Thể thao

Bầu Đức - 'Người đưa đò thầm lặng' của bóng đá Việt Nam

Văn Nhân
Chia sẻ

Trong mỗi bước đi của bóng đá Việt Nam luôn có dấu ấn rất lớn của bầu Đức, người được ví như hạt nhân thay đổi lịch sử bóng đá nước nhà nhìn từ công cuộc "trồng người" trong hơn 1 thập kỷ qua.

Bầu Đức, dĩ nhiên ông không phải là người thầy và bầu Đức cũng không nhận cái danh xưng cao quý này. Nhưng nói đến công cuộc “trồng người” cho bóng đá Việt Nam thì không thể bỏ qua bầu Đức, người luôn đi tiên phong để thay đổi bóng đá nước nhà.

Bầu Đức tầm sư học đạo

Với bầu Đức, bóng đá gắn liền như một phần quan trọng trong cuộc sống. Ông bầu CLB HAGL từ thuở nhỏ đã đam mê bóng đá khi đá vị trí tiền đạo cùng những bạn cùng trang lứa.

Từ tư thế một người luôn dành tình yêu to lớn cho bóng đá, bầu Đức bắt đầu được những cầu thủ Việt Nam biết đến với hình ảnh “CĐV đặc biệt” khi thường xuyên đến dõi theo các trận đấu của ĐTVN. Một lần ĐTVN thi đấu ở nước ngoài, bầu Đức xem xong cảm thấy sướng nên thưởng cho toàn đội cả xấp tiền đô. Câu chuyện này xảy ra hồi những năm 90 khi bóng đá nước nhà bắt đầu trở lại sân chơi khu vực.

Vị “CĐV đặc biệt” của bóng đá Việt Nam bắt đầu tham gia làm bóng đá từ năm 2000. Bầu Đức liên tục gặt hái thành công nhờ cách làm khác biệt, đúng hơn là theo tính chất chuyên nghiệp. Bóng đá phải có ngôi sao mới thành công. Bầu Đức “tậu” Kiatisak cho HAGL dù chỉ đang đá hạng Nhất. Một cú “áp phe” chấn động Đông Nam Á và mở ra giai đoạn rực rỡ nhất cho đội bóng phố Núi với hai chức vô địch V.League.

Bầu Đức gặp HLV Wenger để đàm đạo về bóng đá.

Nhưng bóng đá hay cuộc sống thì mọi thứ luôn chuyển động mỗi ngày, nếu không thay đổi sẽ thụt lùi, thậm chí lụi tàn và không phát triển. Với tư tưởng hướng ngoại, bầu Đức đến với Arsenal - CLB lừng danh của nước Anh để gặp HLV Wenger.

Học viện Bóng đá HAGL - Arsenal - JMG ra đời từ cuộc đàm đạo giữa bầu Đức và ông Wenger. Vị giáo sư người Pháp khuyên bầu Đức muốn làm bóng đá chuyên nghiệp phải làm đào tạo trẻ, xây dựng một hệ thống chuyên nghiệp thì mới có sản phẩm tốt.

Đó được xem như hành trình “tầm sư học đạo” của bầu Đức để mở ra kỷ nguyên mới cho bóng đá Việt Nam.

Triết lý trồng người độc nhất vô nhị

Gắn bó với bóng đá Việt Nam từ ngày đầu đi lên chuyên nghiệp, bầu Đức nhìn thấy được gốc rễ trong cuộc “trồng người” cho bóng đá. Nếu cầu thủ giỏi mà không có được nền tảng văn hóa, ý thức chuyên nghiệp thì sớm muộn gì cũng trở thành nỗi đau, hoặc lụi tàn trong sự cám dỗ của bóng đá.

Lứa cầu thủ nổi tiếng của bóng đá Việt Nam gồm những Văn Quyến, Quốc Vượng… là ví dụ. Họ được đánh giá rất cao về tài năng nhưng thiếu nền tảng văn hóa, ý thức bảo vệ chính mình trước cám dỗ. Thế nên, họ phải đón nhận bi kịch từ SEA Game năm 2005.

Ngoài ra, bầu Đức cũng hiểu được việc đào tạo ra những cầu thủ giỏi thì cần trang bị thêm kiến thức, học thức để làm công dân tốt trước khi là ngôi sao bóng đá. Vì thực trạng bóng đá Việt Nam thời những năm 2000 là cầu thủ được trả tiền rất nhiều, được chăm lo tận răng nhưng chính hào quang, tiền bạc đã khiến không ít cầu thủ sa ngã.

Bầu Đức có những quy định khác biệt để giúp HAGL có những cầu thủ giỏi và học vấn cao.

Bản thân bầu Đức khi chứng kiến nhiều mặt trái của bóng đá Việt Nam đã từng thẳng thắn nói: “Cầu thủ Việt Nam càng lớn càng mất dạy”!

Thế nên, bầu Đức đề ra những quy định riêng cho Học viện Bóng đá HAGL. Cầu thủ phải được học văn hóa trước khi học bóng đá. Cầu thủ không chỉ được cho ăn học mà phải tốt nghiệp Đại học. Cầu thủ phải biết tiếng Anh…

Theo bầu Đức, những quy định đó đặt ra là mong muốn không chỉ có cầu thủ giỏi mà cần có được ý thức chuyên nghiệp, nền tảng học thức cao, qua đó họ sẽ tránh được sự sa ngã trong bóng đá. Tức một cầu thủ giỏi cũng là một công dân tốt, nếu không đá bóng thì có đủ kiến thức để sống tốt.

Bầu Đức làm bóng đá là may mắn của bóng đá Việt Nam

Bóng đá hay cuộc sống, thì điều tử tế và trách nhiệm luôn được đặt lên hàng đầu. Bầu Đức làm bóng đá tử tế, xây dựng từ gốc rễ, trồng người dựa trên triết lý bắt đầu từ văn hóa, ý thức, học thức. Đó chính là may mắn của bóng đá Việt Nam kể từ ngày đi lên chuyên nghiệp.

HLV Lê Thụy Hải nhận xét bầu Đức là người có công rất lớn trong thành công của U23 Việt Nam. Bầu Đức là người mở đường trong công tác đào tạo trẻ để có được lứa cầu thủ tài ba cho bóng đá nước nhà. Đó là sự thật và cần được ghi nhận đúng với tâm huyết cả đời của bầu Đức cho bóng đá.

Vai trò của người mở đường thực sự quan trọng. Và người đó mang đến sự thành công, những dấu ấn đặc biệt thì càng đáng trân trọng. Bầu Đức chính người như thế trong cuộc thay đổi bóng đá Việt Nam sau hơn 11 năm cho ra đời Học viện Bóng đá HAGL.

Bầu Đức đã góp công lớn làm thay đổi bóng đá Việt Nam.

Bóng đá Việt Nam từng rơi vào giai đoạn có thể nói buồn nhất với sự lạnh nhạt từ khán giả. Mọi thứ chỉ được vực dậy khi lứa Công Phượng ra lò. Tất cả mang đến một luồng sinh khí mới để thắp lại tình yêu của người hâm mộ.

Những người khó tính, khắt khe nhất vẫn nhìn nhận được sự chuyển biến của bóng đá Việt Nam từ năm 2013, thời điểm bầu Đức trình làng lứa Công Phượng.

Bây giờ, U23 Việt Nam hay ĐTVN cũng đang chịu ảnh hưởng rất từ các cầu thủ của HAGL. Những Công Phượng, Xuân Trường đang là hạt nhân trong lối chơi của HLV Park Hang Seo. ASIAD 18, Công Phượng, Văn Toàn tỏa sáng đưa U23 Việt Nam đến bán kết. AFF Cup 2018, Công Phượng đang liên tục ghi bàn. Xuân Trường chơi thăng hoa. Đó là minh chứng thực tế.

Ngày 20/11, ngày nhà giáo Việt Nam để tri ân, cám ơn công lao “trồng người” của các thầy cô. Và bầu Đức không làm thầy trong bóng đá, nhưng ông xứng đáng được gọi là “người đưa đò thầm lặng” của bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua!

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất