Thể thao

Bi kịch của người khiến cầu thủ giàu lên

Theo BĐ&CS
Chia sẻ

23 năm trước, cầu thủ chỉ bị xem như nô lệ trong tay các đội bóng, chẳng có quyền tự đàm phán hợp đồng và hiếm khi được mặc cả tiền lương. Sẽ không có Ronaldo triệu phú bây giờ nếu ngày ấy không xuất hiện người đàn ông “ai cũng nhớ tên nhưng ít ai biết là ai”.

Bosman là người giúp cho khái niệm “Luật Bosman” ra đời.

Cách đây 23 năm, một cầu thủ người Bỉ đã thay đổi bóng đá mãi mãi với một chiến thắng pháp lý bước ngoặt tại Tòa tư pháp châu Âu, sau khi cảm thấy bản thân bị CLB cầm tù. Nhưng thành quả nào cũng có cái giá.

Cựu tiền vệ người Bỉ là người có ảnh hưởng đến bóng đá châu Âu hơn cả Ronaldo và Messi cộng lại. Thế nhưng giờ đây anh chẳng có gì, ngoài 2 đứa con thơ và cái tên được khắc vào lịch sử. Bosman hay thỏa thuận Bosman là thứ người ta nhớ nhất về Jean-Marc Bosman nhưng lại dễ lãng quên khoảng thời gian bị mắc kẹt như ngục tù của người đàn ông này.

“Tôi bị CLB giam giữ”, Bosman nay đã 54 tuổi và đang nhắc lại ngã rẽ cuộc đời vào những năm 1990. “Tôi đã kết thúc hợp đồng với Liege. Họ đưa ra bản hợp đồng mới có trị giá thấp hơn 4 lần trước đó và đồng ý bán tôi cho Dunkirk với giá gấp 4 lần lúc mua. Nói cách khác, họ nâng tôi lên 4 lần để bán đi, còn giữ lại thì bóc lột tôi, giảm giá trị đi 4 lần”. Đây là một cách Liege làm để Bosman không thể đến Dunkirk.

Năm 1990, Bosman bị CLB chủ quản Standard Liege ngăn cản chuyển đến CLB khác và bắt anh ký hợp đồng mới với mức lương thấp hơn tới 4 lần.

“Tôi không chấp nhận cái thủ tục này, vì nghĩ rằng bất hợp pháp. Tôi bị Liên đoàn Bóng đá Bỉ cấm thi đấu vì không chịu ký. Nhưng nếu tôi không tái ký, tôi vẫn thuộc về Liege và thế là tôi lỡ mất cơ hội kiếm tiền ở CLB khác”.

Trước ngày 15/12/1995, toàn cảnh bóng đá châu Âu rất khác với ngày hôm nay. Đó là thế giới khác biệt, Ngoại hạng Anh chỉ mới thành hình 3 năm và bản quyền truyền hình chưa đến thời bùng nổ. Có hạn ngạch về số lượng cầu thủ nước ngoài mà một đội Anh tung ra sân trong trận đấu tại Champions League. Quy định của UEFA buộc mỗi đội chỉ có 3 cầu thủ nước ngoài, trong đó 2 người phải kinh qua lứa đào tạo trẻ. Năm 1994, Sir Alex phải thay Peter Schmeichel bằng Gary Walsh vì luật này và M.U thua Barcelona 0-4.

Trước năm 1995, một cầu thủ hết hạn hợp đồng không thể dễ dàng rời CLB chủ quản. Họ gặp khó khăn nếu muốn chuyển nhương tự do, phải chấp nhận mức lương mới và bị hạn chế tiếp xúc với các CLB khác. Theo quan niệm thời ấy, việc một cầu thủ có giá triệu đô có thể chuyển đi “dễ dàng” mà không hao tổn gì thì quả là chuyện ảo tưởng.

Bosman trong vòng vây của báo chí.

Năm 1990, Bosman bị Liege cấm thi đấu. Sáu tháng sau, ông có thời gian thi đấu ở St Quentin nhưng rồi sau đó không đội nào “dám” đụng đến ông. Bosman kiện Liege, Liên đoàn Bỉ và UEFA vì vi phạm Hiệp ước Rome năm 1957 vốn cho phép tự do chuyển dịch trong Cộng đồng châu Âu (nay là Liên minh châu Âu). “Thông điệp UEFA và FIFA được đưa đến các CLB không ký với tôi chỉ vì tôi đã có hành động pháp lý chống lại họ”, Bosman nói.

“Vào thời điểm ấy, tôi nhận ra sự nghiệp mình sắp kết thúc nên muốn làm lớn luôn. Lý do bởi tôi là công dân châu Âu và tôi có thể chuyển đến làm việc ở bất kỳ nơi nào ở châu Âu chứ”.

Và ông thắng kiện, chiến thắng ở Luxembourg chắc chắn là một bước ngoặt. Với nhiều người, cầu thủ bóng đá đã có nhiều quyền lợi hơn, không bị CLB nắm hoàn toàn nữa. Nhưng cũng có một số lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc chơi và nhiều CLB Anh lo ngại việc tăng cầu thủ ngoại quốc có thể làm thay đổi văn hóa đáng kể.

Anh quyết định kiện CLB ra tòa và đã giành chiến thắng sau 5 năm, từ đó các cầu thủ được phép thoải mái chuyển CLB mới sau khi hết hợp đồng.

Các cầu thủ có thể yêu cầu tăng lương khi chuyển đến CLB khác theo dạng chuyển nhượng tự do. Phí lót tay trở nên phổ biến, các CLB giàu có điều kiện thì luôn OK nhưng các CLB khác thì không thể theo kịp chi phí khó khăn. Sau năm 1995, một số đội bóng gặp khó khăn tài chính buộc phải bán cầu thủ với giá rẻ hơn đáng kể nếu không muốn bị mất trắng.

Chuyên gia về luật thể thao Daniel Geey nhận định: “Bosman vẫn được cộng đồng pháp lý nhìn nhận là trường hợp luật thể thao quan trọng nhất mọi thời đại. Phạm vi và kết quả đạt được có sức ảnh hưởng rất lớn vì giới thể thao lần đầu chứng kiến Tòa án châu Âu đứng về phía một cầu thủ, dùng luật EU để chống lại các tổ chức thể thao châu lục. Nhưng ở các giải đấu cấp thấp, việc kết thúc hợp đồng là ác mộng với các cầu thủ vì không phải lúc nào họ cũng được săn đón, ví dụ như các cầu thủ ở League One hay League Two. Bosman có ảnh hưởng lớn đến việc chi tiêu của CLB để mua sắm cầu thủ nhưng đồng thời cũng tạo cho họ nhiều nguồn thu”.

Về những tác động tiêu cực ngoài ý muốn, Bosman nói: “Kết quả là bây giờ 25 hay mấy chục CLB giàu nhất chuyển nhượng cầu thủ với giá trên trời và các CLB nhỏ không thể mua vì thiếu tiền. Và thế là người giàu ngày một giàu và bỏ xa phần còn lại cả về tài chính lẫn chuyên môn. Đó không phải mục đích của phán quyết Bosman, đó là hậu quả của những gì UEFA và CLB làm sau đó”.

Là người có công lớn giúp các cầu thủ có thể kiếm được thu nhập triệu phú nhưng Bosman lại phải sống trong nghèo khổ và chẳng được ai nhớ tới.

Steve McManaman là cầu thủ đầu tiên được hưởng lợi từ phán quyết, chuyển đến Real Madrid từ Liverpool năm 1999. Sau đó có cả Sol Campbell, Andrea Pirlo, Michael Ballack và gần đây là Robert Lewandowski. FIFPRO (Liên minh cầu thủ thế giới) đã ủng hộ Bosman và vẫn đấu tranh để cải thiện các quy tắc chuyển nhượng như việc thay đổi liên quan đến việc trả tiền chưa thanh toán và chấm dứt hợp đồng.

Nhưng với Bosman, ông chẳng nhận được gì nhiều cả. Cuộc chiến khiến ông trả giá cả về tài chính lẫn tinh thần. “Tôi nghĩ tôi đã làm điều gì đó tốt đẹp. Tôi cho các cầu thủ nhiều quyền hơn. Giờ tôi nghĩ cầu thủ không hiểu họ đã may mắn thế nào đâu, khi có thể rời CLB này và ký với CLB khác, ngay cả khi họ ở nước ngoài và đội đã có nhiều người nước ngoài khác”.

Khi phiên tòa kết thúc, Bosman đã 31 tuổi và hầu như không chơi bóng suốt 5 năm tìm công lý. Hôn nhân đổ vỡ, ông về sống với cha mẹ trong gara xe để tập luyện chờ ngày trở lại - điều không bao giờ xảy ra. Tuyệt vọng, ông rơi vào trầm cảm và nghiện rượu, chỉ nhận được 1.000 đô/tháng tiền trợ cấp.

“Cầu thủ giờ kiếm được nhiều tiền hơn - tốt cho họ. Có người kiếm đến 300 nghìn bảng một tuần, người ít hơn nhưng nói chung là sống khá lắm. Tôi thì chẳng được cái gì. Tôi đã khép quá khứ lại, cả những lời hứa suông. Tôi tự hào vì phán quyết mà mọi người vẫn nhắc đến nó, ngay cả sau khi tôi qua đời chẳng hạn. Có thể họ sẽ nghĩ ít nhất họ phải cảm ơn tôi”.

“Tôi kết thúc chế độ nô lệ, làm điều người khác không dám làm. Và điều ấy hủy hoại cuộc đời tôi”.

Chia sẻ

Bài viết

Theo BĐ&CS

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất