Thể thao

Bóng đá Việt Nam làm kiểu ăn xổi và lãng phí nhân tài?

Văn Nhân
Chia sẻ

Thất bại ở AFF Cup 2020 không phải là vấn đề lớn của bóng đá Việt Nam. Nỗi lo là VFF đang thiếu tầm nhìn và lãng phí người giỏi.

Sau thất bại là nỗi lo lớn

Bốn năm qua, bóng đá Việt Nam bay bổng với những thành công dưới thời ông Park. Nhưng thất bại ở AFF Cup 2020 chỉ ra vấn đề nghiêm trọng: Không có một cầu thủ mới nào được phát hiện.

Hoàng Đức được nói đến nhiều nhưng không phải nhân tố mới. Hoàng Đức đã sắp bước qua tuổi 23 (sinh năm 1998). Những gương mặt mới được đưa đến AFF Cup thì ông Park không thể dùng ai.

Gần nhất, ông Park trình làng một gương mặt mới là trung vệ Thanh Bình trong tình cảnh bất đắc dĩ trước Trung Quốc. Thanh Bình mắc hai lỗi dẫn đến 2 bàn thua.

Một nền bóng đá trong 4 năm không có thêm 1 gương mặt mới. ĐTQG xài toàn người cũ. Lỗi không thuộc về ông Park, vì ông không có trách nhiệm đi tìm ngọc thô để mài. Ông Park chỉ có trách nhiệm chọn những cầu thủ giỏi nhất để đánh trận. Vấn đề này phải thuộc về hệ thống đội trẻ và các HLV làm trẻ. Đúng hơn, VFF phải có chiến lược và kế hoạch dài hạn về chuyện này.

VFF chọn HLV dẫn dắt các đội U theo kiểu thích dùng ai thì dùng. HLV Hoàng Anh Tuấn, HLV Nguyễn Quốc Tuấn, HLV Vũ Hồng Việt, HLV Đinh Thế Nam, HLV Philippe Troussier là những người đã được chọn trong 4 năm qua. Điểm chung là ai thất bại sẽ thay, riêng ông Philippe Troussier bất ngờ về Pháp.

Chừng đó HLV thì mục đích của VFF là gì với các đội trẻ? Phải chăng chỉ nghĩ đến thành tích mà quên đi việc tạo ra một triết lý cho ĐTQG, hay thiếu đích ngắm là sân chơi trẻ để tìm nhân tài!

Hãy nhìn Thái Lan ở AFF Cup 2020, trình độ giữa quân dự bị và chính thức không hề chênh lệch. Họ đá đội dự bị thắng Singapore 2-0, dùng 7-8 nhân tố phụ vẫn thắng Indonesia 4-0. Lý do cầu thủ Thái Lan được đào tạo với một triết lý chung là đá nhỏ, chơi tấn công và sở hữu nền tảng kỹ thuật tốt.

Bóng đá Việt Nam làm kiểu ăn xổi và lãng phí nhân tài? Ảnh 1
Quang Hải là ngôi sao tuyển Việt Nam vẫn đá SEA Games 30.

Bóng đá Việt Nam dùng quân rất lạ. Ví dụ giải U21 kết thúc vừa qua, nhiều cầu thủ được gọi lên U23 vẫn đá U21 với các đàn em 18-19 tuổi. Ngay đến ĐTQG cũng vậy. Chúng ta sẵn sàng dùng Quang Hải, Trọng Hoàng, Hùng Dũng đá SEA Games. Tất cả chỉ có thể gói gọn trong cụm từ: Bệnh thành tích!

VFF đang tiếp tục đi sai?

Nếu nhìn màn trình diễn của U23 Việt Nam hồi tháng 11 năm nay, bao nhiêu chuyên gia và người hâm mộ có niềm tin vào thành công ở tương lai?

Phần lớn không được chơi bóng chuyên nghiệp. Có nhiều cầu thủ đến đỡ bước một còn khó khăn. Một trường hợp cụ thể là tiền vệ Nguyễn Hai Long được ví là “Quang Hải đệ nhị”. Hai Long là nòng cốt của U23, từng được ông Park nhấc lên tuyển Việt Nam. Nhưng Hai Long chẳng có gì nổi bật khi đá với các đàn em là Học viện Nutifood ở U21. Kết quả Hà Nội FC bị đánh bại 0-1 ở trận chung kết.

Bóng đá Việt Nam có một cái sai là không tận dụng đúng người giỏi để xây dựng bài bản một triết lý cho ĐTQG. Chúng ta từng có HLV Graechen - một ông thầy rất giỏi tìm nhân tài, đào tạo họ thành ngôi sao phục vụ cho tuyển Việt Nam. Ông Giôm là thầy của Công Phượng, Quang Hải, Văn Đức, Bùi Tiến Dũng, Đức Huy, Duy Mạnh… ở U19 Việt Nam. Bản danh sách đó cho thấy không phải riêng quân HAGL mà Giôm sẽ chọn người giỏi nhất để mài giũa.

Bóng đá Việt Nam làm kiểu ăn xổi và lãng phí nhân tài? Ảnh 2
Ông Giôm rất giỏi trong đào tạo trẻ và có triết lý riêng biệt.

Tuy nhiên, sau khi HLV Graechen mài xong một thế hệ vàng thì chúng ta tập trung khai thác triệt để, và bỏ quên việc “trồng” thế hệ kế cận, quên cả ông Giôm. Đến lúc nhìn lại vì thất bại AFF Cup 2020 thì phát hiện ra lỗ hổng quá lớn. Hậu quả là SEA Games 31 tổ chức trên sân nhà nhưng bóng đá nam khó có vàng.

Sai thì phải sửa và phải có tầm nhìn dài hạn để khắc phục lỗ hổng. VFF đúng ra phải trở lại với công thức đã thành công trong quá khứ, là dùng HLV Graechen ở cấp độ trẻ. Tài năng của ông Giôm có thể mang đến hy vọng tìm ra những gương mặt giỏi cho bóng đá Việt Nam. Ông Giôm cũng giúp các đội trẻ có một lối chơi chung, có triết lý rõ ràng chứ không phải mỗi cấp độ đá một kiểu khác nhau.

Tiếc là VFF không dùng HLV Graechen ở U23 Việt Nam mà chọn HLV Đinh Thế Nam. Nên nhớ, nòng cốt U23 là quân U21. HLV Graechen đã có thời gian dài để nhìn ra người giỏi. Vì ông Giôm dẫn dắt Học viện Nutifood đá từ vòng loại đến vòng chung kết và giành chức vô địch U21 với lứa cầu thủ 18-19 tuổi.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất