Thể thao

Bóng đá phi lợi nhuận và con đường để tuyển Việt Nam thành công

Văn Nhân
Chia sẻ

Bóng đá không có một công thức chung để thành công, nhưng công tác đào tạo trẻ là một yếu tố then chốt để một nền bóng đá phát triển.

Đằng sau sự thành công dưới thời HLV Park Hang Seo có một yếu tố quan trọng chính là thành quả của một quá trình phát triển bóng đá trẻ. Không có sự ra đời của lứa Công Phượng, Quang Hải thì ông Park cũng không thể nào tạo ra các kỳ tích.

Người hâm mộ có thể nhìn qua hai trận đấu của U23 Việt Nam gặp Đài Loan (Trung Quốc). Đội bóng của ông Park dễ dàng đè bẹp đối thủ với cách biệt 6-1 ở trận đấu trước thềm VCK U23 châu Á 2020, nhưng cuộc chạm trán ở vòng loại U23 châu Á 2022 thì U23 Việt Nam thắng tối thiểu 1-0 do không còn các cầu thủ giỏi.

Sự khác biệt từ hai trận thắng của U23 Việt Nam phản ánh rằng: Ông Park muốn thành công thì cần có các cầu thủ giỏi. Và tương lai của bóng đá Việt Nam muốn duy trì sự phát triển bền vững phải tiếp tục làm tốt công tác đào tạo trẻ, không được làm theo kiểu "xây nhà từ nóc".

14 năm trước, CLB HAGL là một thế lực hùng mạnh ở V.League và bầu Đức đang thành công nhưng chấp nhận thay đổi mọi thứ. Ông bầu phố Núi xây Học viện bóng đá HAGL khi bắt tay với CLB Arsenal làm đào tạo trẻ. Một sự đầu tư lớn theo kiểu làm bóng đá phi lợi nhuận, làm vì đam mê, cống hiến cho bóng đá Việt Nam. Đây là giai đoạn mà bầu Đức đang là người giàu số một ở Việt Nam.

Bóng đá phi lợi nhuận và con đường để tuyển Việt Nam thành công Ảnh 1
Cuộc gặp mặt của bầu Đức và HLV lừng danh Arsene Wenger làm thay đổi khái niệm làm bóng đá ở Việt Nam.

Nếu có tham vọng khác từ bóng đá thì bầu Đức đã không xây Học viện bóng đá. Và ông không cần tốn thời gian, tâm huyết để nuôi nhiều đứa trẻ đam mê bóng đá trên mọi miền đất nước. Bầu Đức chỉ cần mua nhiều cầu thủ giỏi, thậm chí mua các ngôi sao thế giới ở tuổi xế chiều cần về V.League... dưỡng già, đó là cách làm đơn giản vừa có danh hiệu, vừa tạo ra hiệu ứng dư luận để đánh bóng tên tuổi. Nên nhớ, nhiều tỷ phú ở châu Á cũng đang chọn cách làm này.

Cả một nền bóng đá làm theo kiểu "xây nhà từ nóc" có một điểm sáng duy nhất là Học viện HAGL, và kéo nhiều mặt cho bóng đá Việt Nam phát triển ở hiện tại.

Sự thay đổi của bóng đá Việt Nam trong 10 năm qua là rất lớn. Phương diện quan trọng nhất là khâu đào tạo trẻ có sự chuyển biến đáng kể. Bằng chứng là có nhiều Học viện bóng đá ra đời và các CLB có xu hướng "hội nhập và sính ngoại" bằng cách bắt tay với các CLB nước ngoài làm đào tạo trẻ.

Cụ thể, Trung tâm thể thao Viettel bắt tay với CLB Dortmund (Đức), Học viện bóng đá Juventus ra đời ở Vũng Tàu sau khi hợp tác với CLB Juventus (Ý). Bóng đá TPHCM cùng CLB Lyon (Pháp) có mối nhân duyên dài hơn 5 năm qua. Một lò đào tạo nổi tiếng khác ra đời từ năm 2015 là Học viện bóng đá Nutifood...

Hãy nhìn vào một ví dụ cụ thể ảnh hưởng từ Học viện HAGL, đó là Học viện bóng đá Nutifoood của bầu Hải. Từ nguồn cảm với lứa Công Phượng thì ông Trần Thanh Hải quyết tâm làm bóng đá trẻ, đầu tư thầm lặng về công sức và tiền bạc trong suốt 6 năm qua dù không chơi bóng đá chuyên nghiệp.

Triết lý của Học viện Nutifood: "Hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận nên không chờ đợi các khoản thu lại từ việc đào tạo cầu thủ".

Bóng đá phi lợi nhuận chính là điều đặc biệt của Học viện Nutifood. Ví dụ tài năng trẻ Trần Gia Huy - cầu thủ có thể hình thấp bé với chiều cao 1,33m nhưng sau 4 năm được chăm sóc đặc biệt đã cao 1,72m và nặng 63kg. Số tiền dành cho Trần Gia Huy là mỗi năm hơn 1 tỷ đồng. Một phép tính đơn giản là bầu Hải không thể hoàn vốn với khoản đầu tư cho Gia Huy.

Bóng đá phi lợi nhuận và con đường để tuyển Việt Nam thành công Ảnh 2
Trần Gia Huy (thứ 2 từ bên trái) được đầu tư mỗi năm 1 tỷ để cải thiện chiều cao.

Ở Học viện Nutifood, các cầu thủ không chỉ được đào tạo đá bóng mà giống như một ngôi trường dạy làm người. Trong thời điểm diễn ra dịch Covid-19, các thủ Nutifood được dạy ba khoá học đặc biệt về kỹ năng mềm: Văn hoá ứng xử trên mạng xã hội, xây dựng thương hiệu cá nhân và giao tiếp trước đám đông.

Có thể thấy yếu tố giáo dục đang được Học viện bóng đá Nutifood đặt lên hàng đầu, một điểm rất tương đồng với chuyện HAGL cho ra đời lứa Công Phượng. Tức đào tạo cầu thủ một cách bài bản, nuôi dưỡng tốt về nhiều mặt từ đạo đức đến văn hoá, thậm chí là áp dụng khoa học về dinh dưỡng thể thao để cải thiện vóc dáng và chiều cao.

Bóng đá phi lợi nhuận và con đường để tuyển Việt Nam thành công Ảnh 3
Một hình ảnh rất ý nghĩa khi các cầu thủ của Học viện bóng đá Nutifoood được dạy văn hoá như một lớp học.

Bóng đá phải có thành tích nhưng đằng sau những tấm huy chương, hay các trận thắng thăng hoa thì rất cần những hành trình "trồng người" như Học viện HAGL, Học viện Nutifood... Và cần những ông chủ như bầu Đức, bầu Hải để nuôi dạy cầu thủ theo cách khác biệt, đầu tư cho bóng đá theo kiểu phi lợi nhuận.

Với bóng đá Việt Nam, một hành trình phải theo đuổi và phát triển là "xây nhà thật chắc nền móng" bằng cách phát triển bóng đá trẻ thật tốt bóng đá trẻ. Bởi ĐTQG muốn thành công phải có thật nhiều cầu thủ giỏi và được đào tạo trong môi trường tử tế.
 

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất