Thể thao

HLV Park Hang Seo chỉ ra sự ảo tưởng và phi thực tế của bóng đá Việt Nam!

Văn Nhân
Chia sẻ

Tấm vé vào tứ kết của U23 Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo mang đến niềm vui tột cùng cho người hâm mộ, trong đó dấu ấn phòng ngự là chìa khóa thành công của HLV Park Hang Seo.

Chìa khóa phòng ngự

Một trong những dấu ấn lớn nhất giúp U23 Việt Nam giành vé vào tứ kết U23 châu Á chính là tài cầm quân của HLV Park Hang Seo. Hệ thống phòng ngự gồm 5 cầu thủ và lối chơi kỷ luật đã mang đến sự chắc chắn cho U23 Việt nam. Bằng chứng là đội bóng của Mr Park chỉ thủng lưới 2 bàn sau 3 trận đấu vòng bảng.

Lối chơi được ví như “dựng xe buýt” của ông Park được đánh giá rất cao vì hợp lý với hoàn cảnh cũng như trình độ của U23 Việt Nam. Bởi chúng ta không thể chơi đôi công với các đối thủ mạnh như Hàn Quốc, Australia, Syria. Chọn lối đá tấn công thì chẳng khác nào “trứng chọi đá”.

U23 Việt Nam đá phòng ngự kiên cố trước U23 Syria. Ảnh: AFC

Thực tế, HLV Park Hang Seo điều chỉnh sơ đồ 3-4-3 thành 5-4-1 cũng mang đến những thay đổi rất rõ rệt, khi các sai số nơi hàng thủ không còn xuất hiện nhiều như các trận đấu thử quân trước thềm VCK U23 châu Á 2018.

Cựu trợ lý HLV Calisto - Phạm Trường Minh phân tích rất hay là hình ảnh Công Phượng lùi về bọc lót cho Quang Hải cho thấy tài chỉ huy của ông Park. Rõ ràng, ông thầy người Hàn Quốc đề cao tính kỷ luật để đảm bảo hệ thống phòng ngự kiên cố nhất, nên một cầu thủ như Công Phượng cũng phải tham gia “dọn dẹp”.

Ngoài ra, Xuân Trường cũng cho thấy sự thay đổi lớn về cách chơi. Anh tích cực hỗ trợ phòng ngự ở khu trung tuyến. Đó là một điều bất ngờ khi tiền vệ người Tuyên Quang từng bị đánh giá không cao về khả năng tranh chấp bóng, chỉ mạnh về phát động tấn công.

Tất cả cho thấy phòng ngự là chìa khóa thành công của U23 Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo ở VCK U23 châu Á 2018.

Đến chuyện cũ nhắc lại

Bóng đá Việt Nam từng chìm trong cơn khủng hoảng sau khi HLV Calisto chia tay hồi năm 2010. Đến tận năm 2014, HLV Miura đã khơi lại niềm tự hào với chiến tích vào vòng nock - out ASIAD 17. Thế nhưng, sự ảo tưởng và phi thực tế đã khiến ông thầy người Nhật bị sa thải.

Dưới thời HLV Miura, ĐTQG cho thấy dấu hiệu khởi sắc rất lớn, từ sân chơi AFF Cup đến SEA Games lẫn sân chơi châu lục đều gặt hái được thành tích, hoặc dấu ấn lớn nhất định.

Bầu Đức từng chỉ trích HLV Miura.

Tuy nhiên, lối chơi phòng ngự của ông thầy người Nhật bị đánh giá không phù hợp với lứa cầu thủ U19 Việt Nam gồm nòng cốt là quân Học viện HAGL - JMG của bầu Đức. Sức ép ngày một gia tăng và chính ông Đức cũng chỉ trích HLV Miura là dở nhất trong suốt 60 năm qua. Cuối cùng, ông Miura bị sa thải trước thời hạn.

Thời điểm ấy, bóng đá Việt Nam ảo tưởng đến mức phải đá đẹp và có thành tích. Thế nên, HLV Hữu Thắng lên cầm quân phải từ bỏ triết lý phòng ngự và chuyển sang thứ bóng đá ban bật, nhằm làm hài lòng bầu Đức cũng như một bộ phận dư luận.

Lối chơi đẹp của HLV Hữu Thắng đã nhận cái kết bi thảm là U22 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games 29. Đỉnh điểm là trận cầu đôi công thua tan nát trước U22 Thái Lan, trong bối cảnh chỉ cần 1 điểm là đi tiếp.

U23 Việt Nam thời Hữu Thắng đá đẹp nhưng không có thành tích.

Ảo tưởng và phi thực tế còn từng được khái quát qua giấc mơ của Chủ tịch VFF - Lê Hùng Dũng khi nói về lứa U19 Việt Nam có thể thực hiện hóa giấc mơ dự World Cup.

Bây giờ, ông Park Hang Seo đang giúp U23 Việt Nam gây tiếng vang lớn ở U23 châu Á bằng chiến thuật ” dựng xe buýt”, vì chưa thể chơi ngang ngửa với các đội bóng mạnh. Điều ấy cho thấy bóng đá Việt Nam vẫn kém xa so với tầm châu lục, tấm vé tứ kết U23 châu Á cũng chỉ là mốc son chứ không phải sự khẳng định đạt tầm châu Á.

Ảo tưởng và phi thực tế - đó là điều khiến cho bóng đá Việt Nam phải chia tay HLV Miura và Hữu Thắng. Hy vọng rằng câu chuyện ấy không tái diễn với ông Park Hang Seo, nhất là sau chiến tích ở U23 châu Á có thể khởi đầu cho một cuộc mơ mộng không đúng vị thế hiện tại của bóng đá Việt Nam.

Quyền Chủ tịch CLB TP.HCM - Lê Công Vinh chia sẻ với Saostar về thành tích của U23 Việt Nam: “Đó thực sự là mốc son của bóng đá Việt Nam. Tôi nghĩ rằng điều này sẽ tạo ra hiệu ứng lớn để giúp cho bóng đá Việt Nam gây tiếng vang về phương diện đào tạo trẻ.

Hơn hết, thành tích của U23 Việt Nam sẽ giúp nhiều người quan tâm hơn đến bóng đá. Qua đó, giải vô địch quốc gia sẽ tốt lên, khán giả đến sân nhiều hơn

Tuy nhiên, tôi cho rằng việc này chỉ là thành tích trước mắt thôi, bóng đá Việt Nam vẫn còn có khoảng cách xa so với các đội ở châu lục.

U23 Việt Nam có thành tích thì chúng ta phải vui mừng nhưng cần nhìn nhận đúng thực tế của bóng đá Việt Nam. Trên niềm vui hôm nay, chúng ta cần nhìn ra những gì thiếu sót, yếu kém so với các đội bóng tầm châu lục để khắc phục.

Qua đó, bóng đá Việt Nam cần làm tốt hơn và đi đúng hướng. Đây mới là điều quan trọng sau mốc son của U23 Việt Nam”.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất