Thể thao

Sau cơn địa chấn U23 châu Á, bóng đá Việt Nam liệu có ngủ say trên thành tích?

Văn Nhân
Chia sẻ

Những tin hiệu lạc quan sau thành công của U23 Việt Nam là điều mà bất kỳ ai cũng thấy, nhưng làm cách nào để bóng đá Việt Nam tiếp tục vươn xa là cả một câu chuyện của những người có trách nhiệm.

Từ đề xuất V.League có cầu thủ U23

Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã đề xuất VFF về việc V.League có thể ra quy định mỗi đội bóng phải có từ 1-2 cầu thủ độ tuổi U23 trở xuống trong đội xuất phát.

Mục đích của VPF có thể thấy rõ là muốn dựa theo thành công của U23 Việt Nam để chuyển mình, nhằm giúp phát triển bóng đá trẻ trong tương lai. Thế nhưng, các đội bóng đá chuẩn bị lực lượng xem như gần xong, liệu đề xuất này có quá đột ngột hay không?.

Sự tích cực từ đề xuất của VPF có thể thấy nhưng rõ ràng có dấu hiệu đang “ăn theo” U23 Việt Nam để cố gắng tạo sức hút và hiệu ứng cho giải đấu trong mắt người hâm mộ. Bởi ai cũng nhận thấy bóng đá Việt Nam đang xây hình tháp ngược, đó mới là điều quan trọng nhất cần phải thay đổi.

VPF đề xuất VFF về chuyện các đội bóng có cầu thủ thi đấu ở độ tuổi U23 trở lại.

VPF quên mất V.League đang có đến 14 đội, nhưng hạng Nhất ngày càng teo với số đội chỉ còn một nửa so với giải đấu cao Nhất. Điển hình năm 2016 có 10 đội thì năm 2017 chỉ còn 7 đội, còn giải hạng Nhì chất lượng chắc chỉ nhỉnh hơn so với giải phong trào.

Nghịch lý ấy chỉ có ở bóng đá Việt Nam với các mô hình tháp ngược kỳ lạ. Đây chính là điều VPF cần làm ngay lập tức chứ không phải là chuyện dựa theo U23 Việt Nam để tạo sức hút, bởi chỉ một thời gian ngắn không chuyển biến tích cực thì người hâm mộ cũng chán.

Ngoài ra là vấn đề công tác trọng tài, bạo lực sân cỏ và một ông chủ sở hữu nhiều đội bóng. Đây là ba điều cần phải quyết liệt thay đổi trong mùa bóng tới nhằm giúp giải đấu sạch, đẹp và công bằng trong mắt khán giả.

Đến chuyện hậu U23 Việt Nam

Thành công của U23 Việt Nam nhìn rộng và xa có thể thấy không phải ngẫu nhiên xuất hiện, hay may mắn. Tất cả phải trải qua quá trình tích lũy và phấn đấu vươn lên trong công tác đào tạo trẻ.

Bầu Đức khẳng định rằng: “Mọi chuyện không phải đến ngẫu nhiên. Bóng đá Việt Nam từ xưa nay có HAGL, CLB HAGL, Vietel, PVF tập trung đào tạo trẻ, có người 12 năm, 8 năm, 7 năm.

Bầu Đức mong bóng đá Việt nam tiếp tục quyết liệt đào tạo trẻ.

Nhờ vậy, chúng ta mới sản sinh ra một lứa cầu thủ có học vấn, có đào tạo cơ bản chứ không phải tự phát…”.

Ông bầu CLB HAGL cũng khẳng định bóng đá Việt Nam nếu tiếp tục đi theo con đường đào tạo trẻ thì 10 năm tới, kết quả thu về còn có thêm nhiều điều bất ngờ. Thậm chí, sau sự thành công của U23 Việt Nam thì có thể mơ về sân chơi World Cup, nếu chúng ta làm bài bản và phát triển tốt.

Không ít nền bóng đá sau thành tích lịch sử đã trở về “máng lợn cũ”. Ví dụ Hàn Quốc sau 1 năm vào bán kết World Cup 2002 đã thất bại trước Olympic Việt Nam 0-1 ở vòng loại ASIAN Cup 2004, dù vẫn có 13 cái tên trong hành trình tạo “địa chấn” bóng đá thế giới.

Bóng đá Việt Nam đừng ngủ quên trên thành công của U23.

Bóng đá thế giới cũng từng chứng kiến cơn địa chấn lịch sử mang tên Hy Lạp với chức vô địch Euro 2004. Nhưng sau vinh quang ấy thì Hy Lạp cho thấy họ chỉ là hiện tượng lịch sử, còn mọi thứ vẫn không thay đổi, thậm chí đi xuống.

Bây giờ, những người có trách nhiệm của bóng đá Việt Nam cần bắt tay thay đổi mọi thứ, nhất là trong hiệu ứng thành công lịch của U23 Việt Nam. Phải quyết liệt vì tương lai bóng đá Việt Nam, chứ không phải ngủ say trên thành công mà có thể tiếp tục trở về “máng lợn cũ”.

Hy vọng rằng bóng đá Việt Nam sẽ tiến lên sau thành công của thầy trò HLV Park Hang Seo!.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất