúng ta được chứng kiến những trận đấu bùng nổ bàn thắng, những cuộc đối đầu có cách biệt lớn giữa các đối thủ ngang tầm đẳng cấp. Và đó cũng là nguyên nhân khiến những HLV như Jose Mourinho đang phải vật lộn để phù hợp với thời cuộc.

Trong trào lưu đó, Liverpool với chiến tích lọt vào chung kết Champions League mùa này, tất nhiên là đại diện tiêu biểu nhất. Gegenpressing, hiểu một cách nôm na là pressing ngay trên phần sân đối thủ khi mất bóng, chiếm lại quyền sở hữu bóng ở gần khung thành đối phương nhất có thể.

“Gegenpressing là chiến thuật tối ưu nhất hiện nay” - Juergen Klopp khẳng định. Ông không hề nói quá, bởi nếu hệ thống vận hành tốt, chiến thắng gần như là một điều hiển nhiên. Năm 2014, khi Đức đánh bại Brazil tới 7-1 bằng chiến thuật này, nhiều người chỉ coi đó là hiện tượng. Nhưng những gì diễn ra sau đó, cụ thể là ở hai mùa giải gần đây của Champions League, chỉ ra rằng gegenpressing đang trở nên phổ biến như thế nào.

Có lẽ chưa bao giờ đấu trường được xem là khốc liệt nhất thế giới lại có những trận đấu cởi mở đến thế. Mùa 2016/17 tại vòng 1/8, Bayern hạ Arsenal với tổng tỷ số 10-2; Barcelona vượt qua PSG sau hai lượt trận với tổng tỷ số 6-5, Man City thắng Monaco 5-3. Ở tứ kết, Barca bị Juventus đè bẹp 3-0. Đến trận chung kết, “Bà đầm già” lại phơi áo 1-4 trước Real Madrid.

Klopp không phải người đầu tiên nghĩ ra chiến thuật Gegenpressing nhưng là đại diện tiêu biểu nhất cho trường phái bóng đá đang làm mưa làm gió này.

Xu hướng đó tiếp tục ở mùa giải này. Nếu những trận đấu có tỷ số đậm ở vòng 1/8 (Porto 0-5 Liverpool; Basel 0-4 Man City; Bayern 5-0 Besiktas) được lý giải bởi sự cách biệt về chất lượng đội hình, thì đến vòng tứ kết khi các đội bóng mạnh nhất gặp nhau, những tỷ số khó tin tiếp tục xảy ra: Real Madrid thắng Juventus chung cuộc 4-3; Barcelona hòa AS Roma 4-4 sau hai lượt trận, Liverpool đánh bại Man City 3-0 trên sân nhà. Vòng bán kết tiếp tục chứng kiến cơn mưa bàn thắng ở cặp đấu giữa Liverpool và AS Roma khi tổng cộng 13 bàn được ghi sau hai lượt trận (5-2 lượt đi và 2-4 lượt về).

Nếu bạn vẫn chưa bị thuyết phục thì những con số thống kê sẽ làm được điều đó. Đây là mùa giải Champions League có tổng số bàn thắng cao nhất lịch sử, vượt qua kỷ lục cũ là… mùa giải trước đó. Số trận thắng với 3 bàn trở lên từ tứ kết trở đi trong 8 mùa giải gần đây cũng vượt trội so với 8 mùa giải trước đó.

Báo cáo của UEFA mùa 2016/17 cho thấy các bàn thắng được ghi trung bình 10,62 giây sau khi đội bóng giành quyền sở hữu bóng, thấp hơn 8% so với 2 năm trước ở mùa 2014/15. Điều này cho thấy rõ một xu hướng tấn công trực diện hơn.

GEGENPRESSING CÓ PHẢI MỚI ĐƯỢC KHAI SINH?

Câu trả lời là không, hay đúng hơn là không hoàn toàn. Trong những năm 1970, các đội bóng như Leeds hay ĐT Hà Lan đã áp dụng chiến thuật này với tên gọi khác - “cuộc săn bắn”. ĐT Tây Đức, với nền tảng thể lực tốt thường tăng tốc độ chơi bóng và đẩy cao đội hình, đưa các tiền vệ và hậu vệ lên cao hơn để tăng cường áp lực lên đối thủ.

Tại World Cup 1986, Liên Xô trình diễn lối đá tương tự trong màn hủy diệt Hungary 6-0. Họ tấn công trong 1 hoặc 2 phút với tốc độ điên cuồng sau đó chủ động giảm nhịp độ trận đấu bằng cách co cụm phòng thủ. Quãng nghỉ đó là cần thiết ở thời đại mà các cầu thủ chưa có nền tảng thể chất phù hợp với lối chơi gây áp lực liên tục, đặc biệt là trong sức nóng kinh khủng của mùa hè Mexico.

Những cầu thủ hiện tại có thể lực phù hợp hơn để duy trì lối chơi gegenpressing liền mạch và thực hiện những màn nước rút chưa từng có. Việc di chuyển cường độ cao đã tăng 50% ở Premier League trong thập kỷ vừa qua, theo một nghiên cứu của đại học Gothenburg.

Một trích dẫn của nghiên cứu cho biết: So với trước đây, đặc trưng của bóng đá đỉnh cao hiện đại là các cuộc chạy nước rút cường độ cao hơn, ngay sau đó là một nhịp độ thi đấu thấp hơn đáng kể.

Tại World Cup 1986, Liên Xô từng trình diễn lối đá tương tự trong màn hủy diệt Hungary 6-0.

Các đội bóng đẩy cao cường độ di chuyển trong 1-5 phút và tiếp theo lại thi đấu nhịp độ chậm trong tối đa 5 phút. Dó đó, cường độ hoạt động của cầu thủ có xu hướng thay đổi giữa hai thái cực đối nghịch, khác với việc duy trì nhịp độ ổn định trong cả trận kiểu truyền thống.

Trong các đội bóng sử dụng chiến thuật gegenpressing, hai hậu vệ biên gần như được giao nhiệm vụ tấn công. Chính vì thế nhiều đội sử dụng sơ đồ 3 trung vệ để bảo đảm an toàn. Trong khi đó, tuyến giữa có trách nhiệm tranh chấp và chuyển quả bóng cho các tiền đạo càng nhanh càng tốt.

Đó là lý do vì sao James Milner của Liverpool, một cầu thủ thiên về tranh chấp chứ không phải sáng tạo, là người dẫn đầu danh sách kiến tạo của Champions League mùa này.

TƯ DUY TẤN CÔNG TẬN HIẾN

Các đội chơi với chiến thuật gegenpressing luôn thi đấu với tư tưởng tận hiến. Dù dẫn trước đối phương tới 2, 3 bàn thì họ vẫn cố gắng để duy trì những cơn bão. Trận đấu giữa Đức và Brazil ở World Cup 2014 là một ví dụ, hay gần đây là trận bán kết giữa Liverpool và AS Roma. Dĩ nhiên điều này tiềm ẩn sự mạo hiểm. Liverpool đã để AS Roma gỡ được 2 bàn tại Anfield khi các cầu thủ của họ kiệt sức.

Các đội bóng chơi gegenpressing thường có hàng phòng ngự không mấy chắc chắn. AS Roma là điển hình cho thất bại khi dùng gegenpressing để phản lại chính nó. Hàng thủ 3 người của đội bóng Italia đã vỡ vụn tại Anfield trước khi kịp tạo ra một điều gì đó đặc biệt.

Nhưng đó là một canh bạc mà Eusebio Di Francesco, HLV của AS Roma, không phải “đánh bừa”. Thói quen của Eusebio là sử dụng gegenpressing triệt để với hàng thủ còn dâng cao hơn cả Juergen Klopp. Bản thân Liverpool cũng từng gặp phải những vấn đề tương tự. Họ từng thua 0-5 Man City ở lượt đi Premier League và lượt về thắng hú vía với tỷ số 4-3. Hàng thủ của The Kop chưa bao giờ được đánh giá cao, ngay cả khi họ đã có Virgil Van Dijk.

Với các đội chơi Gegenpressing, họ duy trì pressing cường độ cao trên phần sân đối thủ để làm cho đối thủ hoảng sợ và sụp đổ, như Đức hủy diệt Brazil tới 7-1 ở bán kết World Cup 2014.

Nhưng chúng đa có thể đặt ra một câu hỏi: Vì sao sau khi dẫn bàn, các đội bóng không quay trở về bảo toàn thành quả mà chấp nhận việc tiếp tục lối chơi cực kỳ tốn sức? Trên thực tế, nếu như dẫn trước 2-0 và dựng xe bus trước khung thành, đội bóng sẽ gặp phải áp lực rất lớn bởi chỉ cần 1 bàn thua, mọi thứ có thể sụp đổ trước tinh thần lên cao của đối thủ. Tiếp tục pressing điên cuồng xem ra lại là một lựa chọn an toàn hơn.

Ngoài ra, việc duy trì pressing cường độ cao trên phần sân đối thủ có thể làm cho đối thủ hoảng sợ và sụp đổ. Brazil trong trận thua Đức là một ví dụ hoàn hảo. PSG trong trận thua 1-6 trước Barcelona ở lượt về vòng 1/8 Champions League mùa trước cũng vậy.

Thậm chí những đội bóng lớn như Juventus hay Real Madrid cũng để lộ ra vài phần hoảng loạn trước sức ép nghẹt thở của đối thủ khi hai đội gặp nhau ở tứ kết mùa này. Một lý do đơn giản: Họ đều là những đội thích kiểm soát bóng nên thường bối rối khi đối thủ có bóng ngay trên phần sân của mình.

Các đội bóng thực hiện chiến thuật gegenpressing hết mình nhất thực ra không được đánh giá cao. Ngoại trừ Mohamed Salah, không cầu thủ nào của Livepool, AS Roma hay Napoli có thể được lựa chọn vào đội hình 11 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Đó cũng là điều tất yếu khi các HLV yêu cầu học trò của mình rèn luyện thể lực nhiều hơn kỹ năng. Tất cả các đội bóng theo lối chơi này đều phải luyện tập cực kỳ chăm chỉ để đáp ứng những yêu cầu cụ thể của triết lý họ theo đuổi.

Trong lối chơi Gegenpressing, các hậu vệ cánh tấn công là đặc sản và 2 đại diện tiêu biểu là Joshua Kimmich của Bayern Munich và Marcelo của Real Madrid.

Các đội bóng nhiều cầu thủ xuất sắc thường thích một lối chơi chậm hơn. Barcelona thì khỏi nói làm gì vì họ có triết lý riêng. Real Madrid cũng dành nhiều thời gian để hình thành đợt tấn công thông qua những tiền vệ như Kroos hay Modric. Trong khi đó Bayern sở hữu bóng nhiều hơn bất cứ đại gia nào khác ở châu Âu, bởi Bundesliga là sân chơi quá dễ dàng với họ.

Tuy nhiên Real Madrid và Bayern cũng biết cách “nổi bão” nếu cần. Khi hai đội gặp nhau ở lượt đi bán kết Champions League vừa rồi, cả Kimmich lẫn Marcelo đều có bàn thắng thứ 3 của họ ở đấu trường châu Âu mùa này. Các hậu vệ biên chơi tấn công là điển hình của gegenpressing như đã nói ở trên.

Một đặc điểm thú vị nữa là gegenpressing thường phát huy hiệu quả tốt nhất trước các đội bóng ưa thích kiểm soát bóng dựa vào kỹ năng của cầu thủ. Trong khi đó nó lại không phát huy hiệu quả trước một đội bóng chơi tử thủ số đông hoặc ưa thích bóng dài. Liverpool từng bị Wolves đánh bại ở FA Cup mùa trước bằng lối chơi tử thủ. Còn ở mùa này, họ bị M.U đánh bại khi “Quỷ đỏ” chỉ dùng đúng một chiêu thức tối giản: Phất bóng dài cho Lukaku làm tường.

Những đội thích triển khai bóng từ hàng thủ là miếng mồi ngon cho gegenpressing. Đó là nguyên nhân dẫn đến 3 thất bại lớn trong 14 tháng của Barca trước PSG, Juventus và AS Roma. Điều rất dễ nhận thấy ở các đội thích kiểm soát bóng là họ có những trung vệ khéo léo, như David Luiz hay John Stones, những người là đối tượng bị pressing khủng khiếp nhất.

THÍCH NGHI LÀ LỰA CHỌN DUY NHẤT

Bất cứ khi nào có một xu hướng mới nổi lên, câu hỏi cho các chiến lược gia là có tìm cách thích nghi với nó hay không?

Pep Guardiola chấp nhận để Man City “nổi bão”. Gegenpressing có triết lý khá gần gũi với tiki-taca của Pep tại Barcelona, nhất là ở tư duy: “giành lại quả bóng sau 5 giây”. Khác biệt nằm ở chỗ nếu Barca của Pep giành được bóng, họ sẽ đủng đỉnh xây dựng lối chơi bằng những đường đan lát ngắn. Sau đó tại Bayern, Pep làm quen với lối đá tốc độ và trực diện của người Đức. Tại Man City, ông tổng hợp những yếu tố đó thành lối chơi của Man City, một thứ khá giống với gegenpressing tuy nhiên có tốc độ thấp hơn và hàm lượng kỹ thuật cao hơn.

Jose Mourinho thì có vẻ đang bị tụt lại phía sau. Trong hầu hết sự nghiệp của mình, “Người đặc biệt” hướng đến sự an toàn với những chiến thắng lý tưởng với tỷ số 1-0. Cách tiếp cận đó ngày càng nhiều rủi ro khi M.U chưa có một hàng công đủ sắc sảo, đồng thời hàng thủ cũng không phải quá chắc chắn ngoại trừ De Gea.

Trước làn sóng Gegenpressing, các HLV chịu thích nghi đều có thành công như Pep đang làm tại Man City, còn nhưng người bảo thủ sẽ chịu thất bại như Jose Mourinho tại Man United.

Quy luật “Tấn công không ghi được bàn rất có thể sẽ bị thủng lưới” đúng với M.U nhiều lần ở hai mùa giải vừa rồi, mà gần nhất là trận thua 0-1 ngay trên sân nhà trước đội bét bảng West Brom.

Jose Mourinho hiểu hơn ai hết vai trò của một chiến lược gia tiên phong cho xu hướng mới. Mùa 2009/10, ông đưa Inter giành cú ăn ba với hệ thống 4-2-3-1 sau đó trở thành phổ biến nhất ở World Cup 2010.

Nhưng bóng đá sẽ không còn hấp dẫn nếu như mọi thứ vẫn đứng yên. Mourinho cần hiểu rằng chẳng việc vì phải cảm thấy xấu hổ khi bị bỏ lại phía sau bởi những “nhà cải cách”. Arsene Wenger đã trải qua cảm giác đó một thập kỷ trước và một ngày nào đó, nó cũng sẽ xảy ra với Juergen Klopp.

Chia sẻ

Bài viết

Theo BĐ&CS

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất