Thể thao

Bao giờ Ngọc Trinh, Hồ Ngọc Hà, Angela Phương Trinh được đóng góp cho bóng đá?

Văn Nhân
Chia sẻ

Nếu nhìn Ngọc Trinh, Hồ Ngọc Hà, Angela Phương Trinh, hay các sao showbiz ở quan điểm thiếu tích cực thì họ rất khó cơ hội bước vào ngôi nhà bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, nhìn rộng ra bóng đá thế giới thì điều ấy không có gì lạ lẫm...

Nhìn từ bóng đá thế giới

CLB Vicenza, đội bóng giàu truyền thống của Ý tuyên bố phá sản vào 18/1/2018. Đội bóng này sẽ bị xóa tên nếu không có tiền để vực dậy. Hy vọng được thắp lên một cách đầy bất ngờ là ngôi sao phim người lớn - Amandha Fox muốn “cứu” bằng cách trích 10% lợi nhuận từ số tiền bán lịch của cô trong năm 2018.

Amandha Fox muốn cứu đội bóng lâu đời của Ý.

Câu chuyện của Amandha Fox lập tức lan tỏa khắp nước Ý. Nhiều người lên tiếng cảm phục và ủng hộ Amandha Fox, dù CLB Vicenza vẫn chưa có động thái là chấp nhận hành động đẹp của diễn viên phim người lớn hay không.

Bóng đá thế giới không hề hiếm gặp việc diễn viên, người mẫu đóng góp cho bóng đá. Thậm chí, họ sắm vai trò quan trọng trong tư cách Chủ tịch.

Hồi tháng 2/2011, cựu người mẫu Playboy, Izabella Lukomska-Pyzalska bất ngờ được bổ nhiệm là Chủ tịch CLB Warta Poznan, Ba Lan. Việc bổ nhiệm này với hy vọng vực dậy đội bóng cũng như mang đến sự thu hút từ người hâm mộ.

Diễn viên xinh đẹp Mingjiao Yi làm Chủ tịch CLB Dashi ở Trung Quốc. Ảnh: China News/Ifeng

Tháng 8/2014, bóng đá Trung Quốc gây “sốt” vì CLB Dashi bổ nhiệm Á quân của cuộc thi hoa hậu du lịch làm Chủ tịch. Đó là cô nàng xinh đẹp Mingjiao Yi, một diễn viên nổi tiếng của điện ảnh Trung Quốc và được rất nhiều fan trẻ thần tượng. Thời điểm, nữ diễn viên này nhận chức Chủ tịch mới có 24 tuổi.

Mingjiao Yi là Chủ tịch CLB bóng đá trẻ nhất Trung Quốc khi nhận chức lúc 24 tuổi. Ảnh: China News/Ifeng

Kể ra những câu chuyện trên để thấy rất nhiều diễn viên, người mẫu, những người làm giải trí tham gia làm bóng đá trên thế giới. Họ trở thành bộ mặt của đội bóng ở phương diện thu hút dư luận và khán giả.

Bao giờ giới giải trí Việt được đóng góp cho bóng đá?

Trước khi nói về bóng đá Việt Nam và giới giải trí, một câu chuyện cần nhắc là Lý Nhã Kỳ được bổ nhiệm làm phó Chủ tịch Liên đoàn Xe đạp - Moto Việt Nam nhiệm kỳ VI hồi tháng 2 năm 2016. Lúc đó, Lý Nhã Kỳ được đăng ký với tên thật là bà Trần Thị Thanh Nhàn.

Lý Nhã Kỳ làm phó Chủ tịch Liên đoàn Xe đạp - Moto Việt Nam nhiệm kỳ VI.

Hồi tháng 3 năm 2012, ca sĩ Ngọc Sơn cũng được chọn làm Chủ tịch danh dự của Sài Gòn FC. Lúc đó, nhiều ý kiến cho rằng Ngọc Sơn không nên làm nhưng sự thật là một câu chuyện khác. Ngọc Sơn mang sức hút để kéo khán giả đến sân cho đội bóng của bầu Thụy.

Thực tế, chuyện thu hút dư luận và khán giả là điều rất quan trong bóng đá. Có khán giả mới giúp đội bóng sống khỏe, sống tốt, vì có nhiều nhà tài trợ.

Ví dụ chuyện của Sài Gòn FC trong thời gian qua, “cò” Đại (Trần Tiến Đại) sau nhiều năm vắng bóng bất ngờ trở lại V.League trong vai trò Chủ tịch CLB Sài Gòn. Ông Đại gây ồn ào với việc thanh lý hợp đồng tiền vệ Bùi Trần Vũ, hay mới nhất là chuyện tiền đạo Nsi bất ngờ bỏ Cần Thơ để về với “cò” Đại, dù hợp đồng đã ký với đội bóng xứ Tây Đô.

Nsi ngang nhiên bỏ đội cần Thơ về với “cò” Đại. Ảnh: Sài Gòn FC

Thế nhưng, những điều ấy cũng không giúp cho Sài Gòn FC hay “cò” Đại được lên sóng nhiều trên mặt báo. Cái tên Trần Tiến Đại cũng chỉ gói gọn trong giới bóng đá Việt, sức lây lan từ các scandal kể trên gần như “cà phê nhỏ giọt”.

Nói ví von thì “cò” Đại khuấy đảo làng bóng đá Việt nhưng hiệu ứng chẳng bằng Hồ Ngọc Hà, Ngọc Trinh, Angela Phương Trinh khoe ảnh trên mạng xã hội trong thời gian qua.

Một phương án thế này, thay vì tạo scandal thì Sài Gòn FC mời Ngọc Trinh, Angela Phương Trinh hay Hồ Ngọc Hà ngồi ghế Chủ tịch danh dự như ca sĩ Ngọc Sơn. Hẳn tiếng vang sẽ rất lớn và hiệu ứng cao so với việc “vào nhà bắt quân của đội bóng khác”, hay thanh lý rồi “xé” giấy với cựu tiền tiền vệ HAGL.

Bộ ba Hồ Ngọc Hà, Ngọc Trinh, Angela Phương Trinh đang gây sốt trong thời gian qua vì ảnh nóng bỏng.

Sức hút của Ngọc Trinh và Angela Phương Trinh, hay các ngôi sao giải trí khác không chỉ gói gọn ở thương hiệu và truyền thông, họ có thể tham gia bán vé để kéo khán giả đến sân. Đừng nghĩ bị cho là PR, vì bóng đá Việt bây giờ thực sự cần tính giải trí để thu hút người hâm mộ đến sân.

Và cũng đừng nhìn nhận là việc kết hợp giới giải trí sẽ làm cho mặt bằng bóng đá Việt Nam thấp đi. Cần nhắc rằng, cựu Chủ tịch VFF - ông Mai Liêm Trực từng phát biểu kinh điển thế này: “Mặt bằng bóng đá Việt Nam thấp hơn mặt bằng xã hội”.

Bóng đá kết hợp giới giải trí, một câu chuyện cũ của bóng đá Việt. Nhiều đội đã làm nhưng làm chưa đến nơi, chỉ làm theo bề nổi. Liệu đến một ngày nào đó, những người làm bóng đá Việt Nam thực sự thay đổi quan điểm để tạo ra sức sống mới cho V.League?

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin mới nhất