Thể thao

Bầu Đức - 'gian hùng' hay 'anh hùng'?

Văn Nhân
Chia sẻ

Bầu Đức là công thần trong thành công của U23 Việt Nam. Ông được xem là đi trước những người làm bóng đá Việt Nam một bước và có cá tính đúng nghĩa một "gian hùng" của làng bóng đá Việt.

Từ người đàn ông mặc áo da bò…

Cuộc đời bầu Đức gắn liền với những câu chuyện thú vị như ba lần thi trượt đại học và quan niệm “đừng bao giờ nghĩ không học là không thành đạt. Nhưng sau mọi thứ thì tên tuổi bầu Đức gắn liền với bóng đá Việt Nam như một ông bầu đại tài và có tâm huyết nhất.

Tôi còn nhớ trước kỳ SEA Games 29 từng trò chuyện với bầu Đức về khát vọng lứa U19 sẽ mang HCV về cho bóng đá Việt Nam. Ông Đức tâm sự điều ấy là giấc mơ được ví như “thai nghén” trong xuyên suốt hơn chục năm, kể từ lúc xây học viện bóng đá.

Bầu Đức từng gây chấn động bóng đá Việt Nam khi bắt tay hợp tác với Arsenal để mở học viện, đặt nền móng cho lứa cầu thủ tài năng của U23 Việt Nam sau này.

Khát vọng ấy của bầu Đức xuất phát từ thuở còn khoác áo da bò đi xem Việt Nam thi đấu ở sân chơi khu vực và thường xuống sân thưởng cả xấp tiền đô cho lứa cầu thủ thời Hữu Thắng. Thế nên, ông Đức khẳng định bản thân là một người yêu bóng đá và tình yêu ấy cháy bỏng trước lúc bén duyên cùng sân cỏ.

“Câu chuyện đó xảy ra lâu rồi, tôi bây giờ cũng không còn nhớ rõ. Lúc đó, tôi xem đội tuyển đá. Sau đó, tôi xuống thưởng 2.000 đô. Tôi không nhớ là năm 1995 hay 1997. Tôi là người có niềm mê bóng đá đã từ rất lâu”, bầu Đức kể.

Từ người đàn ông mặc áo da bò cổ vũ cho ĐTVN, bầu Đức bây giờ trở thành người có đóng góp lớn cho bóng đá Việt Nam, trong đó sự thành công của U23 Việt Nam ghi nhận một dấu ấn lớn của ông bầu CLB HAGL.

Điều đáng yêu của bầu Đức

Tính cách khác biệt của bầu Đức là dám nói những điều mà người khác không nói và không dám nói. Trong bất kỳ môi trường nào thì sự giả dối trong lời nói là điều khó tránh được, hoặc phải tránh né những điều không thể nói, nhưng bầu Đức trong hoàn cảnh có thể nói thật, nói thẳng thì ông huỵch toẹt, nói chẳng cần quan cách hay e ngại bất cứ điều gì.

Bầu Đức có thể thẳng thắn nói ngay tại cuộc họp Bna chấp hành VFF: Anh Mùi là Trưởng ban trọng tài nhưng có con làm trọng tài thì khó làm. Tôi khuyên anh Mùi nên nghỉ.

Bầu Đức từng chỉ trích trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi.

Cũng ít ai biết rằng, khi huyền thoại Man United - Ryan Giggs sang Việt Nam nói về giấc mơ World Cup thì bầu Đức cho rằng: “Gigg biết gì bóng đá Việt Nam mà nói”.

Bản thân bầu Đức cũng không ít lần chia sẻ: Ông là người có gì nói đó, thẳng tính như “ruột ngựa”. Thế nên, có cơ hội nói để tốt cho bóng đá Việt Nam thì ông Đức không ngần ngại lên tiếng, thậm chí chửi thẳng, với những phát ngôn kinh điển như “cầu thủ Việt Nam càng lớn càng mất dạy”, “đứa nào đá xấu, đá láo, tôi đuổi thẳng cổ”.

Có người bảo bầu Đức bốc phét, nổ, nhưng sự thật ông Đức chưa bao giờ NỔ. Ông Đức cũng không giả khiêm tốn và hiểu rõ sức mạnh từ lời nói của chính ông với dư luận. Đó là khẩu khí của bầu Đức để nói lên cá tính và khát vọng của ông, với những quan điểm khác người mà không thể lẫn lộn trong làng bóng đá Việt.

“Gian hùng” hay “anh hùng”?

Khẩu khí lớn nhất nhì làng bóng đá Việt nhưng bầu Đức vẫn có những mặt trái chứ không hẳn tốt toàn diện. Bầu Đức từng đặt luôn câu hỏi với người viết rằng: “Tôi có công hay tội”?

Công hay tội? Một câu hỏi có thể nói là rất hay của bầu Đức đặt cho chính mình sau thành công của U23 Việt Nam. Bầu Đức có công hay tội, phần lớn dư luận đều dễ dàng phán xét sau những gì ông đóng góp để phát triển bóng đá Việt Nam.

Ông Đức là người tiên phong làm bóng đá theo cách mua sắm một loạt cầu thủ nổi tiếng về Việt Nam để tạo dựng thương hiệu, có sự thành công tức thì. Cả Đông Nam Á sau một ngày đều phải ngã mũ khi bầu Đức mua Kiatisak, huyền thoại bóng đá Thái Lan.

Bầu Đức là người tâm huyết với BĐVN.

Sau Kiatisak, bầu Đức mua Lee Nguyễn - cầu thủ từng thuộc biên chế của CLB PSV Eindhoven (Hà Lan). Một thương vụ khẳng định sự chịu chơi và dám làm những điều mà những người làm bóng đá Việt Nam không thể làm được.

Bầu Đức không chỉ dùng lại ở chuyện mua sắm ngôi sao mà xây Học viện bóng đá, sau lần gặp HLV Wenger (Arsenal) để thọ giáo. Phá đi một diện tích lớn trồng cây cao su để xây Học viện, bầu Đức muốn phát triển HAGL trở thành thương hiệu vươn tầm châu lục, muốn đưa bóng đá Việt Nam lên một tầm cao với lứa cầu thủ được ăn học và tập luyện bài bản nhất.

Ròng rã 12 năm, bầu Đức cho biết có quyền tự hào về những gì đóng góp cho bóng đá Việt Nam. Ông Đức cũng là người góp công đưa HLV Park Hang Seo đến về phục vụ cho ĐTQG. Thế nên, công lao của bầu Đức rõ ràng rất lớn…

Ông bầu đam mê bóng đá phố núi cũng từng tiết lộ việc kỳ công mời gọi HLV Park Hang Seo sang dẫn dắt đội tuyển.

Nhưng bầu Đức không hẳn tốt toàn diện, khi không ít lần cho thấy ông thuộc mẫu người “thà ta phụ người thiên hạ chứ không thể để người thiên hạ phụ ta”. Sa thải HLV Miura là một ví dụ, ông thầy người Nhật có nhiều đóng góp cho bóng đá Việt Nam sau thời hoàng kim của HLV Calisto nhưng bầu Đức quyết định “trấn áp quần hùng”, khi tận dụng khẩu khí và tầm ảnh hưởng của ông để buộc VFF phải chịu trận đến mức sa thải Miura trước thời hạn.

Cần nhắc thêm, bầu Đức muốn sa thải ông Muira bằng mọi giá đến mức tuyên bố: “Sa thải Miura đi, tôi sẽ lo tất cho đội tuyển”. Liên tục “phát pháo” trong dư luận và tận dụng mọi ưu thế đến mức HAGL trong cảnh nợ lương, ông Đức sẵn sàng bỏ 400 triệu để giúp Quế Ngọc Hải. một nước cờ cao tay trong thời điểm rất cần nhận được sự đồng thuận từ dư luận.

Vậy nên, bầu Đức góp công lớn cho bóng đá Việt Nam nhưng không có nghĩa là không có mặt trái. Và ông Đức là “gian hùng” hay “anh hùng” thì có lẽ mọi người cũng tự có câu trả lời cho chính mình, sau ngần ấy năm ông bầu này gắn bó với bóng đá và đóng góp vào sự thành công của U23 Việt Nam.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất