Không phải ngẫu nhiên mà mới đây, Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) điền tên Lê Công Vinh vào ngang hàng với những huyền thoại bóng đá lừng lẫy như Kiatisak (Thái Lan), Bambang Pamungkas (Indonesia) để trở thành 5 cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại của Đông Nam Á. Quả thật, nhìn lại hành trình sự nghiệp của Lê Công Vinh, người ta có thể cảm nhận đủ mọi yếu tố để tạo nên một huyền thoại thực sự.
Lê Công Vinh có lần ra mắt ĐT Việt Nam ở kỳ Tiger Cup năm 2004. Năm đó, Công Vinh để lại dấu ấn với 4 bàn thắng và 3 pha kiến tạo. Tiếc là tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Tavares năm đó phải dừng bước ngay ở vòng đấu bảng.
Với nhiều người, thất bại tại giải đấu năm 2004 có thể coi là một nỗi buồn khó quên của BĐVN khi trước giải, chúng ta đặt rất nhiều kỳ vọng vào lứa cầu thủ vàng khi ấy. Tuy vậy, với Lê Công Vinh, kỳ Tiger Cup năm đó được xem là một thành công lớn với cái nhân anh. Anh được chọn vào danh sách 11 cầu thủ trong đội hình tiêu biểu của giải. Và hơn hết, cái tên Lê Công Vinh khi ấy đã chính thức được NHM nhớ tới.
Sau SEA Games 2005 với việc hàng loạt trụ cột của bóng đá Việt Nam vướng vào vụ tiêu cực tại Bacolod (Philippines), Vinh đã trở thành trụ cột và niềm hy vọng số 1 trên hàng công của đội tuyển Việt Nam. Cũng từ đó, sự nghiệp của Vinh đã lên như “diều gặp gió”.
Công Vinh luôn biết cách để toả sáng ở những giải đấu sau đó mà anh tham gia cùng ĐT Việt Nam. Từ vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008 đến vòng chung kết Asian Cup 2007, anh luôn là chân sút chủ lực của “Những chiến binh sao vàng”. Tuy vậy, đỉnh điểm của sự thăng hoa, đỉnh cao trong sự nghiệp của Lê Công Vinh chắc chắn phải là kỳ AFF Cup 2008.
Anh đã ghi 2 bàn thắng trong trận chung kết lượt đi và lượt về, giúp đội tuyển Việt Nam vượt qua Thái Lan để lần đầu tiên lên đỉnh Đông Nam Á. Đặc biệt là cú lắc đầu đi vào lịch sử của Vinh ở phút 90+4 trên sân Mỹ Đình đã khiến hàng triệu con tim dâng trào cảm xúc. Đó cũng là khoảnh khắc đưa cái tên Công Vinh lên đỉnh của sự nghiệp, đến cánh cửa của danh hiệu và danh vọng.
Công Vinh kết thúc sự nghiệp vào năm 2016 khi đang ở tuổi 31, để lại sau lưng là cả một bầu trời danh hiệu tập thể lẫn cá nhân mà sẽ rất khó để một cầu thủ có thể sánh ngang.
Bên cạnh chức vô địch AFF Cup 2008 ở cấp độ ĐTQG, trong màu áo CLB, Lê Công Vinh cũng 1 lần trở thành nhà vô địch V.League vào năm 2015 trong màu áo Bình Dương.
Trong lịch sử thi đấu, Lê Công Vinh đoạt danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam năm 2004, 2006, 2007; Quả bóng Bạc Việt Nam năm 2005; Quả bóng Đồng Việt Nam năm 2008, 2014, 2015; Vua phá lưới Cúp bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh 2004 và Cúp QG Việt Nam 2004; Cầu thủ xuất sắc nhất của Liên đoàn bóng đá Việt Nam 2004.
Chưa hết, Lê Công Vinh hiện còn đang giữ kỷ lục Cầu thủ nội ghi bàn nhiều nhất lịch sử giải vô địch quốc gia Việt Nam với 132 bàn theo thống kê của Soccerway. Cựu tiền đạo xứ Nghệ là người ghi bàn nhiều nhất cho ĐTQG với 51 bàn thắng và khoác áo ĐTQG nhiều nhất với 85 trận.
Không chỉ là 1 trong 10 cầu thủ ghi bàn nhiều nhất tại lịch sử Giải Vô địch Đông Nam Á, anh còn thuộc top 10 cầu thủ trên thế giới ghi bàn nhiều nhất cho đội tuyển quốc gia thế giới tính đến năm 2016.
Nhắc đến Lê Công Vinh, đa phần người hâm mộ sẽ nhớ đến một cầu thủ thành công nhất trong suốt 2 thập kỷ nếu xét về những danh hiệu, kỷ lục lẫn sự giàu có. Và dĩ nhiên, chừng đó cũng đủ để người ta đặt Vinh lên bàn cân với những ngôi sao đình đám khác như Kitatisuk hay Bambang Pamungkas. Hơn hết, với người hâm mộ Việt Nam thì sau những gì mà Lê Công Vinh đã cống hiến, anh xứng đáng để nhận lai 2 chữ: Huyền thoại.